Lê Vũ Minh Trí, lớp 12 Toán 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận thông báo trúng tuyển ngành Toán, Đại học Harvard, hôm 29/3.

"Thư báo của Harvard hiện ra với từ 'Congratulations!' (chúc mừng)in đậm, khiến cả em và bố nhảy lên vui sướng", Trí kể lại khoảng khắc biết tin.

Theo xếp hạng của QS 2024, Đại học Harvard xếp thứ 4 thế giới, với học phí hơn 54.000 USD (trên 1,3 tỷ đồng/năm). Sau khi trừ đi các hỗ trợ tài chính, gia đình Trí chỉ còn phải đóng 5.000 USD một năm.

tri-3535-1711817443.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RzmswCE2AMLxFXAb_G9eww

Lê Vũ Minh Trí. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nam sinh bắt tay chuẩn bị hồ sơ du học từ tháng 4/2023. Trí nói ban đầu khá mơ hồ, dù tìm hiểu và tổng hợp nhiều thông tin trên mạng. Nhờ giành được học bổng trong một chương trình tư vấn du học miễn phí, khó khăn với Trí vơi dần.

Về học tập, Trí từng giành giải nhì học sinh giỏi thành phố năm lớp 9. Sau khi đạt giải khuyến khích học sinh giỏi Toán quốc gia năm lớp 11, năm nay em vươn lên giải nhì. Trí cũng đạt IELTS và SAT (bài thi chuẩn hóa, dùng xét tuyển đại học ở Mỹ) lần lượt là 8.5 và 1.550/1.600.

Trí còn cùng bạn nghiên cứu về Hình học phi Euclid, được trình bày tại Viện Toán học hôm 28/3. Bài tổng hợp của các em được đăng trên tạp chí Pi về Toán dành cho học sinh THPT.

Đại học Harvard yêu cầu một bài luận chính và 5 bài luận phụ. Nam sinh chọn chủ đề về "thành tựu, sự kiện hoặc nhận thức đã thắp sáng một giai đoạn trưởng thành và hiểu biết mới về bản thân em hoặc người khác" cho bài luận chính 650 từ.

Bài luận viết về một cậu bé cấp 2 choáng ngợp khi được mẹ đưa đi tham quan triển lãm về nghệ thuật tạo hình từ các chất liệu đường dẻo. Từ đây, Trí nhận ra có thể sử dụng Toán để thực hành nghệ thuật.

"Câu chuyện là bài học trưởng thành trong nhận thức về những điều em coi trọng và muốn theo đuổi trong tương lai: khám phá năng lực sáng tạo, làm việc nghiêm túc và truyền cảm hứng cho cộng đồng", Trí nói.

Trong bài luận phụ đầu tiên, với yêu cầu kể những trải nghiệm đã hình thành nên con người hiện tại và có thể đóng góp cho Harvard thế nào, Trí kể quá trình cùng các bạn thực hành gấp giấy, thiết kế mẫu gạch lát. Cả nhóm phát hiện ra có thể áp dụng Toán học để cải thiện độ chính xác và tính thẩm mỹ của tác phẩm.

Từ đó, Trí cho rằng ở Harvard, em có thể tìm đến những người bạn mới chung chí hướng, chia sẻ đam mê nghiên cứu, sáng tạo và khám phá điều mới mẻ.

Đề bài luận thứ hai hỏi về trải nghiệm trí tuệ quan trọng. Một lần, Trí tình cờ đọc được cuốn sách về lịch sử Toán học của tiến sĩ Lê Quang Ánh. Sách đem đến góc nhìn tươi mới cho Trí về Toán học qua lăng kính lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo từ thời Hy Lạp cổ đại. Trí sau đó viết blog về Toán trong mối liên quan với các chủ đề đa dạng.

"Em muốn Harvard cảm nhận con người yêu thích đọc, suy ngẫm và nghiên cứu Toán học một cách đa chiều của em", nam sinh nói.

Trí chọn viết về dự án "Where Math meets Art" cho bài luận thứ ba về hoạt động đã định hình nên con người em. Dự án do em khởi xướng.

Trí đã tổ chức các buổi hướng dẫn sử dụng thuật toán để gấp giấy origami; vẽ fractal (hình phân dạng) trên bánh macaron; giới thiệu khái niệm hình học đối xứng thông qua nghệ thuật lát gạch hay kể các câu chuyện Toán học gắn với biểu tượng khối đa diện. Qua đó, Trí giúp nhiều học sinh cấp 2 tiếp cận Toán học một cách vui vẻ hơn.

Bài luận thứ 4 hỏi Trí hy vọng tận dụng nền giáo dục ở Harvard như thế nào trong tương lai. Nam sinh nói tự hào về trường trung học, nơi em đã theo học từ cấp 2. Qua 7 năm gắn bó, em nhận ra khả năng truyền cảm hứng của các thầy cô, tình bạn ở Ams phù hợp với tính cách, lối tư duy của mình. Điều này giúp hình thành nên con người em hiện tại, chứ không phải danh tiếng của trường.

Giống Ams, Trí cho rằng Harvard cũng sẽ là nơi mình được toàn tâm theo đuổi và phát triển kiến thức học thuật.

Bài luận cuối cùng hỏi Tríđiều quan trọng nhất mà em muốn các bạn cùng phòng tương lai biết về mình. Nam sinh cho rằng bản thân luôn tìm kiếm sự đồng điệu về đam mê Toán; thích các môn nghệ thuật tạo hình và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa.

Ở vòng phỏng vấn duy nhất, nam sinh gặp gỡ một cựu sinh Harvard. Giám khảo không hỏi nhiều, chỉ lắng nghe Trí chia sẻ niềm yêu thích tìm hiểu Toán học và những điều đã làm được. Nhờ đó, em có cơ hội thể hiện bản thân và ấn tượng hơn về trường.

tri2-9362-1711817443.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uBiXYtyTwRQjc5iFhLWytw

Trí trong một hoạt động hướng dẫn học sinh sử dụng thuật toán để gấp giấy origami. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Trung Tuân, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Toán 1, nhận xét học trò có đam mê đặc biệt với Toán. Trí đam mê Toán nhưng không phải tuýp học sinh tập trung vào các cuộc thi để lấy giải.

Với mỗi bài được giao, Trí luôn xem như một vấn đề cần nghiên cứu và nghiêm túc tìm hiểu. Nếu phát hiện bài Toán hay, nam sinh tìm mọi cách để ra đáp án, với lời giải hay và lạ.

Từ kinh nghiệm của mình, Trí cho rằng điều quan trọng để tăng khả năng thành công khi ứng tuyển đại học Mỹ là tìm hiểu kỹ để tự đánh giá mức độ phù hợp của bản thân với trường. Nam sinh đang bổ sung giấy tờ để đề xuất thêm hỗ trợ tài chính. Trong email, trường cho biết sẽ cung cấp theo nhu cầu của gia đình.

"Hãy làm điều mình đam mê theo một cách sáng tạo, bền bỉ và diễn đạt điều đó xuyên suốt hồ sơ một cách chân thành", Trí nói. "Em dự định theo con đường nghiên cứu Toán học".

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022