Nhà giáo dục mầm non người Ý, tiến sĩ Maria Montessori từng nói: "Khuyết điểm của một người đều do họ từng có một tuổi thơ bất hạnh gây ra".

Đối với một đứa trẻ, những gì chúng trải qua từ 2 đến 3 năm sau khi chào đời có thể ảnh hưởng tới tương lai của chúng.

Ngoài ra, giáo sư Li Meijin (Trung Quốc) cũng từng đề cập rằng: "Dạy dỗ một đứa trẻ quan trọng hơn cải thiện trí thông minh của chúng". Đặc biệt, bà nhấn mạnh trước năm 12 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển tính cách của trẻ.

Tính cách quyết định số phận và cách nuôi dạy con cái của cha mẹ quyết định tính cách của trẻ. Dưới đây là 4 điều cha mẹ không nên ép con mình làm trong giai đoạn chúng đang định hình tính cách.

1. Ép con không được khóc

Trong một siêu thị nọ, có một bé trai quấy khóc đòi mẹ mua đồ chơi, người mẹ cau mày rồi mắng: "Con có nín khóc không? Con mà khóc nữa là mẹ bỏ con lại một mình đấy. Con cứ ngồi đó khóc đi".

Người mẹ nói xong bỏ đi không quay đầu lại, đứa trẻ bỗng hoảng sợ, kinh hoàng gào khóc tìm kiếm mẹ.

photo-1-16568323062741205270711.jpeg

Ảnh minh họa.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, không gì quan trọng bằng mẹ mình. Thế nhưng, cha mẹ luôn đe dọa con cái bằng những điều chúng cảm thấy sợ hãi nhất.

Tâm lý học cho rằng, bất kỳ vấn đề tâm thần nào của người lớn cũng có thể bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu gây ra.

Một lời nói hay hành vi vô tình của cha mẹ có thể để lại bóng đen rất lớn trong lòng trẻ, từ đó ảnh hưởng tới tâm lý và tinh thần của trẻ trong suốt cuộc đời.

Mỗi khi trẻ khóc đều có những lý do và nhu cầu đằng sau đó. Dù là bé trai hay bé gái, khi trẻ khóc đều cần được cha mẹ chấp nhận thay vì phủ nhận hoặc ép buộc chúng không được khóc.

Nếu cha mẹ ép trẻ không được khóc, về lâu dài sẽ khiến cảm xúc của trẻ bị kìm nén, dễ hình thành những khiếm khuyết về nhân cách. Những cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày trong lòng, đến một ngày nào đó sẽ bộc phát theo những cách không thể ngờ tới.

2. Ép con phải biết chia sẻ với người khác

Chia sẻ một thứ gì đó là một điều khó khăn đối với những đứa trẻ 2, 3 tuổi. Cha mẹ thường muốn con cái mình phải biết hào phóng, rộng lượng, biết chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với người khác.

photo-1-1656832319050619818276.jpeg

Ảnh minh họa.

Ngay cả khi trẻ không muốn chia sẻ, trẻ trước 6 tuổi không nên bị người lớn gắn cho cái mác "ích kỷ" và "keo kiệt".

Việc chia sẻ cần dựa trên cơ sở tự nguyện, nếu trẻ còn nhỏ và chưa hiểu ý nghĩa của việc chia sẻ thì cha mẹ không thể ép trẻ.

Tiến sĩ Montessori chỉ ra rằng, sau 2 tuổi, trẻ sẽ bước vào giai đoạn nhạy cảm về ý thức bản thân, có khả năng phân biệt đâu là "của mình" và đâu là "của người khác". Đây là hiện tượng tâm lý bình thường, vì trong thời kỳ này trẻ thường tự cho mình là trung tâm.

Việc hướng dẫn trẻ biết chia sẻ là điều cần thiết nhưng điều này cần xuất phát từ ý muốn của trái tim, chứ không phải hi sinh niềm vui của trẻ cho người khác.

3. Lấy cảm xúc để ép con phải nghe lời

Trước những hành vi nghịch ngợm, không nghe lời của trẻ, nhiều bậc phụ huynh sẽ thốt lên rằng: "Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ giận đấy".

Chắc hẳn các bậc cha mẹ đang nghĩ rằng, con mình sẽ trở nên ngoan ngoãn khi thấy cha mẹ tức giận, nhưng thực tế không phải vậy. Cha mẹ giáo dục con cái theo cách này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti, thậm chí hình thành tính cách xu nịnh.

photo-3-1656832317203171571008.jpeg

Ảnh minh họa.

Cha mẹ nào hay mất bình tĩnh thì tính tình của con cái cũng y hệt. Cha mẹ lấy cảm xúc ra để đe dọa và kiểm soát hành vi của trẻ sẽ khiến chúng ngày càng cứng đầu hơn.

Thật khó có cha mẹ nào hoàn toàn không tức giận khi dạy dỗ con cái, nhưng ít nhất họ cần biết kìm chế cảm xúc của mình.

Cha mẹ có trí tuệ cảm xúc cao có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình khi họ nói chuyện với con cái. Ngay cả trong trạng thái tức giận, họ sẽ đợi cho tới khi trẻ bình tĩnh lại rồi mới nói chuyện.

Tiến sĩ Montessori nói rằng: "Tất cả những gì chúng ta làm với một đứa trẻ sẽ đơm hoa kết trái, không chỉ ảnh hưởng tới tính cách mà thậm chí còn quyết định cả cuộc đời của trẻ".

4. Ép con phải chào hỏi khi chúng chưa sẵn sàng

Không khó để nhận thấy có nhiều cha mẹ khi gặp người khác liền bảo con mình rằng: "Mau chào chú, chào dì đi con".

Nếu đứa trẻ sợ hãi không chịu chào, chúng thường bị đánh giá rằng: "Sao đứa trẻ này lại nhát gan thế nhỉ, có miệng ăn mà không có miệng nói".

photo-5-16568323167182131908955.jpeg

Ảnh minh họa.

Việc ép buộc trẻ chào hỏi có hại hơn lợi, nó có thể tác động xấu tới sự phát triển của trẻ.

Khi trẻ gặp người lạ, việc chúng không chào hỏi do sợ hãi là điều rất bình thường. Đó là do trình độ nhận thức của trẻ đã phát triển đến một giai đoạn nhất định và có thể phân biệt được đâu là người quen, đâu là người lạ.

Muốn trẻ biết chào hỏi người khác, cha mẹ cần cho trẻ có đủ thời gian để thích nghi. Cha mẹ phải đứng về phía trẻ và bảo vệ trẻ bằng thái độ tích cực khi chúng bị người khác chê trách.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022