Phá địa ngục (Tựa quốc tế: The Last Dance ) từng tạo cú hích bất ngờ tại phòng vé xứ cảng thơm.
Nhờ đề tài mới mẻ, tác phẩm nhanh chóng được khán giả đón nhận, vượt mặt bom tấn Cửu Long thành trại để trở thành phim nội địa có doanh thu cao nhất năm 2024, đồng thời cũng là phim Hong Kong ăn khách nhất mọi thời.
Từ đám cưới đến đám ma
Chuyện phim đưa người xem theo chân Đạo Sinh (Huỳnh Tử Hoa) – một chuyên gia tổ chức đám cưới nhưng sự nghiệp gặp trở ngại vì Covid-19 và suy thoái kinh tế. Chẳng mấy ai làm đám cưới vào giai đoạn này nữa nên anh quyết định chuyển sang làm… đám tang.
Đạo Sinh sớm nhận ra mình cũng có năng khiếu với nghề tổ chức tang lễ nhưng còn non kinh nghiệm, đối mặt nhiều khó khăn với những nghi thức tâm linh phức tạp.
Chưa kể, anh còn gặp rắc rối khi phải thuyết phục pháp sư Quách Văn (Hứa Quán Văn) - người lão làng trong giới mai táng, nổi tiếng là một đạo sĩ khó tính và bảo thủ.
Nhân vật chính Đạo Sinh (Huỳnh Tử Hoa) gặp rắc rối với pháp sư Quách Văn (Hứa Quán Văn).
The Last Dance chọn đề tài khá thú vị, khai thác yếu tố tâm linh nhưng không đi theo thể loại kinh dị hay giật gân.
Kịch bản phim lấy cảm hứng từ một nghi thức có thật tên là "phá ngục cứu vong" trong Đạo giáo Trung Quốc. Cụ thể, đạo sĩ sẽ dùng 18 viên gạch có vẽ hình tượng trưng cho 18 tầng địa ngục, sau đó lần lượt niệm kinh và phá từng viên.
Theo niềm tin Đạo giáo, nghi thức này sẽ giúp người quá cố rời khỏi địa ngục để nhanh chóng siêu thoát đến miền cực lạc.
Thông qua câu chuyện của Đạo Sinh, phim khắc họa cuộc sống của những người làm dịch vụ mai táng. Đó là một nghề mà ít người trẻ Hong Kong nào dám theo đuổi ở thời hiện đại, lại chịu nhiều định kiến xã hội.
Sư phụ Văn là người chuyên thực hiện nghi lễ “phá ngục cứu vong”, giải thoát cho người đã mất. Nhưng bản thân ông cũng có nhiều khúc mắc khó gỡ, đặc biệt là mối quan hệ phức tạp với cô con gái làm nghề y tá.
Đây là tác phẩm thứ ba do Trần Mậu Hiền cầm trịch. Anh từng là một biên kịch nổi tiếng trước khi chuyển hướng ngồi ghế đạo diễn. Các phim trước của Trần Mậu Hiền thường mang màu sắc hài hước, vui vẻ. Lần này, đạo diễn thay đổi phong cách, khai thác một câu chuyện nghiêm túc, có chiều sâu hơn.
Một vài hình ảnh trong phim.
Ý tưởng phim được ấp ủ trong suốt giai đoạn Covid-19 nên dấu ấn đại dịch ảnh hưởng khá nhiều đến tác phẩm. Đạo diễn cũng gửi gắm nhiều thông điệp mang tính triết lý về đời sống và kiếp nhân sinh. Khi con người đối diện với cái chết, mọi thứ trên đời chỉ là hư vô và không còn gì là quan trọng nữa.
Bi kịch gia đình và mâu thuẫn thế hệ ở xã hội Hong Kong cũng được đề cập, để lại nhiều suy ngẫm cho người xem.
Diễn xuất là điểm cộng
Cả Huỳnh Tử Hoa và Hứa Quán Văn đều có vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp. Họ phối hợp ăn ý trên màn bạc, giúp phim hấp dẫn và mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Sinh năm 1942, Hứa Quán Văn là ngôi sao truyền hình TVB thập niên 1970, cũng từng xuất hiện trong nhiều dự án điện ảnh ăn khách. Năm 1982, ông lập kỷ lục là Ảnh đế đầu tiên của giải Kim Tượng với vai diễn trong phim hài Bảo vệ hiện đại .
Bước sang tuổi 82, nam diễn viên chứng minh “gừng càng già càng cay”, thuyết phục với diễn xuất chân thật, không lên gân.
Huỳnh Tử Hoa cũng không kém cạnh. Dù ít hơn về tuổi đời lẫn tuổi nghề, anh vẫn giữ vững phong độ khi sánh vai với đàn anh, tạo dấu ấn riêng nhờ nét diễn hài hước tự nhiên, duyên dáng.
Huỳnh Tử Hoa và Hứa Quán Văn diễn ăn ý trên màn ảnh rộng.
Ra mắt lần đầu tại LHP Quốc tế Hawaii, Phá địa ngục được khán giả cũng như giới phê bình đón nhận nhiệt liệt nhờ nội dung gây tò mò, lại đậm màu sắc văn hóa Á Đông.
Sau đó, tác phẩm được phát hành rộng rãi ở Hong Kong vào tháng 11/2024 và nhanh chóng phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé. Theo Box Office Mojo, phim thu hơn 18 triệu USD doanh thu nội địa, cao hơn cả Đại trạng độc mồm (A Guilty Conscience) năm trước.
Thành công của phim chủ yếu là nhờ đề tài mới mẻ. Hai cái tên Huỳnh Tử Hoa và Hứa Quán Văn là yếu tố bảo chứng chất lượng. Đây cũng là dự án đầu tiên của Hong Kong khai thác nghề tang lễ, phong tục Đạo giáo.
Đáng tiếc, Phá địa ngục lại chưa tạo được tiếng vang quá lớn ở thị trường quốc tế, nhất là châu Á, chủ yếu vì phim thuộc thể loại chính kịch, Huỳnh Tử Hoa và Hứa Quán Văn lại không phải là những diễn viên được biết đến rộng rãi.
Phim cũng còn một vài điểm hạn chế, đặc biệt là ở khâu biên tập. Nhiều cảnh quay được cắt dựng chưa tốt, chuyển cảnh đột ngột dễ làm gián đoạn mạch truyện. Một số nhân vật phụ cũng được xây dựng hời hợt, không đóng góp nhiều vào cốt truyện chính.
Song, sự xuất hiện của Phá địa ngục là tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Hong Kong. Tác phẩm cho thấy các nhà làm phim xứ cảng thơm vẫn có thể sáng tạo những câu chuyện sâu sắc và giàu triết lý, mang đậm bản sắc riêng.