Anh Nguyễn Trung Hậu sinh năm 1985, ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Lên 5 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến anh Hậu từ một cậu bé khỏe mạnh, hoạt bát phải ngồi xe lăn. Luôn tin rằng “học để thay đổi số phận”, anh Hậu đã nỗ lực thi đỗ vào đại học nhưng mới học được 7 ngày thì anh phải bỏ giữa chừng do không có tiền đóng học phí và gia đình không thể đưa đón mỗi ngày.
Làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ đi dạy tiếng Anh cho đến sửa chữa máy tính, nhưng anh Hậu đều cảm thấy công việc này không phù hợp với bản thân. Cơ duyên làm việc tại một công ty chuyên về cà phê sạch ở Đà Lạt đã khiến anh Hậu nhen nhóm ý tưởng đem những ly cà phê ngon về quê hương mình.
Dù bước đầu không được người nhà và bạn bè ủng hộ, việc di chuyển bằng xe lăn càng khiến cho công việc gặp nhiều khó khăn, thế nhưng anh Nguyễn Trung Hậu vẫn quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Anh muốn chứng minh cho mọi người thấy dù không có đôi chân, nhưng mình vẫn có thể làm được mọi thứ.
Trải qua bao sóng gió, cuối năm 2017, Ngồi Café ra đời, với anh Hậu đó là câu trả lời đầy tự tin với những người từng nói anh không thể làm được. Chia sẻ về cái tên Ngồi Café, anh Hậu cho biết, anh mong muốn quán của mình sẽ là nơi để mỗi người có thể ngồi xuống để nghỉ ngơi, thành thơi suy nghĩ về cuộc sống này.
Không chỉ học qua mạng, sách, anh Hậu còn học từ những lần vấp ngã: “Môi trường khắc nghiệt sẽ giúp con người vượt qua chính mình.Thay vì ngồi đó và than thở, oán trách, việc tốt nhất chúng ta có thể làm và tìm cách giải quyết vấn đề của mình”.
Khi đã hoàn thành được ước mơ của bản thân, anh Hậu đã nghĩ ngay tới việc mình phải làm điều gì đó cho cộng đồng, đặc biệt là những người khuyết tật. Hành trình đến với Trạm yêu thương của anh Hậu không chỉ dừng lại với câu chuyện của chính mình. Anh còn mang đến niềm vui cho các bạn trẻ ở Tiệm giặt là của người điếc.
Hiện tại, những cơn đau dai dẳng di chứng từ bệnh bại liệt vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của anh Hậu. Không thể ngồi quá lâu nhưng vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều nên anh quyết định “hy sinh” cảm giác riêng của mình để hoàn thành tốt công việc.