Một buổi chiếu phim Mai của Trấn Thành tại Úc trong dịp Tết và Valentine vừa qua - Ảnh: ĐPCC
"Cách để Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á với các cụm rạp chiếu phim mới, lượng khán giả khát khao phim ảnh và ngành điện ảnh trong nước năng động" là tên bài viết gây chú ý của tác giả Liz Shackleton trên Deadline hôm 23-2.
Một số nhà làm phim Việt có chia sẻ trong bài với mong mỏi cùng dựng bức tranh phim ảnh tích cực đang phát triển năng động ở Việt Nam.
Tăng trưởng ổn định, phim Việt dẫn đầu
Deadline dẫn số liệu riêng cho thấy doanh thu phòng vé Việt Nam tăng trưởng ổn định 10% hằng năm trước đại dịch, vượt Thái Lan - quốc gia có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn nhiều.
Để nói về sự phát triển của thị trường điện ảnh Việt, không thể không nhìn nhận tầm quan trọng của phim chiếu Tết Nguyên đán ở Việt Nam - một đặc trưng bởi đây là giai đoạn thấp điểm của các thị trường điện ảnh lớn.
Và chính thị trường phim chiếu Tết - hội tụ phần rất lớn doanh thu điện ảnh Việt trong năm - đã góp phần tạo nên thành tích "đạo diễn nghìn tỉ đầu tiên của Việt Nam" cho Trấn Thành.
Chỉ với ba phim chiếu Tết đều đang có doanh thu trên 400 tỉ đồng là Bố già, Nhà bà Nữ và Mai, Trấn Thành không chỉ vượt doanh thu của chính mình mà còn từng bước đưa phim Việt ra quốc tế...
Đặc biệt, sau hơn một tuần công chiếu, phim Mai đã vào top 15 phim ăn khách nhất thế giới năm 2024 (tính đến tháng 2).
Phim trăm tỉ Người vợ cuối cùng của Victor Vũ chiếu tại Mỹ vào tháng 12-2023 - Ảnh: ĐPCC
Đơn vị sản xuất Nhà bà Nữ và Mai ngoài Trấn Thành Town còn có CJ HK Entertainment - công ty liên doanh giữa CJ ENM của Hàn Quốc và HK của Việt Nam.
Hình thức hợp tác này phát triển trong các năm qua và tạo nên thành công.
Năm 2023, phim trăm tỉ Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ là Lotte Entertainment phối hợp với November Films, T Film của Việt Nam sản xuất.
Vai trò của các nhà làm phim dạng "ngôi sao phòng vé" là rất quan trọng, nhưng không chỉ có họ làm nên sự phát triển của thị trường các năm qua.
Cũng chiếu Tết năm nay, phim Gặp lại chị bầu của Nhất Trung có doanh thu ổn - hiện đã trên 77 tỉ đồng và chắc chắn có lãi.
Nếu chiếu vào một dịp khác trong năm, Gặp lại chị bầu rất khó đạt mức doanh thu này bởi phim không quá "viral", ít có chủ đề thảo luận và gần như bị cơn sốt Mai rồi Đào, phở và piano nhấn chìm trên mạng xã hội.
Hay suốt năm 2023, phim Việt đến từ các nhà sản xuất khác nhau cũng tạo nên những cơn sốt và mang về doanh thu tốt như với các phim:
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Siêu lừa gặp siêu lầy, Đất rừng phương Nam, Chị chị em em 2, Con Nhót mót chồng, Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu...
Thị trường phim Việt cũng được ghi nhận là do phim nội dẫn dắt, bên cạnh phim Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, trong khi phim Mỹ ở Việt Nam đang thoái trào.
Có những làn sóng phim Việt đang lên được ghi nhận như làn sóng kinh dị, mà đặc biệt là ProductionQ - với nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn.
Họ theo đuổi dòng phim kinh dị dựa trên các yếu tố dân gian hoặc chuyển thể từ tiểu thuyết Việt Nam (Kẻ ăn hồn, Tết ở làng địa ngục).
5 triệu lượt vé trên 100 triệu dân cũng chưa cao
Những năm trước, khi trả lời Tuổi Trẻ về hướng đi để thị trường phát triển và có những phim doanh thu nghìn tỉ, các nhà phát hành đưa ra nhiều giải pháp nhưng thường chung một yếu tố: Việt Nam cần nhiều rạp phim hơn và lượng khán giả thường xuyên cần tăng lên.
Các phim Việt ăn khách cần bán được nhiều vé hơn vì thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng - Ảnh: Beta Cinemas
Tết này, khi phim Mai công bố con số 5 triệu lượt vé bán ra (ngày 24-2), trên mạng có tranh luận con số đó có thực tế. Nhưng trong mắt người làm phim, 5 triệu vé xem phim trên khoảng 100 triệu dân - với một phim sắp là top 1 phim Việt ăn khách nhất từ trước đến nay - hoàn toàn không phải là một tỉ lệ cao.
Để so sánh, những bộ phim top 3 phòng vé Hàn Quốc từ trước đến nay như The Admiral: Roaring Currents, Extreme Job và Along With the Gods: The Two Worlds đều có số vé bán ra lần lượt trên 17 triệu, 16 triệu và 14 triệu vé. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ hơn 50 triệu dân.
Phim The Admiral: Roaring Currents (top 1 phòng vé Hàn Quốc) bán được 17 triệu vé vào năm 2014 - Ảnh: IMDb
Hàn Quốc lâu nay là một thị trường mà Việt Nam có nhiều hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, liên kết sản xuất - phát hành... Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đóng góp khá nhiều trong việc xây dựng rạp phim ở Việt Nam như hệ thống rạp multiplex do CJ CGV và Lotte Cinema điều hành.
Ngoài ra, hệ thống rạp Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex hay các hãng nhỏ hơn như Mega GS, Cinestar, Beta Cinemas... với giá vé thấp hơn cũng thu hút nhiều phân khúc khán giả.
Thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá là khá trẻ khi 80% khán giả là người dưới 29 tuổi - ông Nguyễn Tuấn Linh, giám sát phát hành của CJ HK, nói với Deadline. Nhóm tuổi đó về cơ bản đang dẫn dắt thị hiếu: lãng mạn, hài, kinh dị. Họ cũng rất năng động trên Facebook và TikTok.
Sau Bố già, phim Việt sang Mỹ nhiều hơn
Hình phim Mai trên bài báo của Deadline
Bên cạnh thị trường trong nước, điện ảnh Việt cần có những phim được chiếu và gây tiếng vang ở nước ngoài, đặc biệt các thị trường lớn.
Điều này đang có những bước tiến trong 3 năm qua. Theo Deadline, từ khi Bố già (Dad, I'm Sorry) của Trấn Thành chiếu ở một vài rạp tại Mỹ năm 2021, quy mô phát hành phim Việt tại Mỹ đã tăng đáng kể. Năm 2023, có ít nhất 6 phim Việt chiếu ở Bắc Mỹ, một số phim chiếu ở 40-70 địa điểm, theo Thien A.Pham - người sáng lập hãng phân phối 3388 Films.
Ban đầu, các phim Việt nhắm đến cộng đồng người Việt ở Mỹ, sau đó mở rộng sang Kansas, Ohio và North Carolina - những nơi chưa từng chiếu phim Việt trước đây.
Công ty Skyline của nhà phát hành Hằng Trịnh cũng đang thực hiện nhiều phim hợp tác sản xuất. Cùng với Vietnam Media Corp của BHD, Skyline thường xuyên mang phim Việt đến các chợ phim quốc tế.