z59571752962906897cfdd01ad56f9fd923123aaff10df-1729603391380620243927.jpg

Đường Lâm - làng Việt cổ đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia

Cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam do UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Q-Talent tổ chức; còn Liên hoan ban nhạc toàn quốc 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp Hội Âm nhạc Hà Nội và UBND thị xã tổ chức.

Cả hai đều nằm trong chuỗi kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô nói chung và 100 năm Ngày thành lập thị xã, 70 năm Ngày giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng Sơn Tây nói riêng.

Phó chủ tịch UBND thị xã Lê Đại Thăng nói tổ chức hai sự kiện, "thị xã Sơn Tây mong muốn trở thành điểm đến của những sự kiện có quy mô quốc gia".

dscf5697-17296031416892064231049.jpg

Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam có nghệ sĩ Quách Thu Phương, Xuân Bắc, Trần Nhương... - Ảnh: TIẾU TÙNG

Chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ

Ông Thăng cho biết đây là lần đầu tiên địa phương đăng cai tổ chức một cuộc thi hoa hậu. Cuộc thi người đẹp ở đây sẽ có những đặc thù, không giống các cuộc thi hoa hậu khác.

Thông thường các cuộc thi hoa hậu do các đơn vị tư nhân tổ chức; đây là sự kiện do địa phương đứng ra thực hiện.

Văn hóa xứ Đoài đồng hành cùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Sơn Tây nằm ở vị trí trung tâm của xứ Đoài nổi tiếng với hơn 400 di tích văn hóa - lịch sử, trong đó có 80 di tích được công nhận là di sản văn hóa quốc gia và của TP Hà Nội.

Trong đó có những di tích nổi tiếng như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm…

"Di sản sẽ làm cho những người đẹp và tà áo dài truyền thống của Việt Nam trở nên duyên hơn", ông Thăng nói.

Dự kiến vòng sơ khảo cuộc thi Hoa hậu Di sản áo dài Việt Nam diễn ra vào ngày 22-10. Đêm chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức ngày 24-11 tại Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao thị xã. Cuộc thi chấp nhận cả thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Mục đích cuộc thi tìm người đẹp có đủ "sắc, tâm, tài" để quảng bá tà áo dài Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Qua đó làm nổi bật giá trị văn hóa - lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, thu hút khách du lịch tới địa phương.

dscf5715-1729603499334459735263.jpg

NSND Phạm Trọng Khôi phát biểu - Ảnh: TIẾU TÙNG

Tìm lại sức sống của âm nhạc

Về Liên hoan ban nhạc toàn quốc 2024, NSND Phạm Trọng Khôi - phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho rằng các ban nhạc trẻ gồm những người yêu nhạc tự thân, có niềm say mê, cùng chí hướng và chung khát vọng cống hiến với âm nhạc.

"Và họ luôn có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa - giải trí, đặc biệt đời sống của các bạn trẻ, rất gần gũi với khán giả", ông nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh - phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - nói thêm, trong bối cảnh nhạc số chiếm lĩnh và cùng với sự phát triển của công nghệ, con người ngày càng giống máy móc, người máy có những mặt giống con người. 

Việc tạo một sân chơi như vậy có ý nghĩa trong việc tìm lại sức sống của âm nhạc, giúp nghệ sĩ và khán giả kết nối với nhau hơn.

Còn công diễn Liên hoan ban nhạc toàn quốc sẽ diễn ra ở phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV và các nền tảng mạng xã hội khác.

Mỗi ban nhạc trình diễn bốn tiết mục, trong đó có hai tiết mục hòa tấu và hai ca khúc (có một ca khúc về Hà Nội).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022