“Phòng được người ngay, khó cấm kẻ gian”
Người xưa vẫn nói chỉ có thể phòng được người ngay chứ khó cấm kẻ gian. Trong các vấn đề vi phạm bản quyền, nóng hổi nhất, phức tạp nhất xưa nay vẫn luôn thuộc về lĩnh vực âm nhạc. Nhái nhạc, nhái ý tưởng ngày càng có xu hướng gia tăng với hình thức tinh vi và phức tạp. Muôn kiểu vay mượn, từ bản beat, phong cách, hình chụp album cho tới ý tưởng làm MV cũng “trùng hợp” một cách khó hiểu. Nghiêm trọng hơn, vấn đề bản quyền âm nhạc lại được xã hội nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau, khiến cho nó càng trở nên mơ hồ và không có một quy chuẩn cụ thể nào để nhận dạng. Cho nên mới có tình trạng những ca sĩ như Sơn Tùng liên tục bị tố đạo nhạc nhưng chưa cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết những vụ việc này.
Trần Hà My bị xử phạt vì nhận ca khúc của người khác là của mìnhCả nước có tới trên 3.000 tác giả đã uỷ thác quyền khai thác và quản lý tác phẩm âm nhạc tại Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trong đó phía Nam là 2.000, phía Bắc có hơn 1.000. Không thể đếm hết hàng triệu các tác giả âm nhạc khác nữa chưa uỷ thác quyền quản lý và khai thác tác phẩm qua trung tâm Quyền tác giả âm nhạc. Mỗi tác giả sáng tác từ vài chục tới cả trăm tác phẩm ở đủ các thể loại khác nhau, như vậy, có thể thấy khó mà quản lý được tất cả các hình thức khai thác kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ này. Cho nên tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc bị gọi là “mãn tính” vẫn cứ diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Nhạc sĩ Phó Đức Phương xác nhận việc xảy ra tranh chấp các tác phẩm âm nhạc giữa các tác giả khác nhau là có và vẫn đang tồn tại.
Tuy nhiên, phổ biến hơn là tình trạng các nhạc sĩ bị nhà sản xuất, người sử dụng tác phẩm vi phạm nặng nề. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC phía Nam – bức xúc: “Thực tế trong nhiều năm qua, các hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra hết sức công nhiên, thách thức và gây tổn hại không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các tác giả. Nhiều chương trình âm nhạc, các live show được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán hàng triệu hoặc hàng chục triệu đồng, cát sê ca sĩ được trả hàng trăm triệu, chưa kể nguồn thu tương đối lớn từ các đơn vị tài trợ và quảng cáo, thì nhạc sĩ nhiều khi không có lấy một đồng, hoặc nếu có cũng chỉ hết sức tượng trưng cho qua”.
Đăng ký tác quyền và uỷ thác quyền khai thác tác phẩm là hai việc khác hẳn nhau
Vậy đối với các nhạc sĩ, khi đến ký hợp đồng uỷ thác quyền quản lý và khai thác tác phẩm, có nên đưa ra quy định bắt buộc phải kèm theo chứng nhận quyền tác giả? Trao đổi về vấn đề này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thẳng thắn nhận xét: “Vi phạm có rất nhiều kiểu, và uỷ quyền cũng có rất nhiều kiểu. Chẳng hạn tác giả có tác phẩm đã bán đứt cho một đơn vị khác nhận quyền quản lý và khai thác tác phẩm, lúc mới bán thì thấy có lợi, vì lúc đó tác giả chưa thành danh, nhận được một món tiền lớn thấy thế là được rồi. Nhưng sau, do đơn vị quản lý khai thác tốt quá, lợi nhuận thu về nhiều, tác giả thấy tiếc, lại gây ồn ào, lình sình đòi lại, hoặc muốn đem nhờ VCPMC quản lý, khai thác giùm thì không được.
Hai vấn đề nên tách bạch, quyền tác giả và các quyền liên quan là quyền và nghĩa vụ của tác giả, nên làm với các cơ quan chức năng và tự chịu trách nhiệm về việc đó. VCPMC chỉ thay mặt tác giả nhận uỷ quyền để quản lý và khai thác tác phẩm thôi”.
Cô ca sĩ sinh năm 1997 từng khiến khán thính giả buồn cười vì trong ca khúc “Tạm biệt” xuất hiện rất nhiều từ “Hello” (Xin chào!)Về vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (văn phòng luật Quốc Tuấn, TP.HCM) cũng khẳng định: “Công ước Berne cũng đã quy định rõ quyền tác giả được bảo hộ tự động kể cả tác giả không đi đăng ký tác quyền, cho nên Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc không thể bắt buộc các tác giả phải đính kèm chứng nhận quyền tác giả khi nhận uỷ nhiệm quyền quản lý, khai thác tác phẩm. Chẳng hạn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hơn 500 ca khúc, không thể bắt gia đình ông đính kèm hợp đồng uỷ thác 500 bản chứng nhận đó là ca khúc của Trịnh Công Sơn. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, các bên sẽ phải tự đưa ra cơ sở pháp lý chứng minh quyền tác giả của mình”.
Tuy việc đăng ký bản quyền không phải là bắt buộc nhưng theo ý kiến của luật sư Bùi Quốc Tuấn thì: “Tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn theo quy định pháp luật cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Khi xảy ra tranh chấp thì những tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận quyền liên quan sẽ không còn nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại”.
Trước khi nhận quyết định xử phạt, Trần Hà My đã nhiều lần chối cãi về việc cố tình lấy sản phẩm trí tuệ của người khác làm của mình với việc cô trình ra chứng cứ là hợp đồng uỷ quyền quản lý và khai thác tác phẩm đã ký với Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Ý kiến của nhiều luật sư đồng thuận cho rằng đây không phải là chứng cứ hợp pháp về quyền tác giả. Trao đổi với chúng tôi về việc này, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC)- giải thích: “Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc là một tổ chức phi lợi nhuận, nhận sự uỷ thác từ các nhạc sĩ để quản lý và khai thác tác phẩm, chứ không phải cơ quan chứng nhận tác quyền. Theo quy trình, các nhạc sĩ khi đến ký hợp đồng uỷ thác phải cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền tác phẩm”.
Như vậy, trong trường hợp của Trần Hà My, mang tác phẩm của người khác mà cô tự nhận là của mình đi uỷ thác quyền quản lý và khai thác, thu lợi về mình, thì có phải là khe hở của việc thực thi bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam? Và trong trường hợp đã có quyết định xử phạt chính thức của thanh tra Bộ Văn hoá TT&DL, thì Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xử lý thế nào với tác giả này? Trao đổi về vấn đề trên, nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC- cho biết: “Đã có quyết định xử phạt của thanh tra, chúng tôi sẽ mời cô Trần Hà My tới trung tâm để làm thủ tục huỷ hợp đồng uỷ thác quyền quản lý, khai thác tác phẩm đã ký”. Huỷ hợp đồng uỷ thác quyền quản lý và khai thác ca khúc “Điều em muốn nói” giữa Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc và Trần Hà My, nhưng chắc chắn số tiền bản quyền mà Trần Hà My đã nhận được thì khó lòng đòi lại, hoặc đem trả cho Hoàng Thu Trang – tác giả chính thức của ca khúc này?
Hòa Bình