Taylor Lautner nổi tiếng với vai người sói Jacob Black với vóc dáng vạm vỡ trong loạt phim Twilight.
Tuy nhiên, trong một tập podcast The Squeeze vừa qua, nam diễn viên chia sẻ về những tổn thương tâm lý mà cơ thể cơ bắp cuồn cuộn đó đã gây ra cho anh.
Suốt 5 phần phim, để giữ được vóc dáng “lý tưởng” của một người sói, Lautner phải tập thể dục vài lần/ngày, suốt 6 ngày/tuần và tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, Today đưa tin.
Bức ảnh "không cơ bụng" bị chê trách vào năm 2014 của Taylor Lautner. Ảnh: Pacific Coast News Online/Pop Sugar. |
Sau khi loạt phim kết thúc vào năm 2012, anh ngừng đến phòng gym bởi đã phát ngán với việc phải tập luyện liên tục. Anh từ bỏ cơ bụng 8 múi và lấy lại thân hình bình thường, tự nhiên. Anh nghĩ mình trông khá ổn, nhưng khán giả thì không.
Trên Internet, nhiều người lấy hình ảnh Lautner cởi trần thời điểm đó và so sánh với hồi anh đóng Twilight, đồng thời đưa ra vô số bình luận chê bai, chỉ trích.
Sự cố chấp đó của công chúng kéo dài nhiều năm qua. Kết quả, “người sói” phải vật lộn với hình ảnh cơ thể suốt hơn một thập kỷ.
“Họ nói rằng tôi sống buông thả quá. Tôi mới nghĩ, ‘Ôi trời có thực sự là tôi buông thả bản thân không? Tôi không nghĩ mình trông tệ đến thế’”, anh nhớ lại.
Câu chuyện nam giới bị ám ảnh bởi ngoại hình lý tưởng không còn mới mẻ. Tương tự phụ nữ, đàn ông cũng gánh chịu áp lực phải sở hữu thân hình lý tưởng, gồm cơ bụng 6 múi và cơ thể săn chắc. Kiểu vóc dáng này hiện vẫn tồn tại trong tâm lý phái mạnh và cả phần lớn công chúng.
Thế nhưng, xã hội dường như chưa có nhiều cuộc thảo luận hay hành động cụ thể nhằm cải thiện tình trạng này. Bản thân phái mạnh cũng có xu hướng giữ im lặng khi phải đối mặt với những cảm xúc phức tạp xung quanh hình ảnh cơ thể của họ.
"Chuẩn" cơ thể độc hại
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong nhiều bộ phim, các tiêu chuẩn về cơ bắp nam giới ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, xa rời hình ảnh cơ thể của một người đàn ông bình thường.
Điều này không chỉ gây tác động tới tâm lý khán giả, rằng có phải sự lực lưỡng của siêu anh hùng là tiêu chuẩn thể hình ngày nay, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới chính các diễn viên.
Zac Efron gặp nhiều khó khăn để giữ thân hình vạm vỡ trong quá trình quay phim Baywatch. |
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với ES, diễn viên Robert Pattinson, bạn diễn của Lautner trong loạt phim Twilight, nói rằng tiêu chuẩn ngoại hình mà nam giới hiện phải đối mặt là thứ “nguy hiểm rình rập”, và việc diễn viên được kỳ vọng phải tập gym cường độ cao là “điên rồ”.
Anh cũng trải lòng về cuộc đấu tranh của mình để đạt được hình ảnh cơ thể phi thực tế. Năm ngoái, trong thời gian quảng bá cho phim Batman, Pattinson cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ về chế độ tập luyện của mình.
Anh xấu hổ khi phải trả lời câu hỏi phỏng vấn về quá trình luyện tập, bởi “ngoài kia sẽ luôn có một anh chàng sở hữu vóc dáng đẹp hơn bạn”. Người đàn ông 36 tuổi cũng thử nhiều kiểu ăn kiêng độc hại, như chỉ ăn khoai tây luộc với muối hồng Himalaya suốt 2 tuần, để giảm cân.
Ngoài “Người Dơi” Pattinson, nhiều ngôi sao, người nổi tiếng khác cũng lên tiếng chia sẻ những khó khăn họ gặp phải về vấn đề hình ảnh cơ thể.
Channing Tatum phải nhịn ăn và tập luyện khắc khổ khi đóng phim Magic Mike. Ảnh: Warner Bros. Pictures. |
Zac Efron từng công khai những khó khăn của anh về áp lực giữ ngoại hình. Để có vóc dáng hoàn hảo cho bộ phim Baywatch (2017), ngoài chế độ ăn uống và tập luyện khắc nghiệt, nam diễn viên từng uống quá nhiều thuốc lợi tiểu, đến mức anh “rơi vào chứng trầm cảm khá nặng” và bị mất ngủ.
Năm 2022, tại chương trình The Kelly Clarkson Show, diễn viên Channing Tatum cho biết anh không muốn nhắc lại bức ảnh ngực trần cơ bắp nổi tiếng trong các phần phim Magic Mike. Để đạt được thân hình “chuẩn” 8 múi đó, anh đã phải nhịn đói, theo Independent UK.
Tổn thương từ mạng xã hội
Ngay cả những người đàn ông bình thường cũng đang đẩy bản thân vượt quá giới hạn sức khỏe, do ngày càng nhiều tài khoản mạng xã hội tự đặt ra tiêu chuẩn cho hình thể được cho là “bình thường”.
Hiện, nhiều nam giới, ở cả tuổi vị thành niên và trưởng thành, đang đua nhau theo đuổi thân hình vạm vỡ kiểu “Dorito bod” - một thuật ngữ dùng để mô tả cơ thể phái mạnh, gồm hai đặc điểm chính là vai rộng và eo nhỏ, được các vận động viên thể hình ưa chuộng, theo Vogue.
Một nghiên cứu năm 2020 do công ty MaryAnn Liebert Inc công bố cho thấy việc khoe nhiều cơ bắp trên mạng xã hội sẽ thu hút nhiều lượt xem và thích hơn.
Áp lực không có thân hình "chuẩn" khiến nhiều đàn ông rơi vào căng thẳng, hoặc tập luyện quá sức. Ảnh: Japan Times. |
Còn trong một nghiên cứu năm 2017, tác giả D. R. McCreary chỉ ra rằng đàn ông cảm thấy tồi tệ hơn về ngoại hình của họ sau khi xem các hình ảnh về cơ thể lý tưởng, siêu cơ bắp trên Instagram. Điều này có thể làm giảm sự tự tin, lòng tự trọng và sự hài lòng cuộc sống.
Theo một nghiên cứu năm 2019 được thực hiện trên 7.000 nam giới Mỹ 18-24 tuổi, cứ 5 người sẽ có hơn 1 người có vấn đề liên quan rối loạn ăn uống do muốn trở nên đô con hơn và cơ bắp săn chắc hơn. Những thanh niên này thường ăn quá nhiều, bổ sung các loại thực phẩm chức năng hoặc thậm chí dùng steroid tăng cơ bắp.
“Những hình tượng cơ thể phi thực tế đã dẫn đến việc nhiều người tập luyện quá sức, tìm kiếm chất bổ sung, bị chấn thương, và có thể rơi vào trầm cảm, lo âu nếu không đạt được mục tiêu như mong đợi”, Tiến sĩ Scott Griffiths, thành viên nghiên cứu cao cấp tại Trường Khoa học Tâm lý Melbourne (Australia), cảnh báo.
Nam giới ngại chia sẻ
Chia sẻ với Vogue, Tan Wei Ying, nhà tâm lý học tại Annabelle Psychology, cho biết các vấn đề về hình ảnh cơ thể mà đàn ông gặp phải rất đa dạng và phức tạp.
Theo Tan, người nghiên cứu về chứng mắc cảm hình thể và rối loạn ăn uống, nam giới thường mất tự tin do các vấn đề thể chất liên quan đến cơ bắp và mỡ. Bên cạnh đó, còn có các tác nhân bên ngoài, gồm kỳ vọng văn hóa và xã hội, mạng xã hội, so sánh xã hội, xu hướng cầu toàn, và trải nghiệm tiêu cực như bị trêu chọc, bắt nạt.
Phần lớn đàn ông ít khi nói về những khó khăn này với gia đình, bạn bè. Họ cảm thấy thể hiện cảm xúc sẽ khiến họ có vẻ kém nam tính hơn. Thậm chí, ngay cả khi nói ra, một số vấn đề của phái mạnh có thể không được xã hội coi trọng, quan tâm đúng mực.
Taylor Lautner dành một số lời khuyên cho những người đàn ông chung hoàn cảnh với mình trong lần xuất hiện trên podcast gần đây. Ảnh: The Squeeze. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng nhiều ngôi sao, người nổi tiếng lên tiếng chia sẻ một số thách thức, khó khăn cá nhân về vấn đề hình ảnh cơ thể nam giới. Điều này đã tạo ra các cuộc thảo luận cần thiết, có ích trong xã hội.
Nói về việc tập luyện cho màn xuất hiện trong phim Guardians of the Galaxy 3, diễn viên Will Poulter nói rằng anh “không khuyến khích bất kỳ ai học theo quá trình tập luyện” của mình.
Anh nhấn mạnh rằng sẽ “không lành mạnh” và “phi thực tế” khi làm điều đó mà “không có sự hỗ trợ tài chính của hãng phim nhằm chi trả cho phí ăn uống, tập luyện”.
“Người sói” Taylor Lautner cũng muốn thay đổi thực trạng đàn ông đứng ngoài các cuộc trò chuyện liên quan tới vấn đề mặc cảm ngoại hình, theo Today.
Về phần mình, hiện nam diễn viên tập trung vào sức khỏe tâm thần nhằm phát triển mối quan hệ lành mạnh với cơ thể của mình. Anh cũng dành một số lời khuyên cho những người có chung hoàn cảnh.
“Hạnh phúc không nằm ở việc cơ thể bạn trông như thế nào. Đừng nghĩ rằng chỉ vì giảm được vài kg hoặc tăng cơ, bạn sẽ đột nhiên thấy vui vẻ, yêu đời. Đó không phải cách bạn tìm kiếm giá trị bản thân”, anh nói.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.