Kang Na Ra, một người đào tẩu từ Triều Tiên, gặt hái được thành công ở Hàn Quốc nhờ YouTube - Ảnh chụp màn hình CNN
Cô Kang Na Ra, một ngôi sao YouTube với hơn 350.000 người đăng ký, là một trong những trường hợp như vậy.
Các video nổi tiếng nhất của cô đã thu về hàng triệu lượt xem. Tài khoản Instagram của cô, với hơn 130.000 người theo dõi, được các thương hiệu lớn như Chanel và Puma liên hệ quảng cáo.
Hàng chục người đã đi theo con đường tương tự cô Kang trong khoảng 10 năm qua. Các video và tài khoản mạng xã hội của họ mang đến một cái nhìn khác về cuộc sống tại Triều Tiên, vốn vẫn còn bí ẩn với nhiều người Hàn Quốc và đặc biệt là phương Tây.
Nội dung các bài đăng rất đa dạng, từ thức ăn mà người Triều Tiên ăn, tiếng lóng họ sử dụng, thói quen hằng ngày của người dân.
Mối quan tâm đến những người đào tẩu từ Triều Tiên mới tăng lên trong thời gian gần đây, theo Đài CNN.
Họ bắt đầu vào Hàn Quốc "với số lượng đáng kể" trong 20 năm trở lại đây, hầu hết chạy trốn qua biên giới dài của Triều Tiên với Trung Quốc.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, kể từ năm 1998, hơn 33.000 người đã đào tẩu từ Triều Tiên đến Hàn Quốc, với con số cao nhất là 2.914 người vào năm 2009.
YouTuber Kang, hiện 25 tuổi, là một trong số nhiều người đã đào tẩu qua đường Trung Quốc. Cô đến Hàn Quốc cùng mẹ vào năm 2014 khi còn là một thiếu niên và phải đối mặt với sự cô đơn, sốc văn hóa và áp lực tài chính.
Thị trường việc làm nổi tiếng cạnh tranh của Hàn Quốc trở thành rào cản lớn còn khó vượt qua với nhiều người Triều Tiên đào tẩu. Tính đến năm 2020, có 9,4% người đào tẩu thất nghiệp, cao hơn mức 4% dân số ở Hàn Quốc nói chung.
Đối với Kang, bước ngoặt đến khi cô bắt đầu được tư vấn và tham gia vào một trường học với những người đào tẩu khác. Nhưng phải đến khi cô xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Hàn Quốc, cuộc sống mới thực sự "trở nên thú vị" như lời cô mô tả.
Kang đang chuẩn bị cho một cảnh quay trong studio ở Seoul - Ảnh chụp màn hình CNN
"Người đào tẩu TV"
Bắt đầu từ những năm 2010, sự say mê ngày càng tăng của công chúng Hàn Quốc đối với người Triều Tiên đã làm nảy sinh một thể loại truyền hình mới được gọi là "Người đào tẩu TV", trong đó những người đào tẩu từ Triều Tiên được mời chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Một số chương trình nổi tiếng nhất bao gồm "Now On My Way To Meet You" được phát sóng lần đầu vào năm 2011 và "Moranbong Club" được phát sóng vào năm 2015.
Kang xuất hiện trên cả hai - và đó là khoảng thời gian cô lần đầu tiên xuất hiện trên YouTube, nơi cô đặc biệt bị thu hút bởi các video về trang điểm, làm đẹp và thời trang.
Năm 2017, Kang tạo kênh của riêng mình để "ghi lại cuộc sống hằng ngày cho những người ái mộ từ các chương trình truyền hình".
Nhiều video trên YouTube của Kang khai thác sự khác biệt giữa hai miền Triều Tiên theo phong cách vui vẻ, trò chuyện thân tình.
Các video khác trả lời các câu hỏi, chẳng hạn như những người đào tẩu thường mang theo gì. Câu trả lời của Kang là muối để cầu may, một bức ảnh gia đình để an ủi và thuốc diệt chuột trong trường hợp họ bị bắt.
Sau một thời gian chăm chỉ "cày", kênh của Kang được nhiều người biết đến, thuê hẳn các công ty đại diện và sản xuất video cũng như tìm kiếm các khách hàng quảng cáo.
"Hiện tại tôi có một nguồn thu nhập ổn định. Tôi có thể mua và ăn những gì tôi muốn. Tôi có thể nghỉ ngơi khi nào tôi muốn", Kang chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Cô Park Su Hyang, một YouTuber là người Triều Tiên đào tẩu, đang quay video cho kênh của mình - Ảnh chụp màn hình CNN
Mô hình thành công này được nhân bản bởi các YouTuber đào tẩu khác, chẳng hạn như Kang Eun Jung, với hơn 177.000 người đăng ký; Jun Heo, với hơn 270.000 người trước khi anh gỡ kênh của mình trong năm nay và Park Su Hyang với 45.000 người.
Những người này trở thành ví dụ điển hình cho những người đào tẩu khác đi theo. Tuy nhiên theo CNN, còn một lý do khác để người đào tẩu tìm đến mạng xã hội. Đó là mong muốn được kể câu chuyện của chính mình, một câu chuyện không qua bàn tay biên tập hay hiệu ứng âm thanh của nhà sản xuất.
Theo CNN, mặc dù các show về người đào tẩu Triều Tiên giúp cộng đồng của họ được chú ý hơn, nhiều người đào tẩu không đồng tình với các nội dung được chiếu vì cho rằng nó thường phóng đại sự việc và giật gân, cố làm cho thê lương quá mức.
Đối với Kang, người đã bỏ lại rất nhiều bạn bè ở Triều Tiên và thậm chí từng cân nhắc việc quay trở lại, mạng xã hội là nơi cô kỳ vọng sẽ khởi đầu sự thay đổi.
"Tôi muốn có nhiều người đăng ký hơn, ở độ tuổi thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 vì tôi muốn nhiều người trẻ quan tâm đến Triều Tiên và thống nhất hai miền", nữ YouTuber giãi bày.
Kang tin rằng khi nhiều người trẻ mong muốn thống nhất Bắc - Nam, điều đó sẽ sớm thành hiện thực và cô có thể trở về Triều Tiên trước khi chết.
TTO - Với những người nước ngoài đã sinh sống tại Việt Nam nhiều năm, là những gương mặt quen thuộc hay chia sẻ về cuộc sống Việt Nam trên YouTube, TikTok…, Tết không còn là điều quá xa lạ nữa.