Sau dự án âm nhạc riêng được ra mắt thành công năm 2023 (album Sing my Sol), nhạc sĩ Giáng Son lại tiếp tục "trổ tài" của mình với vai trò giám đốc âm nhạc cho đêm nhạc Phú Quang - Tình yêu ở lại (diễn ra hai tối 25, 26/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội).
Đây không phải là lần thứ nhất nhạc sĩ Giáng Son thực hiện những show diễn ở vai trò này nhưng lại là lần đầu tiên chị thử sức mình ở chương trình về nhạc sĩ Phú Quang.
Và tuy có những điểm chung với nhạc sĩ Phú Quang, đặc biệt là tình yêu với Hà Nội, nhưng nhạc sĩ Giáng Son cho biết mình có cách biên tập, dàn dựng và tổ chức chương trình riêng cho đêm nhạc này mà không chịu "ảnh hưởng" từ bậc tiền bối (đương thời, nhạc sĩ Phú Quang vẫn tự mình biên tập âm nhạc cho các chương trình của ông).
Nữ nhạc sĩ đã có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Nhạc sĩ Phú Quang
Có những ca khúc ít được biết đến
* Chị nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho chương trình này như thế nào? Đây có phải lần đầu chị thử sức mình trong vai trò này hay chỉ là lần đầu với đêm nhạc Phú Quang?
- Đây là lần đầu tiên tôi làm giám đốc âm nhạc cho đêm nhạc Phú Quang! Khi giám đốc sản xuất của chương trình tìm đến tôi và ngỏ lời mời tôi làm Giám đốc âm nhạc cho chương trình Phú Quang - Tình yêu ở lại, rất may mắn khi trò chuyện, chúng tôi rất hợp nhau về ý tưởng nên tôi nhận lời một cách tự nhiên!
Với mấy chục năm làm âm nhạc, biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam, biên tập của Dihavina (thương hiệu băng đĩa "Đĩa hát Việt Nam")… thì việc làm giám đốc âm nhạc với tôi không khó. Nhưng giám đốc âm nhạc không phải là biên tập bài hát, mà cao hơn phải có sự lựa chọn, kết nối liền mạch nhưng vẫn phải có cao trào hay lắng đọng cho cả chương trình. Giám đốc âm nhạc quyết định phong cách của cả đêm nhạc và từng bài hát!
Nhạc sĩ Giáng Son
* Mỗi mùa Thu về, các chương trình về nhạc Phú Quang đã trở thành điểm hẹn với khán giả. Vậy không biết chương trình này có gì đặc biệt hơn?
- Tôi nghĩ điểm hấp dẫn đầu tiên chính là 18 ca khúc trong chương trình được phối mới toàn bộ. Một số ca khúc sẽ gây bất ngờ với những khán giả đã nghe quen nhạc Phú Quang. Tôi hy vọng đó là sự bất ngờ thú vị!
Quả thật, tôi đã "bơi" trong kho tàng âm nhạc của Phú Quang để rồi rất khó khăn mới lựa chọn ra được 18 ca khúc trong chương trình này. Vì nhạc sĩ Phú Quang có quá nhiều ca khúc hay và rất nổi tiếng! Nhưng tôi và gia đình ông cũng rất mong muốn đưa những ca khúc ít được biết hơn vào chương trình để ca khúc được lan toả hơn. Quạnh hiu là một ca khúc rất hay nhưng chưa nổi tiếng bằng những ca khúc khác là một ví dụ như vậy. Những bài quá quen sẽ được làm mới gây bất ngờ như Em ơi Hà Nội phố, Một dại khờ một tôi, Mùa thu giấu em..
Điểm nhấn thứ 2 là chương trình có nhiều ca sĩ trẻ với phong cách âm nhạc đa dạng sẽ mang làn gió mới đến cho âm nhạc Phú Quang. Chương trình sẽ đặc biệt chú trọng vào phần âm nhạc và âm thanh để khán giả được chìm đắm thưởng thức những giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang một cách hay nhất!
Lần đầu tiên kèn cor được đưa vào bản phối trong ca khúc Phú Quang, lần đầu tiên con gái Phú Quang là nghệ sĩ Trinh Hương đệm đàn cho Tấn Minh hát… Những điều đầu tiên đó là sự mới lạ trong chương trình này!
Các ca sĩ tham gia chương trình
* Trong số các ca sĩ tham gia chương trình có lẽ Tấn Minh là gương mặt "quen thuộc" nhất, còn lại đều là những giọng ca không thực sự gắn với nhạc của Phú Quang. Vậy họ sẽ hát như thế nào với nhạc của ông, qua bàn tay dàn dựng của chị và ê-kíp?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, nhóm OPlus, ca sĩ Khánh Linh, Hoàng Hải và Hồ Quỳnh Hương đều là những ca sĩ có năng lực, có giọng hát đẹp, hát được đa dạng các phong cách âm nhạc.
Vì thế, tôi khai thác những thế mạnh của từng ca sĩ, nhóm nhạc nhưng tôi không muốn họ một màu mà cần họ có sự đa dạng trong thể hiện bài hát. Họ sẽ hát nhạc của nhạc sĩ Phú Quang bằng đúng tinh thần thời đại, với tâm thế thoải mái trong phong cách âm nhạc mà tôi đưa ra và nhạc sĩ phối khí đã làm.
Cũng theo đó, khi lựa chọn bài cho từng ca sĩ, tôi đã chọn luôn phong cách gì, bản phối ra sao và khi ban nhạc tập cùng ca sĩ, nếu có điều gì chưa hợp lý, chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho đến khi hoàn hảo nhất có thể.
* Nghe chị nói từ phòng tập là chương trình hay lắm làm tôi cũng háo hức theo. Nhưng tôi cũng thấy, ít chương trình nào chưa diễn ra mà giám đốc âm nhạc lại "bật mí" sớm thế. Chị có sợ mình chủ quan không?
- Có thể tôi hơi chủ quan! Nhưng tôi hết sức phấn khích khi thấy thành quả lao động của anh em nghệ sĩ đã hình thành, mong muốn được trình diễn cho các khán giả yêu nhạc Phú Quang để nhận lại phản hồi ra sao! Ê-kíp sáng tạo gồm các nhạc sĩ: Thanh Phương, Lưu Hà An, Huyền Trung, Dương Hùng… nên tôi tự tin để nói rằng các bản phối đều rất hay, rất đúng mong muốn về ý tưởng của tôi. Các tác phẩm lại được thể hiện bởi các ca sĩ đều tài năng và tên tuổi thì làm sao có thể không hay được?!
"Tôi đặc biệt khai thác sự mạnh mẽ, nam tính trong một số ca khúc của Phú Quang mà trước đây vẫn được hát theo cách trữ tình" - nhạc sĩ Giáng Son.
Ấp ủ viết những ca khúc mới
* Chắc hẳn trước đây, chị đã từng đi nghe các đêm nhạc của Phú Quang. Những trải nghiệm ấy có giúp chị "học" được gì từ cách biên tập của ông không?
- Tất nhiên là tôi đã đi xem những chương trình của nhạc sĩ Phú Quang do chính ông thực hiện và tôi thấy rằng, mỗi show ông lại thay đổi danh sách ca sĩ để tạo sự mới mẻ. Điều đó tôi đã học hỏi. Nhưng tôi thích vừa thay đổi ca sĩ và vừa thay đổi bản phối, phong cách âm nhạc. Điều đó sẽ tạo mới mẻ hơn nữa!
Nhạc Phú Quang đã quá nổi tiếng và ăn sâu vào ký ức người yêu nhạc nên khi chọn bài tôi không sắp xếp theo trình tự thời gian hay chương 1, 2, 3 … nữa. Tôi sắp xếp theo cảm thụ âm nhạc của riêng tôi về nhạc Phú Quang với từng đợt sóng cho các ca sĩ, khai thác thế mạnh triệt để của họ để làm bài hát có hơi thở mới. Và tôi đặc biệt khai thác sự mạnh mẽ, nam tính trong một số ca khúc của Phú Quang mà trước đây vẫn được hát theo cách trữ tình.
Nhạc sĩ Giáng Son trong vai trò giám đốc âm nhạc, tập luyện cùng các nghệ sĩ cho đêm diễn
* Qua các sáng tác, có thể thấy chị và nhạc sĩ Phú Quang đều là những nhạc sĩ yêu Hà Nội theo cách của mình, mỗi người đều có bản "hit" về Hà Nội. Chị có thể nói gì về những nhạc sĩ yêu Hà Nội "được lòng công chúng" như thế, trong đó có mình? Và yêu Hà Nội qua các sáng tác như vậy thường ngốn thời gian và tâm trí của chị như thế nào?
- Tôi chưa thể so với nhạc sĩ Phú Quang về các ca khúc viết cho Hà Nội được. Tôi mới tạm có 1 "hit", còn nhạc sĩ Phú Quang đã có hàng chục "hit" về Hà Nội quá hay!
Viết về Hà Nội quả thật quá khó! Gánh nặng lên thế hệ chúng tôi và thế hệ sau này là tìm được đề tài gì, câu chuyện gì để viết về Hà Nội đây? Thế hệ đi trước viết đã quá hay rồi. Mình phải làm sao bây giờ?
Tôi ấp ủ ca khúc Hà Nội 12 mùa hoa hơn chục năm mới viết được! Và bây giờ tôi lại tiếp tục ấp ủ nhưng cũng không biết viết có được hay không, có được mọi người đón nhận không? Nhạc sĩ chúng tôi vẫn cứ viết và cứ tìm vận may cho mình.
* Gần đây, công chúng thấy nhạc sĩ Giáng Son ngày càng "vượt" ra khỏi hình ảnh chỉ là một nhạc sĩ (trước đó là ca sĩ). Chị có thể chia sẻ công việc mới của mình tại Hội nhạc sĩ? Và chị sẽ có những đóng góp như thế nào cho âm nhạc Việt Nam tại môi trường làm việc mới này?
- Công việc của tôi ở Hội nhạc sĩ là Phòng Hội viên, nơi nhận bài của các cuộc thi, tổ chức trại sáng tác, liên hoan âm nhạc, lưu trữ danh sách hội viên… Ngoài ra tôi được phân công là Phó giám đốc Trung tâm Âm nhạc Trẻ thuộc Hội Nhạc sĩ mới thành lập, nhạc sĩ Quang Vinh là giám đốc. Trung tâm Âm nhạc Trẻ đang được giao Liên hoan ban nhạc toàn quốc ở Sơn Tây, cuộc thi hát live trên TikTok Bài ca thống nhất hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Ở môi trường này tôi sẽ được kết nối nhiều hơn với nhạc sĩ cả nước, sẽ gặp được nhiều bạn trẻ tài năng, khuyến khích động viên các bạn trẻ viết nhạc chơi nhạc, ươm mầm tài năng cho sau này. Công việc của tôi vẫn viết nhạc, làm ban giám khảo, tổ chức biểu diễn, liên hoan âm nhạc, các cuộc thi, giải thưởng của Hội nhạc sĩ… Nói chung, tôi vẫn sống và làm việc ngập tràn trong âm nhạc!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Hai đêm nhạc Phú Quang - Tình yêu ở lại diễn ra hai tối 25, 26/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được thực hiện bởi giám đốc âm nhạc: nhạc sĩ Giáng Son; Hòa âm, phối khí: nhạc sĩ Lưu Hà An; đạo diễn sân khấu: Chu Anh Hùng; cùng sự tham gia của các ca sĩ Tấn Minh, Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Hoàng Hải và nhóm OPlus. Chương trình là điểm nhấn của sự kiện Hà Nội - Chạm miền ký ức diễn ra từ 5 - 31/10 tại Vườn Âm Nhạc - Nhà Hát Lớn Hà Nội, nhân kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.