Nhân dịp Tết Trung thu, Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp cùng Hội Truyền thông TP. Hà Nội tổ chức Chương trình Tọa đàm "Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa"  với mong muốn để các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục cùng chia sẻ những ý kiến về việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền.

img5394-16626265938201068062930.jpg

Tham dự chương trình có có nhiều chuyên gia uy tín như: Nhà sử học Dương Trung Quốc; Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi -  Phó Trưởng phòng Truyền thông Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS. Vũ Thế Long - Chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa; Nhà văn Lê Phương Liên, các em học sinh… Đặc biệt chương trình còn có sự tham gia của 2 nghệ nhân đồ chơi dân gian: nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền, (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) 83 tuổi và đã có hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Bà Phạm Nguyệt Ánh, 73 tuổi (tổ 2, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), người vẫn miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột.

Trong khuôn khổ chương trình đã trưng bày gần 30 bức ảnh về Trung thu Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm. Các bức ảnh là những câu chuyện về các đồ chơi Trung thu, cách đón Trung thu của người Hà Nội sau năm 1945.

Bài tham luận của các chuyên gia trong chương trình Tọa đàm cũng chia sẻ những câu chuyện, ký ức, nghiên cứu về Tết Trung thu cổ truyền qua những góc nhìn khác nhau: đồ chơi Tết Trung thu, mâm cỗ Trung thu, về những nét văn hóa đẹp cần gìn giữ, lan tỏa.

img5393-1662626593745138175371.jpg

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng Trung thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình. "Ký ức tuổi thơ cũng chính là một phần của Tết Trung thu dành cho người lớn vậy", ông nói... 

Chia sẻ về ấn tượng Trung thu xưa, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn còn nhớ bài "tập làm văn" của một học trò nếu còn sống thì hôm nay đã 128 tuổi và viết cách đây đã 115 năm (1907). Đó là bài "Trung thu" của trò Nguyễn Văn Xuân, khi đó 13 tuổi, học tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng ở phố Hàng Đào. 

Bài văn miêu tả Trung thu cách đây hơn 100 năm được miêu tả ngắn gọn nhưng thể hiện vốn từ vô cùng phong phú và sinh động. Như đoạn này: "Giăng sáng quắc, phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó: dình tùng sèng. Đầu phố một đám rước, quối (cuối) phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử, nào cá, nào thiềm thừ, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn. 

Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quít. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều-phu, Lão-vọng";

edit-edit-6af24cab7202f85aceb4c0a3e78c5475-1662626736260276863527.jpeg

Hay: "Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lối bột đường; trái dừa, trái bưởi, thiếu chi loài hoa quả? Giai giai, gái gái, mặt mũi hớn hở, chán cỗ nhà lại đi ghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít xôi". 

Bài văn chứa đựng nhiều tri thức (cả ngôn từ) về đời sống liên quan đến ngày Tết Trung thu ở Hà Nội với các đồ chơi, trò vui, tích truyện hay phong tục tập quán của người xưa. Nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất càng khiến thế hệ ngày nay thêm trân trọng, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hoá. 

TS. Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có bài tham luận công phu với nhiều thông tin về các nghệ nhân đồ chơi dân gian, những người đã góp phần "Giữ lửa" cho Trung thu xưa để các bạn nhỏ ngày nay có thể hiểu rõ và ctham gia những trò chơi dân gian thú vị.

img5395-16626265938298948480.jpg

TS. Vũ Thế Long chia sẻ về những kỷ niệm của mình về những trò chơi Trung thu xưa cũng như những suy nghĩ của ông về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của các đồ chơi Trung thu.

Bà Phạm Thanh Hà – Chủ tịch Hội truyền thông thành phố Hà Nội đại diện ban tổ chức cho biết: "Chủ đề: Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa  đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia cũng như các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục. Để gìn gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu cổ truyền sẽ cần sự chung tay của các bên: nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa, nhà trường, gia đình, các cơ quan truyền thông, các nhà sản xuất đồ chơi, sản phẩm phục vụ Trung thu. Những cách làm, mô hình tổ chức Trung thu hay, sáng tạo sẽ cần được phát huy và lan tỏa. Trong tương lai, ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022