Mew Amazing, sinh năm 1990, anh là nhạc sĩ, nhà sản xuất kiêm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nổi tiếng tại Việt Nam. Một số ca khúc thành công của anh như Ừ thì, Thật bất ngờ, Sáng mắt chưa...
Chúng ta sống vội như một tất yếu của thời cuộc. Tốc độ của cuộc sống bây giờ giống một bản nhạc Vinahouse 140bpm, vậy thì niềm vui nào dành cho những bài hát chỉ 60bpm thôi?
Mất rất nhiều năm tôi mới biết "tháp cổ" trong bài Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là nhà thờ, mà là... cái cổ của con người đơn thuần. Dẫu câu chuyện đó có hư cấu hay thật, tôi vẫn không tiếc vì khoảng thời gian mình bỏ ra để suy ngẫm về ca từ đó.
Xong tôi lại tự hỏi: người nghe bây giờ dành bao nhiêu thời gian để suy nghĩ về lời ca của một bài hát? Nếu họ không có nhu cầu tìm hiểu nữa thì nhạc sĩ cần gì phải sáng tạo.
Sự sáng tạo nếu trở nên quá cá nhân thì người nghe có còn chịu khó nghiền ngẫm về nó nữa không? Người nghe không có nhiều kiên nhẫn với những sản phẩm dài nếu nó không bơm cho họ dopamine sau 5 hay 6 giây đầu thưởng thức nữa.
Chính tôi cũng cảm nhận điều này rõ rệt khi thưởng thức những sản phẩm của người khác. Ngày xưa chúng ta có thể nghiền ngẫm một bài hát và một nghệ sĩ trong hàng tháng trời, bây giờ nếu nghe quá 3 bài hát của nghệ sĩ đó liên tục sẽ dễ dàng bấm nút chuyển bài.
10 năm trước hay 10 năm nay, thời gian dành cho giải trí của một người vẫn là không đổi, nhưng giờ ai có đủ thời gian để tìm hiểu một bài hát sâu sắc ở phần lời như thế nào, ca từ hay phối khí nhiều tầng nghĩa ra sao.
Điều đó kích thích sự sáng tạo và chiêu trò của nghệ sĩ ở mức cao nhất. Phải cuốn hút và chấn động ngay từ nhịp phách đầu tiên. Chúng tôi hào hứng vì đề bài này, nhưng cũng đau đầu vì sự thật rằng sẽ rất ít người chịu bỏ thời gian để dành cho âm nhạc nữa.
Ở đây, chữ "lười biếng" được sử dụng một cách trung lập, không phán xét hay chê trách cũng như có định hướng thay đổi. Tôi thực sự nghĩ người nghe lười biếng, nghệ sĩ cũng lười biếng.
Tính ra lượng người có quan điểm "thấy hay thì nghe thôi, không quan tâm lắm" cũng rất nhiều. Họ không sai khi nghĩ như vậy. Những người làm nhạc như chúng ta có sai không khi để cho mình lười biếng trong sáng tạo?
Tâm trí tôi khi nghĩ về nhạc Việt giống như người đi trên dây, cố gắng để cân bằng cả hai bên để không rớt xuống cái hố sâu định kiến và quan điểm cực đoan. Tôi mạnh mẽ với ca từ và chính kiến trong những sáng tác của mình, nhưng đôi khi tôi cũng bị dừng lại vài nhịp.
Những làn sóng mới bây giờ đến ào ạt và chúng ta chưa đủ mở lòng để đón nhận những món ăn "fusion" trong âm nhạc, tiêu biểu là một bài hát có thể Anh - Việt lẫn lộn, lối kể chuyện phong phú hơn lối ước lệ thông thường, nhịp phách đôi khi đảo bất ngờ, ca sĩ thì nhiều màu sắc trong phát âm và khẩu hình. Sai hay đúng, chuẩn mực hay không, tôi để lại cho khán giả quyết định.
Dịch COVID-19 nhiều biến thể tới đâu thì chắc ngành giải trí cũng nhiều và nhanh ngang ngửa. "Biến thể" nào được công nhận và tồn tại như một làn sóng mới của văn hóa thưởng thức nhạc Việt? Chúng ta sẽ biết sớm thôi.
TTO - Nguyễn Phi Hùng không phải là một ngôi sao rực rỡ nhưng là ca sĩ đất Bắc hiếm hoi được khán giả miền Tây cực kỳ yêu mến.