vhvn-4-2-1-read-only-1738631972506611115086.jpg

Beyoncé nhận giải Album của năm cho Cowboy Carter tại lễ trao giải Grammy lần thứ 67 - Ảnh: Reuters

Beyoncé, sau bốn lần được đề cử Grammy cho album của năm, cuối cùng cũng đã có được giải thưởng mà đáng ra cô nên nhận được từ rất lâu trước đó.

Chính trong một ca khúc của Renaissance, Beyoncé từng tỏ ra bất cần về việc luôn bị Viện hàn lâm bỏ qua: "Album của năm, tôi sẽ chẳng thắng đâu, tôi không bận tâm về họ, chấp nhận cú đấm ấy, tôi quay lại và quậy nát ngòi bút".

Đã rất rất nhiều năm...

Không thể đánh bại Renaissance. Không thể có tranh cãi với album ấy - thậm chí tranh cãi về việc nó có xứng đáng được xếp vào dòng nhạc đồng quê hay không khi những thanh âm quá khác so với nhạc đồng quê truyền thống của người da trắng chỉ càng khiến cho album ấy trở nên độc đáo hơn và có tính lịch sử hơn.

Renaissance đồ sộ cả về thời lượng và nội hàm, mở ra những âm cảnh dồi dào, phóng khoáng, liên tục thay đổi như một sử thi thanh âm, vừa tôn vinh kho báu di sản âm nhạc Mỹ vừa mở ra những viễn tưởng, những hình dung vị lai cho âm nhạc đương thời.

Dù quá dài cho một album nhạc đại chúng, những 80 phút, nhưng không một giây phút nào trong Renaissance là thừa thãi, ta bị cuốn hoàn toàn vào nhịp đập của nó.

Trong bài phát biểu của mình, Beyoncé nói một câu: "Đã rất rất nhiều năm...".

"Đã rất rất nhiều năm" hẳn là "chủ đề" cho lễ trao giải Grammy năm nay.

Bởi cũng như người ta hỏi: Bao giờ trao giải thưởng quan trọng nhất cho Beyoncé? Và người ta cũng thường hỏi: Bao giờ Kendrick Lamar mới được vinh danh xứng đáng?

Lamar, một rapper thắng cả giải Pulitzer vốn gần như chỉ ưu tiên nhạc cổ điển, nhạc hàn lâm, ấy thế mà lại chưa bao giờ có một giải thưởng lớn nào ở Grammy cả. Sự ngó lơ với Kendrick Lamar cũng đại diện cho sự ngó lơ nói chung của Grammy đối với nhạc rap ngay cả trong kỷ nguyên thịnh vượng nhất của dòng nhạc này.

Dù hơi muộn nhưng sau tất cả, đến năm nay Kendrick Lamar cũng nhận được những vinh quang khi cùng lúc giành giải Thu âm của năm và Ca khúc của năm với Not Like Us.

Khác một chút ở chỗ hẳn ai cũng vui cho Beyoncé, còn với Lamar, chắc có một người không được vui lắm. Đó là Drake, tâm điểm công kích của bản rap này. Drake và những gì mà Drake đại diện: sự giả dối trong âm nhạc, sự giả dối của thứ rap thương mại, sự giả dối trong hình tượng...

vhvn-4-2-2-read-only-17386319725111344057380.jpeg

Bruno Mars và Lady Gaga biểu diễn ca khúc California Dreaming của The Mamas & The Papas để tưởng nhớ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng Los Angeles - Ảnh: AFP

Ký ức âm nhạc rạng ngời

Và cũng như mọi khi, trao giải chỉ là một phần khiến cho Grammy đáng để trông đợi. Với những người hâm mộ trung lập, thậm chí có khi điều họ ngóng chờ nhất là những màn biểu diễn trong suốt chương trình.

Giây phút đáng nhớ nhất của Lady Gaga và Bruno Mars có khi chẳng phải khi họ cùng nhận giải thưởng cho màn trình diễn nhóm hay nhất của dòng nhạc pop với bản hit Die with a smile, mà chính là khi họ lên sân khấu cover lại ca khúc của The Mamas and The Papas thập niên 1960, California Dreamin, gửi tới những nạn nhân của trận cháy lịch sử tại Los Angeles.

California Dreamin' - Lady Gaga, Bruno Mars (Grammys 2025 Performance)

Giai điệu mơ màng và lời ca buồn bã về một California trong những giấc mơ từng là biểu tượng làn sóng phản văn hóa của những thanh niên đôi mươi đi tìm tình yêu, đặt trong bối cảnh đương thời càng cho thấy âm nhạc luôn trở lại vào lúc mà ta cần nhất.

Một màn trình diễn khác cũng cảm động là khi Herbie Hancock trên cây đàn dương cầm, Stevie Wonder thổi cây harmonica cùng các nghệ sĩ trẻ tuổi hơn lần lượt hát lại một loạt ca khúc của Quincy Jones, một trong những nhà sản xuất vĩ đại nhất thế kỷ 20, người vừa qua đời năm 2024.

Tiếng đàn réo rắt cổ điển của Hancock, giọng hát hoàn hảo của Cynthia Erivo, những động tác bắt chước Michaek Jackson (người nghệ sĩ mà Quincy Jones đã cộng tác cùng làm nên những album chói lọi nhất trong thập niên 1970-1980) của Janelle Monáe..., tất cả đều gợi về những ký ức âm nhạc rạng ngời.

Một phần lời trong ca khúc We Are The World vinh danh những đóng góp lớn lao của Quincy Jones có đoạn: "Ta là một phần trong đại gia đình của Chúa và chân lý, bạn biết đấy, âm nhạc là tất cả những gì ta cần đến".

Có thật âm nhạc là tất cả những gì ta cần đến không thì không biết nhưng ngay giây phút đó, khi những lời ấy cất lên thì ta biết trong lúc này ta cũng chỉ cần âm nhạc.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022