27240453930094505860514903711805344243533163n-17126587689501659731992.jpg

Nghe người ta phái sinh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn, nhạc sĩ Phạm Tuyên không nhận ra sáng tác của mình - Ảnh: GĐCC

Chú voi con ở Bản Đôn được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong một chuyến đi thực tế Đắk Lắk cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân năm 1983.

Bài hát nhanh chóng nhận được tình cảm yêu mến của thiếu nhi cả nước, đồng thời trở thành bài hát mang tính biểu tượng của Đắk Lắk.

Phạm Tuyên không nhận ra Chú voi con ở Bản Đôn

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến cho Tuổi Trẻ Online biết, trên mạng đang lan truyền bài hát phái sinh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc.

Mấy năm trước, một số khán giả gửi phản ánh với gia đình về việc này song "gia đình bỏ qua vì cũng không muốn làm ầm ĩ lên".

Tuy nhiên bẵng đi một thời gian, giờ đây cứ nói Chú voi con ở Bản Đôn, nhiều khán giả chỉ biết đến bản phái sinh đó mà không biết đến ca khúc gốc. 

Ngay cả Bản Đôn - bối cảnh ra đời ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên - giờ người ta cũng hát theo phiên bản này.

"Hay thì không nói làm gì nhưng đây là phiên bản lỗi của Chú voi con ở Bản Đôn", con gái nhạc sĩ cho biết.

Bà Tuyến nói gia đình cũng không rõ ai là người phái sinh nhưng họ đã chuyển bài hát từ giọng trưởng của bản ca khúc gốc sang giọng thứ. Khi nghe rất khó chịu, không đúng tinh thần của bài hát gốc.

"Tôi đưa cho bố (nhạc sĩ Phạm Tuyên), ông gạt đi và bảo đây không phải là sáng tác của ông", bà Phạm Hồng Tuyến chia sẻ.

3258893748460257831393257391640352481853643n-17126591876501150115756.jpg

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái Phạm Hồng Tuyến - Ảnh: GĐCC

Gia đình đi tìm người vi phạm bản quyền

Theo bà Tuyến, nhiều người nghe hát bản phái sinh này vẫn nghĩ đó là sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Thậm chí khi được đề nghị biểu diễn bài hát Chú voi con ở Bản Đôn, một số ca sĩ chuyên nghiệp cũng lại hát bản phái sinh như một sự mặc nhiên mà không tìm hiểu kỹ càng.

Con gái nhạc sĩ kể thêm, mấy năm trước chương trình Chúng tôi là chiến sĩ làm chủ đề về Tây Nguyên. Biên tập viên chương trình liên hệ gia đình hỏi "có bài hát nào của ông hợp với Tây Nguyên không?".

"Lúc đó tôi gợi ý bài Chú voi con ở Bản Đôn. Ở Tây Nguyên, ai chả biết bài hát này. Thế nhưng khi họ gửi lại gia đình nghe bài hát trước khi lên sóng (do Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk trình bày), tôi cũng té ngửa vì họ hát theo bản phái sinh này. Sau đó phải sửa lại đúng bài hát gốc của ông", bà Tuyến nói.

Bà cho hay gia đình cũng chẳng thấy ai xin phép nhạc sĩ để "phái sinh" ca khúc này cả và bản này đã "vi phạm bản quyền" sáng tác của ông.

Bản phái sinh ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn khiến gia đình bức xúc

Năm 2009, chương trình Táo quân đến xin phép nhạc sĩ để được cải biên ca khúc Từ một ngã tư đường phố thành Lụt từ ngã tư đường phố , ông vui vẻ đồng ý ngay.

Bà Tuyến phát biểu: nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ những tìm tòi, sáng tạo làm mới tác phẩm của ông. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không hề xin phép tác giả hoặc biến đổi mà làm mất đi tinh thần ca khúc gốc của tác giả.

"Gia đình rất mong ai là người phái sinh ca khúc này thì liên hệ với gia đình nhạc sĩ để mọi việc được sáng tỏ", bà nhắn nhủ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022