Là khách mời của Cuộc hẹn cuối tuần, nghệ sĩ Trần Thu Hà mang đến sân khấu những trải nghiệm rất đỗi chân thành, những khoảnh khắc bất ngờ, những tiếng cười và cả những giọt nước mắt...

Cú sốc mất mẹ và lối thoát nhờ âm nhạc

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, căn nhà của Trần Thu Hà luôn tràn ngập tiếng hát và tiếng cười. Nữ nghệ sĩ nhớ căn nhà tập thể rộng 28m2 ngay gần Nhạc viện Hà Nội với 7 người cùng chung sống. Đó là khoảng thời gian vui vẻ và hạnh phúc với cô.

"Giờ có quá nhiều không gian nhưng chưa chắc vui bằng lúc ấy" - cô nói - "Lúc nhỏ không gian lúc nào cũng có âm nhạc, không phải người này tập đàn thì người kia tập hát, đi ra ngoài sân thì ngay ở trường nhạc nên mọi người tập đàn cả ngày, tôi nghe quen luôn".

Trần Thu Hà không rõ là bản thân chọn nghề hay nghề chọn cô. Môn năng khiếu đầu tiên cô được học là múa ballet, nhưng đi tập thấy vất vả, rồi phải bẻ tay chân đau nên khóc với mẹ. Sau đó, cô được học piano nhưng cũng không thi đỗ. Cuối cùng, tới mùa hè năm lớp 4, Trần Thu Hà được người dì ruột đưa đi thi và đỗ khoa sơ cấp cho trẻ em ở trường nghệ thuật Hà Nội.

t4726-1668325634894621240117.jpg

Nói về thời thơ ấu, Trần Thu Hà bộc bạch cô có nhiều nét giống mẹ hơn bố, kể cả chất giọng mỏng mảnh. Bố mẹ Trần Thu Hà là những người yêu văn nghệ, đi lên từ việc tham gia các nhóm ca nhạc trong thành phố. Sau này, do thanh quản bị tổn thương nên mẹ Trần Thu Hà đã chuyển hẳn sang lĩnh vực giảng dạy. Nữ nghệ sĩ kể về mẹ là một người phụ nữ thông mình, giỏi chuyên môn thanh nhạc và từng đào tạo ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cho âm nhạc Việt Nam.

"Mẹ tôi là giáo viên, bố thì hay đi diễn xa nên rất hay theo mẹ đến lớp để nghe mẹ dạy sinh viên. Tôi vẫn nhớ những ký ức nằm trong lòng mẹ khi bà đánh piano rồi nhìn phím đàn và từ từ ngủ mất" - Trần Thu Hà nhớ lại - "Tới khi học lớp 5 tôi mới được đi cùng bố. Show ca nhạc thời xưa không phải một, hai buổi như bây giờ, diễn cả tuần có khi 10 ngày trong một đại nhạc hội. Tôi nhớ hồi lớp 4, bố cho tôi đi diễn ở Hải Phòng khoảng 1 -2 tuần".

"Sự ảnh hưởng của mẹ đến tôi rất lớn. Bà là người ấm áp, tâm lý. Khi bắt đầu lớn hơn chút, tôi thích đọc sách, bắt đầu yêu thích văn chương, làm thơ. Bà lúc nào cũng là người nghe đầu tiên. Bà vừa là độc giả vừa là biên tập. Tôi sống hướng nội, những gì tôi làm không hay chia sẻ với người khác nhưng chỉ chia sẻ với mẹ", nữ nghệ sĩ tâm sự.

t4739-1668325634894168249753.jpg

"Trước 14 tuổi là những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc vì sinh ra trong một gia đình lúc nào cũng có âm nhạc, bạn bè và vui vẻ. Khi mẹ tôi bị ung thư qua đời thì mất hai năm rưỡi sau đó, tôi có khoảng thời gian khó khăn. Vì tôi là người thân với mẹ nhất" - giọng ca Sắc màu nói tiếp - "Bà qua đời khoảng 1 năm sau tôi mới bắt đầu hiểu ra rằng sẽ không bao giờ được gặp lại bà nữa, còn quãng thời gian trước đó tôi không hiểu được chính mình, như kiểu bị sốc quá nên tôi rất im lặng. Bên ngoài vẫn phải đi học, sự bận rộn của cuộc sống để cái đầu không nghĩ nữa".

"Sự dìu dắt của người mẹ là điều vô cùng quan trọng đối với một cô gái ở tuổi dậy thì nên khi mẹ mất tôi tìm tới âm nhạc. Nó như lối thoát, trở thành không chỉ sở thích mà như một dạng trị liệu với tôi. Không biết diễn đạt thế nào nhưng may mắn là tôi có nhiều bạn bè, họ là bệ đỡ tinh thần cho tôi vào lúc đó, bởi đó là lúc tôi ở độ tuổi dở dở ương ương".

"Chỉ khi tôi nuôi con gái và hoàn thành sứ mệnh làm mẹ thì khi nhắc tới mẹ tôi không còn khóc nữa. Còn nếu như trước đây thì tôi rất khó khăn để nói về chủ đề này" - Trần Thu Hà chia sẻ - "Giờ tôi cảm thấy như có một vòng tròn tiếp nối. Tôi đã rất thân thiết với mẹ và giờ tôi nối được sợi dây ấy với con gái của mình. Con sinh ra không được gặp bà nhưng luôn hỏi về bà. Thỉnh thoảng, khi ôm con ngủ tôi kể cho con nghe câu chuyện về bà và chị em của bà, tự nhiên con bé khóc. Nó nói là con nhớ bà quá".

t4825-1668325634898500830248.jpg

Trần Thu Hà và dì ruột

Khoảng cách với bố và sự kết nối đặc biệt với nghệ sĩ Trần Tiến

Nghệ sĩ Trần Thu Hà có khoảng thời gian khó khăn sau khi mẹ qua đời và bố của cô - NSND Trần Hiếu cũng vậy.

"Khi mẹ mất thì bố rơi vào cú sốc, một khoảng trống khác của một người đàn ông" - Trần Thu Hà kể - "Ông vẫn phải tiếp tục cuộc sống hàng ngày, đi diễn và dạy học. Tôi nhớ cuối tuần nào ông cũng xuống thắp nhang cho mẹ. Tôi đi cùng bố xuống ngồi bên mộ mẹ. Trong sự im lặng ấy, tôi hiểu bố đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn về tâm lý...."

t4920-1668325634905397943412.jpg

"Bố tôi khi đi trình diễn vẫn hát những bài hát rất vui. Phong cách biểu diễn của bố tôi là vui nhộn nhưng ở trong lòng là một thế giới khác. Khi bố mẹ còn sống với nhau, mẹ là người chống lưng cho bố, làm tất cả những việc như giao tiếp xã hội, chăm sóc gia đình như thế nào, như một trụ cột. Mẹ cũng là người đỡ tinh thần cho bố. Còn bố tôi đúng là người sinh ra để làm nghệ sĩ, sự tập trung và tất cả tinh hoa của bố dành cho nghệ thuật. Bố không chỉ giỏi hát mà còn giỏi về chuyên môn âm nhạc. Ông có các công trình nghiên cứu đào sâu về thanh nhạc, là người viết văn thơ hay. Nhưng đó là thế giới của bố. Ngoài nó ra, bố như một đứa trẻ, lúc nào cũng ngơ ngác và có một người nào đó giúp. Cho nên, khi tôi học lớp 9, bố dọn ra ở riêng. Tôi lớn lên với anh trai. Lúc nhỏ tôi cũng hờn bố, không nói ra miệng nhưng trong suy nghĩ có sự hờn giận. Có thể, đó là lý do mà tôi không nối được sự thân thiết với bố", nữ ca sĩ bộc bạch.

"Nhưng có những hình ảnh của ông khiến tôi thương, một người đàn ông tóc đã hai màu xuống ngồi bên mộ vợ mà trong như một đứa trẻ, tiu nghỉu tội nghiệp. Vì thế, tôi có hờn nhưng không trách rằng bố sẽ phải tiếp tục cuộc sống của bố" - cô nói - "Sau này tôi trở thành một ca sĩ cùng nghề với bố, cây cầu nối khác giữa tôi và bố là nghệ thuật, trong ngôi nhà âm nhạc. Thực ra, tôi rất thương bố nhưng chỉ là khó nói chuyện với nhau. Chắc vì khác giới tính nên hai người phải đối mặt với nỗi đau của mình theo những cách khác nhau".

t4882-16683256349021614193809.jpg
t4859-1668325634901535549697.jpg

Tuy không có được mối liên kết gần gũi với bố nhưng Trần Thu Hà đã nhận được sự bù đắp tình cảm của những thành viên khác trong gia đình, như hai người dì ruột chăm sóc cô từ nhỏ tới lớn hay người chú - NSND Trần Tiến - người mà cô cho rằng có sự kết nối với mình hơn cả bố.

"Chú Tiến không biết em theo âm nhạc cho đến khi em vào Sài Gòn thi hát. Chú Tiến là người nghiêm khắc, chú lúc nào cũng là một ngôi sao và mọi người ngồi nghe. Tôi cảm thấy mình rất hiểu chú" - Trần Thu Hà nói về nhạc sĩ Trần Tiến - "Sau này tôi đi xem những chương trình biểu diễn của bố và chú, tôi tự nói với bản thân mình những người này hát nhạc của chú chưa hay và nghĩ khi lớn lên đủ sức sẽ làm điều đó".

"Chú Tiến luôn viết bài hát theo cảm xúc của mình. Có bài chú viết cho tôi hát là Sắc màu. Nhưng Sắc màu lúc đầu không phải như phiên bản bây giờ. Bài hát chú viết cho tôi là Em tôi, có giai điệu giống bài Sắc màu nhưng khi hát cho tôi thì tôi không thích lắm nên về nhà ông vứt tất cả lời đó vào sọt rác và lắp một lời khác vào, bài Sắc màu ra đời".

"Tôi có sự kết nối với chú Tiến còn hơn cả bố. Sự ảnh hưởng này không cần phải gặp gỡ hay trò chuyện nhiều. Tôi dùng từ mã gen cho sự liên kết này, dường như tôi và chú có một sự liên kết tư duy nghệ thuật và rất ít khi phải giải thích cho nhau", Trần Thu Hà nhận định.

t4843-16683256348991348760375.jpg

Bù đắp thiếu hụt tuổi thơ bằng sự chăm sóc tận tình cho gia đình nhỏ của bản thân

Trần Thu Hà thú nhận, gia đình với cô mang ý nghĩa rất lớn. Những mất mát từ thời thơ ấu khiến cô muốn bù đắp điều đó trong cuộc sống cá nhân của mình.

"Tôi lập gia đình không sớm và dành rất nhiều thời gian cho gia đình nhỏ của mình, đến mức những người bạn thân trong nghề có khi còn nói Hà phải tìm cách cân bằng lại, vì Hà là người có chuyên môn và tài năng nhưng đã để cho sự nghiệp hơi bị chìm. Nhất là khi con gái còn nhỏ, tôi không bao giờ rời nhà lâu quá 2 tuần. Chuyện đó kéo dài tới 2 năm trở lại đây thì tôi mới trở lại với thị trường âm nhạc Việt Nam. Con tôi bắt đầu lớn và không cần thường xuyên cần mẹ bên cạnh", Trần Thu Hà cho biết.

Với Trần Thu Hà, dù là hiện tại hay tương lai, là bao nhiêu tuổi thì với cô mọi thời điểm sẽ đều là sự khởi hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022