Bông Mai: "Mai đang là người giàu có giữa cuộc đời này"
Triển lãm Dám sống một cuộc đời rực rỡ của đạo diễn, nhà báo Bông Mai đang diễn ra tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, kết quả của hành trình một mình lái xe kéo dài 99 ngày vào đầu năm 2022 từ Bắc đến Nam. 99 bức ảnh, những mẫu trang phục của đồng bào các dân tộc được trưng bày tại đây chỉ là một phần rất nhỏ Bông Mai thu thập, thực hiện. "Có lẽ phải làm vài năm mới hết kho tư liệu ấy", đạo diễn Bông Mai nói. Còn rất nhiều hình ảnh, và đặc biệt là các làn điệu dân ca chị chưa đụng tới. Chị dự tính sẽ lập thành kho tư liệu số hoá, cùng với trang phục dân tộc để những di sản này không bị mai một theo thời gian.
Cùng với sự trợ giúp của cô con gái và các bạn trẻ trong nhóm Vanhoa, không gian triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" được bài trí, sắp xếp khá ấn tượng. Ngoài chủ đề chính là trưng bày các bức ảnh, trang phục dân tộc, nhóm còn giới thiệu, trình chiếu tư liệu về chuyến đi; in các bài viết lên cột trụ để tăng yếu tố thị giác; dành khoảng tường lớn để khách đến thăm quan dán những mảnh giấy cảm nhận. Vừa như bức tranh, vừa trở thành không gian được nhiều người muốn check in nhất.
Nhà báo, đạo diễn Bông Mai chụp hình lưu niệm cùng khách thăm triển lãm
Đi nhiều và giờ đây là nói nhiều. Những ngày diễn ra triển lãm, số lượng từ mà Bông Mai nói nhẽ phải lên đến vài nghìn. Chị túc trực để tiếp đón khách, bạn bè, hoặc lặng lẽ quan sát cách xem và cảm nhận của mỗi người, từ khách tây cho đến khách ta. Chị thấy vui hơn là mệt. Năng lượng có lẽ từ đây: "Mai đang là người giàu có giữa cuộc đời này vì đang được nhận rất nhiều tình cảm, yêu thương và những cái ôm từ mọi người".
Nói là triển lãm nhưng thực ra đến là để nghe Mai và ảnh kể chuyện - những câu chuyện rất đời thường. Những bức ảnh được Bông Mai chọn trưng bày lần này đều về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, Tây Bắc. Trong đó nhiều hơn cả là về trẻ em. Có bức chị phải canh hàng giờ, chơi với chúng trò trốn tìm, đuổi bắt, đạp xe… rồi chụp hàng trăm bức mới được tấm ưng ý, như: Hoa tặng Mai (bức em bé tặng bông hoa gạo), Bữa xế (em bé ngồi ăn mì), Em bé Mông, Em về đâu (bức bàn chân em bé bản Pa Thẻn), Trong veo… Khi muốn mình là nhân vật trong bức ảnh, chị đặt máy chế độ tự động rồi vừa chơi, vừa khơi gợi cảm xúc từ bọn trẻ. Những khoảnh khắc ảnh phần lớn ghi từ góc máy thẳng, ở khoảng cách gần, thiên về "bắt" cảm xúc hơn là hành động. Chị không nặng về thủ pháp và cũng không theo một khuôn khổ nào vì Bông Mai vốn không phải là nhiếp ảnh gia hay phóng viên ảnh. Vì thế mà nó giữ được sự mộc mạc, trong trẻo đến nguyên sơ.
Giấc mơ có thật
Duy nhất bức "Giấc mơ" là bức không có hình ảnh con người, được đặt riêng biệt như là bức ảnh trung tâm. Đó là chiếc ghế gắn bó với một em bé Mông bị liệt từ khi em mới mấy tháng tuổi sau một trận sốt. Bông Mai đặt tên đó là "Giấc mơ". Chị lý giải: "Chúng ta là người may mắn nên toàn mơ tiền tài, vật chất, địa vị nhưng có những đứa trẻ như Mua thì chỉ mơ một ngày được đứng lên bằng đôi chân của mình".
Điều xúc động là sau cuộc gặp tình cờ này, Bông Mai đã biến giấc mơ thành hiện thực. Chị kết nối với bệnh viện để xem còn phục hồi được đôi chân cho em không. Mới đây, nhà báo Bông Mai nhận tin vui Mua sẽ được bệnh viện Đông Đô chữa trị và khả năng phục hồi đi lại cho Mua là rất lớn.
Bức "Giấc mơ" được đặt ở vị trí trung tâm
Mua và mẹ
Sau câu chuyện về Mua, Bông Mai lập nhóm "Cùng Mua khôn lớn", không chỉ dõi theo hành trình của Mua mà mục tiêu hướng đến nhiều đứa trẻ khác. Nhiều người hỏi Bông Mai để ủng hộ tiền nhưng chị đều từ chối. Chị cũng không thành lập quỹ vì "như thế là động vào lòng thương". Điều chị mong muốn là mọi người cùng dõi theo hành trình của Mua. "Khi đã quan tâm đến ai, cho ai đó cơ hội thì cần phải đồng hành cùng với họ chứ không chỉ đơn giản là cho tiền xong rồi thôi", chị nói.
Khi hỏi Bông Mai về hành trình thực hiện chuyến đi, chị tuyệt nhiên không kể về những khó khăn mà mình đã trải qua. Mẹ chị, đạo diễn kịch Huyền Lâm tiết lộ vài chi tiết nhỏ rằng chị từng đi lạc, rồi đi vài chục cây số đường đèo dốc để vào nhà nghệ nhân nhưng đến nơi thì không được; rồi những lúc trở về nơi nghỉ khi trời tối đen…"Đó là những ngày tôi cảm giác như đang đi trên cầu kính vậy. Người đi không sợ nhưng dồn hết cho người ở nhà. Mà không cản được, vì Mai vốn cương quyết vô cùng, muốn làm gì thì đố ai cản được", bà nói.
Còn Bông Mai thì tâm niệm rằng: "Tôi không kể không phải vì muốn giấu đi để ai cũng chỉ nhìn thấy cái hay ho. Ai cũng có khó khăn của riêng mình, tôi không muốn kể ra để rồi lại có ý kiến rằng: Đấy khổ như thế mà còn lao xe đi làm gì? Cuộc đời mỗi người gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cách mình đi qua nó thế nào để mang năng lượng tích cực mới là cái đáng truyền lại. Như chuyện tôi đi lạc chẳng hạn, những lúc ấy lại mang đến một trải nghiệm rất đặc biệt, đó là tôi được ngắm khoảnh khắc hoàng hôn trên núi. Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy nó cứ như đang theo mình, đẹp không tả nổi.
Bông Mai đi để cảm nhận tình người
Hỏi Bông Mai điều gì thôi thúc khiến chị thực hiện cuộc hành trình một mình mà không phải với hội nhóm? Chị chia sẻ: "Đi một mình có nhiều trải nghiệm thú vị mà nếu đi hội nhóm sẽ không có được. Mỗi người sẽ có nhiều cách để nạp kiến thức cho mình nhưng thay vì đi học kiểu chính thống thì tôi quyết định học ở trường đời bằng cách như này".
Bông Mai xuyên Việt với tư cách là người tìm hiểu văn hoá thông qua các trang phục và thu thập làn điệu dân ca như cách ba chị từng làm trước kia. "Tôi cũng muốn tìm hiểu về văn hoá tình người nữa. Thu được nhiều nhất của tôi sau chuyến đi là nhận ra giá trị của tình người, kết nối mọi người với nhau", chị nói.
Bông Mai và chiếc xe bạn đồng hành trong chuyến xuyên Việt
Để chuẩn bị cho chuyến đi, Bông Mai dành 3 tháng để đọc tài liệu về kỹ năng đi một mình, tìm hiểu những nơi mình đến, tập sửa xe, tập quay, tập chụp... Trước mỗi nơi đến, chị đều tính toán kỹ chứ không đi ngẫu hứng. Vì thế chị không để mình rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Đó là sự tìm hiểu kỹ lưỡng về đường đi, về thời tiết, chọn thời điểm xuất phát…Đơn giản như chuyện có bao giờ hết xăng dọc đường không thì chị không bao giờ để rơi vào tình huống ấy, cũng không để trở lại nơi nghỉ một cách quá muộn.
Kinh nghiệm của Bông Mai khi đi xuyên Việt là phải nói không với cám dỗ và tính kỷ luật với bản thân. Chị chia sẻ: "Đi vài ngày đầu rất thích nhưng 99 ngày là một câu chuyện khác hẳn. Lái không còn hưởng thụ nữa mà lái để an toàn, đến được nơi cần đến nên phải nói không với những thứ nằm ngoài kế hoạch. Người làm sáng tạo luôn trong tình trạng cái gì cũng thấy hay, cái gì cũng muốn làm nhưng đã xác định thu thập tư liệu trang phục, làn điệu thì tôi phải rất kỷ luật với bản thân. Nếu không sẽ bị lan man, không đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Bông Mai Sẽ vòng quanh thế giới vào năm 50 tuổi
Nghe Bông Mai kể nhiều người sẽ thấy thích nhưng để xách balo lên và đi thì không dễ. Đi 3 tháng chứ không phải 3 ngày, nên ngoài việc dám vượt qua bản thân thì cần phải dư dả nữa. Nhưng nữ đạo diễn lại cho rằng yếu tố quan trọng không phải nằm ở có tiền mới đi, mà là tính kỷ luật và sự quyết tâm đi đến cùng. Có tiền tỷ chưa chắc đã đi được nếu không có quyết tâm.
Những bức ảnh được trưng bày trong triển lãm
Khách đến thăm triển lãm đặt câu hỏi với tôi: ‘trong từng ấy ngày có lúc nào muốn dừng lại không?’ thì nói thật là chưa bao giờ tôi muốn dừng lại cả. Nếu đã muốn thì phải làm đến cùng, bất kể đó là việc gì. Mọi người muốn đi nhưng lại sợ là bởi vì nghĩ nhiều thứ quá. Đi rồi sẽ thấy không sợ nữa. Là do mình định kiến với mình thôi, bảo không có thời gian để đi, rồi tôi không thể làm được như chị. Tức là bản thân đã đặt ra giới hạn cho mình rồi. Làm gì có cái gọi là "không thể". Thay vì đó, hãy nghĩ làm sao để thực hiện được; làm thế nào để đi hành trình này cho tốt chứ không phải "liệu mình có đi được không? Nghĩ như thế thì sẽ chả bao giờ làm được.
Sau hành trình này, Bông Mai đã nghĩ đến chuyện vòng quanh thế giới sau 4 năm nữa, khi chị bước vào tuổi 50. Năm ngoái, chị đã thực hiện chuyến đi 1 tháng đến Nam Mỹ như một bước đo sức bền. Nếu thực hiện được, với khả năng viết lách và kỹ năng thu thập tư liệu, Bông Mai hẳn là người "giàu có" và có một cuộc đời rực rỡ.
Lê Thanh Hà
Từ thành công ngoài mong đợi của triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ", Bông Mai đã nghĩ đến việc triển lãm ở những thành phố lớn khác. Chị cũng đã "đánh tiếng" để tìm đơn vị đồng hành cho bớt tốn kém nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Chị bảo, nếu không có sự chung tay thì tôi vẫn sẽ đi tiếp. Và thật hạnh phúc cho Bông Mai khi mới đây, chị nhận được lời mời của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, vào tháng 3 này. Vậy là "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" sẽ một lần nữa được lan toả năng lượng tích cực đến nhiều người hơn.