Nhắc tới Linh Huyền, người yêu nghệ thuật cải lương sẽ nhớ ngay đến nhiều vở diễn mà chị là tác giả như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Bà chúa thơ Nôm…
Năm 2016, nghệ sĩ Linh Huyền theo chồng con sang Italy định cư. Thời điểm đó, chị phải đấu tranh tư tưởng khá nhiều và phải mất đến vài năm mới quen lối sống nơi xứ người.
Hiện tại, nữ nghệ sĩ đang sống hạnh phúc bên ông xã - họa sĩ Richard Asinari di San Marzano và 2 con tại Italy. Dù xã quê hương, nghệ sĩ Linh Huyền vẫn gắn bó với sự nghiệp giáo dục suốt 16 năm để đóng góp cho nghệ thuật cải lương.
Xa quê nhưng vẫn đắm chìm với cải lương
- Sinh sống ở Italy, nghệ sĩ Linh Huyền hiện vẫn gắn bó với cải lương khi giảng dạy trực tuyến. Công việc hằng ngày của chị gồm những gì?
Tôi dạy online 6 ngày/tuần. Mỗi lớp trực tuyến có khoảng 8 - 35 học viên. Các học viên sống ở những múi giờ khác nhau như Mỹ, Canada, Pháp, Na Uy, Đức... nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam. Mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng rưỡi và mất khoảng 6 tháng sẽ xong chương trình căn bản.
Học viên của tôi không chỉ là người trẻ đang theo đuổi nghề mà còn có kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ... đam mê cải lương. Ngoài giảng dạy, tôi tập trung xây dựng Bảo tàng Cải lương trực tuyến cũng như duy trì tổ chức cuộc thi cải lương Út Trong Award.
Dù xa quê hương nhưng công việc xoay quanh mỗi ngày của tôi vẫn là đắm chìm trong thế giới âm nhạc cải lương.
Nghệ sĩ cải lương Linh Huyền.
- Lý do nào khiến chị tâm huyết với nghệ thuật cải lương đến vậy?
Tôi không lý giải được vì sao mình luôn đau đáu với cải lương như vậy. Nhiều người vẫn hay đùa vui với tôi rằng dù sống ở Italy nhưng tâm hồn tôi thì vẫn luôn ở Việt Nam.
Tôi luôn muốn học hỏi tinh hoa nghệ thuật bản xứ để giúp ích cho nghệ thuật truyền thống nước nhà. Hiện tại, tôi còn là Đại sứ Nghệ thuật truyền thống do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ nhiệm nên càng cảm thấy bị thôi thúc bởi trách nhiệm to lớn này.
- Nhiều người nói rằng nghệ thuật cải lương đang dần bị mai một và không còn giữ được những nét truyền thống. Nhiều người đang cố làm mới nghệ thuật cải lương vì muốn tiếp cận được khán giả trẻ. Chị nghĩ sao về những điều này?
Cải lương vốn dĩ được sinh ra từ tập tục, văn hoá, ngàn đời của người dân nước Việt, như một di sản phi vật thể mà tổ tiên để lại cho chúng ta. Với tôi, đã là vật chất vô hình thì sẽ không có chuyện biến mất hay mai một. Chỉ có điều, cải lương hiện nay như một “món hàng" bị khai thác, bày bán ở khắp các chợ từ đầu mối, đến chợ huyện, chợ xã một cách vô tội vạ. Điều này khiến người trẻ thiếu cơ hội tiếp cận với cải lương nguyên thuỷ để có sự hiểu đúng về nghệ thuật dân tộc mà lẽ ra họ phải tự hào và phải có trách nhiệm gìn giữ.
Cải lương làm nên tên tuổi nghệ sĩ và ngược lại. Từ khi cải lương ra đời, không kể hết tên các nghệ sĩ thành danh từ thế hệ đầu như Tư Bé, Tư Tao, Thanh Sơn. Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Út, Ba Vân, Kim Chưởng, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Ba Xây, Thanh Nga... mà không cần phải làm mới.
Vậy, nếu có ai đó muốn làm mới cải lương, cho dù với mục đích gì thì cũng nghiêm túc xây dựng thành một đề án, tổ chức hội thảo cấp quốc gia, có sự tham gia phản kiện tự đội ngũ chuyên môn thực thụ, từ đó xã hội sẽ đồng lòng “đổi mới”. Thử tưởng tượng rằng: "Con thuyền cải luơng, ai ngồi trên đó đều cầm chèo, rồi mỗi người chèo một hướng thì cải lương sẽ đi đâu, về đâu?".
- Trong số hiếm hoi các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương hiện nay, cuộc thi tuyển giọng ca cải lương Út Trong Award do chị tổ chức vẫn giữ được nét độc đáo riêng. Phải chăng đó là lý do khiến chị vẫn quyết đinh duy trì giải thưởng này dù đã xa quê hương nhiều năm?
Hiện nay, đa số những cuộc thi tìm kiếm nhân tố nghệ thuật trong lĩnh vực cải lương nói riêng, bị nghiêng qua gameshow nhiều hơn là một cuộc thi tìm kiếm tài năng đúng nghĩa. Với tôi, Út Trong Award là một giải thưởng âm nhạc cải lương mà ai muốn tham gia, phải là những người có đam mê âm nhạc cổ truyền, có tìm hiểu, nghiên cứu, học hành sao cho rành rọt các điệu thức, làn hơi, ca ngâm, hò vè đúng với luật văn thơ, phát âm đúng chính tả….
Mục đích cuộc thi tuyển là để tìm kiếm và đào tạo những thí sinh đoạt giải trở thành những nghệ sĩ cho sân khấu cải lương. Đã là nghệ sĩ thì không phải hễ ai biết ca đôi câu vọng cổ là có thể tự xưng đuợc. Tôi muốn tìm ra những người nghệ sĩ cải lương thực sự.
Nghệ sĩ Linh Huyền rất nặng lòng với nghệ thuật cải lương.
- Bộ phim Grand tour của đạo diễn Miguel Gomes thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2024, trong đó có một đoạn cải lương "Dạ cổ hoài lang" do nghệ sĩ Linh Huyền thể hiện. Cảm xúc của chị thế nào khi biết thông tin này?
Cannes là giải thưởng lớn, uy tín thế giới, nên bất kỳ phim nào đoạt giải, đồng nghĩa với việc sẽ được giới văn học nghệ thuật trên toàn cầu đến rạp để xem. Lúc đó, giai điệu Dạ cổ hoài lang sẽ vang lên, như một cách quảng bá hình ảnh, con người nước Việt mà không tốn một đồng tiền nào. Đây là điều tôi cảm thấy rất vui và tự hào không thể diễn tả thành lời.
4 năm sang Italy mới tự tin ra đường một mình
- Trong cuộc sống và hoạt động nghệ thuật, chị được chồng - họa sĩ Richard Asinari di San Marzano đồng hành và hỗ trợ thế nào?
Ông xã tôi là một hoạ sĩ. Chúng tôi quen nhau như duyên tiền định trong một lần du lịch thăm lại Việt Nam – nơi mà anh đã trải qua quảng đời thơ ấu cùng cha mẹ. Trên chuyến bay từ Côn Đảo đến TP.HCM, tôi vừa kết thúc đợt lưu diễn, còn anh thì vừa kết thúc kỳ nghỉ. Khi biết tôi là "nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống", anh rất hào hứng vì đang tìm hiểu văn hóa Việt nên đã xin số điện thoại. Chúng tôi quen nhau gần 3 năm thì tiến tới hôn nhân.
Vì yêu văn hoá Việt, anh đã hy sinh sự nghiệp riêng của mình để cùng tôi đồng hành tổ chức, sản xuất, sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật cho Việt Nam từ hội hoạ đến sân khấu như: Sáng lập Cuộc thi vẽ chân dung tự hoạ (từ 2011 đến nay), chương trình sân khấu nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch mang tên “The soul Of Việt Nam” định kỳ tại Nhà hát TP.HCM và Nhà Hát Lớn Hà Nội (từ 2011 đến 2014).
Đến nay, khi đã trở về lại Italy, anh thoải mái phát triển sự nghiệp của mình. Triển lãm tranh của anh cũng vừa khai mạc vào ngày 8/7/2024 tài bảo tàng Torgiano, PG. Italy. Tôi hạnh phúc khi hai vợ chồng được đồng hành với nhau trong tình yêu nghệ thuật.
- Lý do nào để anh thuyết phục được chị sang Italy định cư khi tình yêu với nghệ thuật cải lương vẫn luôn nồng cháy?
Có lẽ đó là việc học hành của các con là lý do thuyết phục mà cả hai quyết định trở về. Dù rất muốn được gắn bó với quê hương, nhưng tôi vẫn muốn các con được phát triển với những điều kiện tốt nhất.
Thời điểm mới sang Italy, tôi gặp phải khó khăn lớn nhất chính là rào cản ngôn ngữ. Do tự hào dân tộc nên người Ý chỉ nói tiếng Ý, rất hiếm người nói tiếng Anh, mà ngôn ngữ chính trong gia đình tôi lại là tiếng Anh.
May mắn là Italy cũng là nơi mà con người và xã hội rất trân trọng và bảo tồn nghệ thuật. Vì là nghệ sĩ nên tôi cũng hoà nhập cuộc sống bẳng ngôn ngữ nghệ thuật trước. Sau gần 4 năm sang Italy, tôi mới đủ tự tin ra đường một mình mà không có sự trợ giúp của ông xã.
- Gần 10 năm sống tại Italy và phát triển sự nghiệp, chị cảm thấy bản thân có gì thay đổi?
Suốt khoảng thời gian đó, tình yêu cho nghệ thuật của tôi vẫn luôn nguyên vẹn. Tôi chỉ có chút thay đổi về tầm nhìn có phần rộng hơn, học hỏi được nhiều thứ hơn trong công việc nghiên cứu và giảng dạy bộ môn "âm nhạc cải luơng” của mình.
Nữ nghệ sĩ tận hưởng cuộc sống bình yên tại Italy.
- Nếu có cơ hội quay lại quá khứ, chị vẫn giữ quyết định sẽ sang Italy cùng chồng con?
Với tôi, quá khứ là bài học trải nghiệm cho mỗi con người để trưởng thành hơn trong cuộc đời nên không cần phải quay lại. Ở đời vạn sự do duyên, nên nếu không phải duyên các con của tôi trót mang gen cha người Ý, thì có lẽ sẽ không có sự chọn lựa.
- Là một người phụ nữ bận rộn, chị sắp xếp thời gian thế nào để cân bằng mọi việc?
Năng lượng là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết mọi việc. Vì vậy, việc thức sớm hàng ngày trước khi mặt trời mọc là một thói quen để tôi nhận năng lượng ngày mới, từ đó sắp xếp công việc qua thói quen thiền định.
Sau đó, tôi và ông xã luân phiên lo cơm nước, đưa 2 con đi học. Lo cho con xong, tôi bắt đầu dạy học trực tuyến.
Buổi tối, gia đình tôi có thói quen cùng nhau quây quần bên bếp lửa, xem những bộ phim tài liệu khoa học về sự sống, thế giới tự nhiên hoặc vũ trụ. Tôi nghĩ tiền bạc cũng không thể mua được những giây phút quý giá mỗi ngày như vậy.
Nghệ sĩ Linh Huyền và ông xã hoạ sĩ.
- Con gái lớn của chị đang học trường mỹ thuật, dự định nối nghiệp cha. Chị có định hướng cho các con việc giữ những bản sắc văn hoá Việt Nam?
Việc tôi dạy âm nhạc truyền thống online là cách gián tiếp thẩm thấu âm thanh và ngôn ngữ Việt vào tư tưởng của các con. Nhiều lần tôi thử thăm dò bằng cách hát một bài quen thuộc trong quá trình giảng dạy, rồi yêu cầu con hát chung. Các con cũng thích thú hát theo và đã làm được từ bài Long Hổ Hội đến bài Lý Cao San Si.
Bình thường, các con không chịu giao tiếp bằng tiếng Việt, dù nghe vẫn hiểu nhưng lại có thể hát theo một cách chính xác các bài cải lương. Tôi nghĩ đây là cách giúp các con thấm nhuần ngôn ngữ của mẹ.
- Ông xã có hỗ trợ chị trong công việc hay chăm sóc các con?
Trong gia đình văn minh phương Tây, người cha có sức ảnh hưởng và giáo dục con cái tốt hơn người mẹ. Vì vậy trong gia đình tôi, việc đọc sách, trò chuyện, rèn luyện kỹ năng sống là việc mà ông xã chịu trách nhiệm chính.
- Ngoài nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Linh Huyền còn rất quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam. Phải chăng ông xã là người truyền tình yêu hội hoạ đến chị?
Nghệ thuật cải lương là môn nghệ thuật tổng hợp gồm: hội hoạ, ca, diễn, múa, hoá trang... Vì vậy việc sưu tập tranh cũng là một cách để nghiên cứu sâu về sự ra đời của cải lương. Điều này cũng bổ sung những tác phẩm hội hoạ do chính mình sưu tập, vào cuốn sách về kiến thức cải lương mà tôi sắp phát hành.
- Chị còn kế hoạch nào ấp ủ cho nghệ thuật nước nhà?
Tôi vẫn rất mong mỏi xây dựng Bảo tàng Cải lương được toạ lạc trên quê mẹ. Đây là nơi để thế hệ trẻ lui tới, kết nối dòng năng lượng thông qua bộ môn nghệ thuật truyền thống với tổ tiên, tiền nhân, qua đó sẽ giữ được tập tục, phong hoá, truyền thống nước Việt, để không bị “vong bản”.
Có thể tháng 10 tới, tôi sẽ về Việt Nam tổ chức hội thảo về cải lương và ra mắt quyển sách đúc kết từ 16 năm giảng dạy. Tôi còn một phim tài liệu về 100 năm cải lương và một dự án nghiên cứu những điểm tương đồng trong âm nhạc Italy - Việt Nam. Tôi thành lập công ty và quỹ riêng để vận hành các dự án.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Nghệ sĩ Linh Huyền, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Huyền, sinh năm 1970. Năm 1989, khi mới 19 tuổi, chị đoạt Huy chương bạc Giọng ca Cải lương Toàn quốc. Ngoài diễn xuất, Linh Huyền còn sáng tác và dàn dựng nhiều vở tuồng, chủ yếu là đề tài lịch sử như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Bà chúa thơ Nôm…
Trong đó, Bà chúa thơ Nôm là vở thành công nhất về mặt chuyên môn, được giới phê bình và khán giả đánh giá cao. Cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award được nghệ sĩ Linh Huyền khởi xướng nhanh chóng thu hút được các giọng ca trẻ tham gia.
Năm 2023, chị vinh dự được bổ nhiệm danh hiệu “Đại sứ Nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.