Sau một thời gian dài chống lại bạo bệnh, vào lúc 11h00 ngày 10/9, nhà thơ Trần Quang Quý đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Ông ra đi nhẹ nhàng như những câu thơ ông viết cuối đời".
Tâm sự với Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Quang Thiều không khỏi giấu lòng thương tiếc cho một tài năng sáng trong làng thơ Việt. Ông Thiều cho rằng nhà thơ Trần Quang Quý ra đi sớm quá, khi mà sự sáng tạo nghệ thuật của ông đang trên đỉnh cao.
Cố nhà thơ Trần Quang Quý
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể: "Tôi và Trần Quang Quý đã cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ thơ từ khi còn rất trẻ - mới bước vào thơ ca. Trần Quang Quý là một nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca. Càng bệnh nặng ông càng viết. Ngay cả đến những năm tháng cuối đời, Trần Quang Quý vẫn làm thơ, xuất bản tập thơ.
Mới cách đây 1 tháng, tôi đến thăm Trần Quang Quý và anh em chúng tôi vẫn nói chuyện sôi nổi về thơ ca, nói về thuở còn sinh hoạt trong CLB Thanh Xuân năm nào. Thi ca chưa bao giờ biến mất trong con người Trần Quang Quý".
Nhắc lại những kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại: "Vào những năm 90 - hồi đó thơ ca ghê gớm lắm, đẹp đẽ vô cùng, hai anh em chúng tôi thường đi đến cơ quan, xí nghiệp, công trường, đến hầm Sông Đà đọc thơ cho công nhân hay đi đến trại giam đọc thơ cho tù nhân nghe. Xa thì đi xe khách, gần đi xe máy chỉ để đọc thơ dù chẳng có thù lao nhưng đó là những năm tháng cực đẹp. Có thể nói, năm tháng đó khó khăn về đời sống vật chất nhưng thi ca hiện hữu trong mỗi cá nhân chúng tôi và trong chính Trần Quang Quý lại đẹp hơn bao giờ hết. Lúc đó tâm hồn chỉ có thi ca, chỉ có cái đẹp, chỉ có những giấc mơ.
Cũng trong những chuyến đi xa đọc thơ đó, tôi và Trần Quang Quý còn có một kỷ niệm cực kỳ ấn tượng. Đó là một lần sau khi đọc thơ tại một cơ quan, chúng tôi đã có một buổi lang thang trên vùng đồi ở Ba Vì và thả diều. Trong một buổi chiều như thế, anh em chúng tôi đã rút bút ra và viết những câu thơ của mình lên cánh diều để thả lên bầu trời. Tôi không còn nhớ rõ những câu thơ đó là gì, trong bài thơ nào nhưng những mỗi lần nhớ về thấy hình ảnh đó rất thơ, rất lãng mạn, đầy chất thơ!"
Cá nhân tôi nghĩ, có lẽ những tập thơ sau này của Trần Quang Quý mang lại giá trị thơ ca nhiều hơn nhưng tôi vẫn thích những vần thơ đầu tiên, bài thơ đầu tiên trong tập thơ đầu tiên của Trần Quang Quý - Viết tặng em trong ngôi nhà chật (thơ, 1990). Thơ hồi đó đẹp đẽ, trong sáng và đầy rung động. Tôi cho rằng các sáng tác đầu tiên của hầu hết các nhà thơ đều thế, vì sau này các vấn đề xã hội tràn ngập nhiều hơn trong thơ, nỗi dày vò trong thơ cũng lớn hơn - thơ Trần Quang Quý cũng thế".
Cố nhà thơ Trần Quang Quý luôn say đắm với thi ca
"Tôi còn ấn tượng thời điểm Trần Quang Quý làm Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội với đội ngũ phóng viên nhiệt huyết, khi đó tờ báo rất nổi tiếng. Dù làm lãnh đạo nhưng khi đó chúng tôi ngồi với nhau thường xuyên hơn giai đoạn sau này, đôi khi chỉ là ngồi uống nước trà, hút thuốc lào rồi nói về báo chí, về văn chương, về những bài viết. Có thể nói Trần Quang Quý làm báo cũng say đắm như với thi ca. Luôn luôn là như thế!
Bởi thế, khi Trần Quang Quý đã phát hiện bệnh, thi thoảng ông vẫn ghé qua chỗ tôi chơi, mang cho tôi một chút quà gì đó hoặc sách rồi tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. Ông rất thấu hiểu thách thức của Hội Nhà văn khi tôi nhận nhiệm vụ nên luôn có những chia sẻ và động viên. Nhưng nhiều nhất, có lẽ vẫn là những câu chuyện thuở yêu thơ, thời còn rong ruổi những chuyến hành trình thơ, thuở sinh hoạt CLB Thanh Xuân - chỉ có thơ ca, thơ ca và thơ ca", nhà thơ Trần Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Trần Quang Quý được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Ngoài những tập thơ đã xuất bản trong nước, thơ Trần Quang Quý đã được dịch và in ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Czech…
Từ năm 1971 đến năm 1977, ông tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tại các tỉnh Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1977 đến năm 1982, ông là cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, sau khi ra quân, Trần Quang Quý theo học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Đây là khoảng thời gian đánh dấu bước đầu sự nghiệp sáng tác thơ của ông khi giành giải Giải Nhì thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983-1984.
Từ năm 1988 đến năm 1994, ông là Trưởng ban biên tập báo Nông dân Việt Nam (nay là báo Nông thôn ngày nay). Từ năm 1994 đến năm 1998, ông là biên tập viên, rồi Tổng biên tập tạp chí Dân số & Gia đình. Từ năm 1996 đến năm 2000, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Từ năm 1998 đến năm 2005, ông là Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội. Năm 2009, ông chuyển sang làm Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2019.
Trần Quang Quý viết nhiều và có những tác phẩm ghi dấu ấn trong làng thơ Việt Nam như: "Viết tặng em trong ngôi nhà chật," "Mắt thẳm," "Giấc mơ hình chiếc thớt," "Siêu thị mặt," "Cánh đồng người" (thơ song ngữ)....
Bên cạnh sáng tác thơ, Trần Quang Quý cũng viết kịch bản phim truyện và truyện ngắn. Những tác phẩm nổi bật ở hai thể loại này có thể kể đến: "Lời sám hối muộn mằn" (phim truyện), "Chị Châu" (phim truyện), "Bờ sông Trăng sáng" (truyện ngắn), "Bay lên những giấc mơ" (bút ký, 2017)....
Trần Quang Quý ba lần nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam: Năm 2004 với tác phẩm "Giấc mơ hình chiếc thớt," năm 2012 với "Màu tự do của đất" và năm 2019 với tập thơ "Nguồn."