Khi ngày càng nhiều người muốn sở hữu các danh hiệu sắc đẹp để làm bàn đạp nhanh chóng tiến thân thì các cuộc thi nhan sắc cũng mọc ra ngày càng nhiều. Sáu tháng với hơn 10 cuộc thi nhan sắc được diễn ra khiến công chúng đặt câu hỏi, liệu danh hiệu hoa hậu có còn giá trị?
10 năm trở lại đây chứng kiến sự trỗi dậy của người đẹp châu Á tại các đấu trường nhan sắc trên thế giới, theo Angelopedia. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia của Đông Nam Á đang có nhiều thành tích tốt tại "tứ đại hoa hậu". Thứ bậc của nhan sắc Việt cũng tăng vọt trên bản đồ sắc đẹp thế giới.
Theo thống kê mới nhất từ chuyên trang sắc đẹp Globalbeauties vào 30/6, Việt Nam tăng 8 bậc lên vị trí thứ 42 với 17.710 điểm. Người đứng đầu của một số công ty giải trí, nắm bản quyền thi hoa hậu quốc tế tiết lộ với Zing về tham vọng kiến tạo nền công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường hoa hậu ở Việt Nam với sự bùng nổ của hàng loạt sân chơi sắc đẹp đang tạo ra nhiều hệ lụy. Chất lượng thí sinh tỷ lệ nghịch với số lượng cuộc thi. Một người đẹp có thể góp mặt trong nhiều cuộc thi hoa hậu khác nhau ở cùng thời điểm. Ngoài ra, việc người nổi tiếng chạy show làm giám khảo cũng đang là tình trạng phổ biến hiện nay.
Hai tháng làm giám khảo ba cuộc thi hoa hậu
Theo thống kê sơ bộ, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê là người đẹp được mời làm giám khảo các cuộc thi nhan sắc nhiều nhất trong năm 2022. Trong tháng 6, người đẹp là giám khảo của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Đến tháng 7, cô đồng thời đảm nhận hai nhiệm vụ là đại sứ và giám khảo của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lẫn Miss Peace Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam).
Tương tự, nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cũng ngồi vị trí giám khảo ở hai cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam và Miss Peace Vietnam trong chưa đầy một tháng.
Hoa hậu H'Hen Niê làm giám khảo 3 cuộc thi hoa hậu trong hai tháng. Ảnh: Phương Lâm.
Ở các sân chơi sắc đẹp khác như Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Miss Fitness Vietnam... chứng kiến sự góp mặt của dàn giám khảo đến từ nhiều lĩnh vực.
Đơn cử, ở Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, dàn giám khảo gồm nghệ sĩ Lê Khanh, nhà thiết kế Nhật Huy, Hoa hậu Phương Khánh, Diễm Hương, Lại Hương Thảo.... Tại Miss Fitness Vietnam, Kỳ Duyên, Thúy Vân, diễn viên Anh Dũng giữ vai trò cầm cân nảy mực. Một cuộc thi khác là Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022, ban giám khảo gồm nghệ sĩ Trọng Trinh, Lan Hương. Không ít nam/nữ ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ... cũng trở thành giám khảo tại các sân chơi sắc đẹp.
Điều này khiến khán giả đặt câu hỏi: "Phải chăng ai cũng có thể trở thành giám khảo hoa hậu ở Việt Nam?".
Ca sĩ, diễn viên làm giám khảo hoa hậu
Trao đổi với Zing, NTK Sĩ Hoàng cho biết trong một cuộc thi sắc đẹp, giám khảo là những người đóng vai trò quan trọng. Họ quyết định chất lượng, kết quả cuộc thi và tìm ra cô gái xứng đáng nhất để trao vương miện.
Vì thế, trước khi nhận lời làm giám khảo một cuộc thi hoa hậu, ông thường gặp gỡ ban tổ chức để xem xét chủ trương, mục đích khi mở ra sân chơi sắc đẹp. Đồng thời, Sĩ Hoàng sẽ tìm hiểu về việc cuộc thi kể trên đã xin cấp phép từ cơ quan ban ngành chưa, thành phần giám khảo gồm những ai.
"Giám khảo phải là những người có uy tín trong nghề nghiệp, minh bạch, có kinh nghiệm, chuyên môn. Vì thế, tôi cân nhắc kỹ trước khi đồng ý tham gia ở vai trò giám khảo một cuộc thi sắc đẹp nào đó", ông chia sẻ.
NTK Sĩ Hoàng là giám khảo của Miss Peace Vietnam và Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam.
NTK Sĩ Hoàng nói ở mỗi cuộc thi sẽ có tiêu chí riêng để tìm ra chủ nhân của ngôi vị hoa hậu. Nếu ở Miss Peace Vietnam mong muốn tìm hoa hậu có đủ tâm - tài - trí - sắc thì Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lại đề cao các cô gái có yếu tố bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ.
Vì thế, ông và các giám khảo sẽ dựa vào từng mục đích, yêu cầu, tiêu chí của từng sân chơi sắc đẹp để chấm thi.
Theo NTK Sĩ Hoàng, trong hơn 30 năm làm nghề, ông đã ngồi ghế giám khảo ở nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn, nhỏ trong nước. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy, vốn kiến thức về văn hóa, thời trang, mỹ thuật, tiếp xúc với nhiều người đẹp, ông dễ dàng có sự nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và đúng mực về các thí sinh trong quá trình làm việc.
Khi được hỏi về việc nhiều ca sĩ, diễn viên hoặc những người nổi tiếng làm ở các lĩnh vực khác cũng được mời làm giám khảo hoa hậu, Sĩ Hoàng cho biết rất khó để đánh giá mức độ phù hợp.
"Các nghệ sĩ như ca sĩ, diễn viên là người có đóng góp cho xã hội, uy tín. Để trở thành người được công chúng yêu mến, họ hẳn có con mắt nhìn đời, nhìn người chuẩn xác. Bên cạnh đánh giá từ các giám khảo chuyên môn, sự xuất hiện của các nghệ sĩ trong vai trò cầm cân nảy mực có thể là góc nhìn đại diện cho công chúng", ông cho hay.
Theo Sĩ Hoàng, mục đích của ông khi quyết định gật đầu làm giám khảo hoa hậu không đến vì cát-xê. Ông mong tìm ra cô gái xứng đáng để đảm nhận được sứ mệnh hỗ trợ và truyền cảm hứng cho cộng đồng trong nhiều năm.
Về phía H'Hen Niê, cô cho biết nhận lời làm giám khảo các cuộc thi hoa hậu vì mong muốn lan tỏa giá trị tích cực cho xã hội. Trong vai trò người chấm thi ở Miss Peace Vietnam, cô nói: "Không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Một cộng đồng cùng hướng tới giá trị hòa bình - đó là bài học quý báu trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ cố gắng làm tốt vai trò của mình".
Bài toán tìm kiếm giám khảo
Về phía ban tổ chức, bà Phạm Kim Dung - Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng - đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - nói với Zing đơn vị thường lựa chọn dàn giám khảo có kinh nghiệm, khả năng nhìn nhận thí sinh và mức độ phù hợp đối với từng cuộc thi sắc đẹp. Thông thường, ban tổ chức mời các nhà thiết kế, nhân trắc học cho vai trò giám khảo chuyên môn.
Những người này sẽ dựa vào đề án của từng cuộc thi để đánh giá và lựa chọn thí sinh ưu tú nhất cho vòng chung kết. Sau đó, giám khảo tiếp tục căn cứ vào phần thi của các người đẹp trong đêm chung kết và trao vương miện cho cô gái xứng đáng.
Bà Phạm Kim Dung (thứ hai từ trái qua) chia sẻ về tiêu chí chọn giám khảo cho các cuộc thi hoa hậu. Ảnh: Thanh Tâm.
Theo bà Phạm Kim Dung, những ca sĩ, diễn viên được ban tổ chức mời thường ngồi ở vị trí giám khảo phụ nhằm tăng độ chú ý, mức lan tỏa đối với cuộc thi.
"Giám khảo không chỉ là quan sát thí sinh mà còn có những buổi trao đổi kinh nghiệm. Kinh nghiệm của một người nổi tiếng như ca sĩ hay diễn viên khi hoạt động trong showbiz cũng là bài học dành đến cho dàn người đẹp. Hoạt động của nghệ sĩ nói chung và hoa hậu nói riêng có nhiều điểm tương đồng. Vì thế, trong một số cuộc thi, chúng tôi cũng mời họ trong vai trò giám khảo", bà Kim Dung nói.
Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bày tỏ trong bối cảnh hàng chục sân chơi sắc đẹp mở ra trong năm 2022, việc lựa chọn các giám khảo phù hợp để chấm thi cũng là bài toán khó.
Bàn về cát-xê của giám khảo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ hạng A, bà Phạm Kim Dung từ chối nói con số cụ thể. Tuy nhiên, bà cho biết vì mối quan hệ thân thiết, các giám khảo thường lấy mức cát-xê hợp lý.
"Nếu mỗi lần xuất hiện ở vai trò giám khảo, các ca sĩ hét giá cát-xê như lúc họ biểu diễn thì chúng tôi không thể trả nổi", bà Phạm Kim Dung đánh giá.
GiadinhNet - Hồng Diễm là thí sinh có sắc vóc gây chú ý và được kỳ vọng giành vương miện Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam. Vì vậy việc, cô dừng ở top 5 đã gây tiếc nuối cho khán giả.