Theo thống kê, Việt Nam có 65 triệu tài khoản Facebook, Youtube có 6 triệu và Tiktok là khoảng 20 triệu người dùng. Cuộc đua view và like vì thế ngày càng khốc liệt. Đa phần, người sáng tạo nội dung đang chọn hướng đi ngắn nhất và nguy hại nhất, đó là đưa ra nội dung xấu độc.
Những hình ảnh phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục như thử thách ăn thịt sống, thử thách 24 giờ làm chó, thử thách ăn mì tôm trong bồn cầu hay ném 100 con dao từ trên cao xuống… đang cho thấy sự méo mó trong nhận thức của một bộ phận người dùng mạng, trong đó đa số là người trẻ, bất chấp mọi giá trị để "câu like", "câu view" trên mạng xã hội. Đây cũng là chủ đề chính trong chương trình Chuyên mục Văn hóa số đầu tiên.
Trước những trào lưu tăng tương tác bằng nội dung gây sốc, gây tranh cãi, khán giả đã đưa ra nhiều ý kiến đa chiều: "Nhiều cái hơi quá", "Cảm giác mặt xấu chiếm tương đối nhiều", "Hơi ghê", "Tùy thuộc vào người xem lựa chọn vì không thể cấm những nội dung đó xuất hiện trên mạng xã hội"...
Vậy lý do thực sự để những người sáng tạo nội dung tạo ra các video câu like, câu view? Để vui hay còn mục đích nào khác?
Tăng view hay like của các tài khoản mạng xã hội không chỉ để nổi tiếng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế, doanh số bán hàng, quảng cáo của các nhãn hàng hay cát xê tham gia sự kiện… Vì thế nó quyết định lượng tương tác của tài khoản mạng xã hội. Tiktoker Nguyễn My cho biết, những nội dung bẩn dễ tiếp cận người xem hơn cả.
"Đi theo những trend đó rất dễ nhưng để bản thân có đi theo những trend đó không mới là khó", cô chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thành – Chuyên gia truyền thông
Ông Nguyễn Đình Thành – Chuyên gia truyền thông - cho rằng sự chú ý của xã hội rất đa dạng. Những người tạo ra nội dung biết giới trẻ đang thích gì để sản xuất như vậy. Những nội dung thường thấy có yếu tố giật gân, sự khác thường về nội dung hay hình thức thể hiện, dựa trên sở thích của người xem để tính toán sản xuất. Điều đó giúp video thu hút sự chú ý.
"Giới trẻ hiện nay vừa là nạn nhân vừa là người tạo ra những nội dung trên mạng xã hội. Một cách hình tượng, có thể nói họ tự biến mình thành các cột thu lôi", ông Đình Thành nói.
"Càng có nhiều sự chú ý, tương tác thì vốn dữ liệu càng cao. Điều này kích thích sản xuất ra nội dung thu hút được nhiều sự chú ý, hoặc kéo giữ người xem được đông hơn. Chính điều đó sẽ tạo ra các giá trị là tiền, sự nổi tiếng hay các hình thức khác. Những điều này có thể được vốn hóa, chuyển từ nước này sang nước khác và lan tỏa trên toàn không gian mạng. Chính vì thế, người ta sản xuất các nội dung thu hút sự chú ý của người khác".
"Chính chúng ta cũng sẽ tạo ra một làn sóng những thông tin rác bẩn nhấn chìm chính chúng ta. Người tiêu dùng thông thái có quyền tối thượng trong việc không đọc, không xem, không chia sẻ các nội dung xấu, độc hại, thì nó sẽ không tạo ra những vấn đề đó nữa".
Làm thế nào để hạn chế sự gia tăng của các nội dung xấu độc trên mạng xã hội? Những góc nhìn đa chiều về chủ đề này sẽ còn tiếp tục được phân tích trong những chương trình Chuyên mục Văn hóa số tiếp theo. Mời quý vị và các bạn đón xem chương trình vào khung giờ 11h15 hàng ngày trên kênh VTV1.
Chuyên mục Văn hoá là chuyên mục mới do Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện. Chuyên mục được phát sóng hàng ngày vào 11h15 trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!