Mới đây, trên trang facebook Nguyễn Xuân Bắc đăng tải bài viết có tên 'Cái tát của mẹ'. Bài viết khá dài nhưng lỗi câu chữ khá nhiều và đặc biệt có nhiều ngôn từ chua chát, hằn học rất khó nghe. Đến nỗi, nhiều người đặt nghi vấn: Liệu đây có phải là bài viết của chính chủ không?

Dù kết câu chuyện, anh viết: "Câu chuyện này của ông anh XB kể và nhân vật Tôi ở đây không phải là Tôi mà Tôi ở đây là Tôi ..văn học chứ không phải Tôi". Nhưng với việc đăng tải trên trang chính chủ thì việc "thòng" câu này xem ra không có tác dụng.

Câu chuyện của Xuân Bắc kể về một người mẹ Tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng trong sự kỳ vọng của con trai nhưng "năm nào ăn miếng đầu tiên tôi cũng... chê"; "Chê không hẳn vì bánh không ngon,cũng không hẳn vì nó quá dở mà vì nó không giống như tôi tưởng tượng, nó không như tôi mong muốn. Tôi chê theo đúng kiểu: Tôi có quyền chê vì mẹ phải có trách nhiệm nấu bánh theo ý tôi…". Rồi anh con trai muốn: "Đã đến lúc phải thay mới. Mãi rồi năm nào cũng món này ăn phát ngán.Năm nào cũng mẹ gói, đã quá nhàm. Năm nay mẹ không cho muối. Cần phải tìm một mô típ khác,cần phải thay người gói khác...".

nsut-xuan-bac-1-16746138269981584953733-1674617505707784352261.jpg

Bài viết trên trang facebook Nguyễn Xuân Bắc

Cuối cùng anh ta nhận cái tát kèm lời giáo huấn của mẹ: "Mấy năm trở lại đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi. Trước Tết thì mày gào lên là Chờ đợi,là mong muốn.Mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến....rồi mày Chê.Mày là đồ "Ăn cháo đá bát".Mày có biết Mẹ mày gói bánh ,luộc bánh vất vả thế nào không!?... Mày không ăn thì thôi ai bắt mày.Tết mày không ăn bánh chưng thì mày ăn bánh tẻ,bánh nếp,bánh trôi bánh chay,táo bạo nữa thì Tết mày ăn mẹ mày bánh Phu Thê đi cho nó phong thủy sao mày cứ phải ăn bánh chưng tao gói rồi để mày chê.Đến rửa lá,vo gạo mày còn không biết làm mà mày lại cứ dạy mẹ mày gói bánh là sao!?.Mày không ăn thì mày cút.Mày có biết là trong lúc mày đang đi sắm Tết,quần là áo lượt...thì mẹ mày phải thức khuya dậy sớm để gói bánh cho cả nhà mày không hả .Thiếu gì bánh mày không ăn mà mày cứ nhè bánh chưng mẹ gói để ăn rồi chê hả!?Tiền thì mày không đóng một đồng,bảo mày đóng góp thì mày bảo: "Con ngoan đã là đóng góp cho bố mẹ " mịa thế thì kinh rồi.Mày nghĩ mày có quyền chê à!?.Cứ cho là mày có quyền chê đi thì chê phải cho đúng nhá.Có giỏi năm sau mày gói bánh đi xem nào....".

Đọc những dòng này, có lẽ ai cũng hiểu Xuân Bắc đang bóng gió những khán giả chê Táo quân, không thấy được sự vất vả của người làm chương trình, chê nhưng vẫn ngóng Táo quân. Nếu không thích xem ai bắt, sao không chọn chương trình khác để xem mà cứ xem Táo quân để chê. Thậm chí có người nói không xem nhưng vẫn chê…

Câu chuyện của Xuân Bắc tưởng chừng thâm thuý, sâu cay nhưng đã nhận được nhiều chỉ trích của khán giả ngay dưới bài đăng. Chưa hết, trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đã bày tỏ quan điểm sự so sánh này của Xuân Bắc là đánh tráo khái niệm, nhìn sự góp ý, chê bai của khán giả với giọng điệu hằn học. Cách dùng từ cũng không xứng tầm với danh xưng nghệ sĩ ưu tú, nhất là khi anh đang là giám đốc của một nhà hát và lâu nay là nghệ sĩ luôn giữ gìn hình ảnh. Anh nói về cái tát của mẹ nhưng cũng đồng thời nhận nhiều "cái tát" của dư luận.

1359141256-gap-nhau-cuoi-nam-18-1320-16746174604812132336280.jpg

Xuân Bắc với hình ảnh quen thuộc trong chương trình Táo quân

"Coi thường khán giả là căn bệnh nặng của một số ca sỹ, người đẹp, nghệ sỹ ở ta. Đến giờ lộ thêm danh hài Xuân Bắc… Dấu chấm hết cho một chương trình nghệ thuật lay lắt 20 năm qua"; "Em nghĩ với phát ngôn như vậy thì Xuân Bắc cũng tự đánh mất mình trong lòng người hâm mộ rồi"; "Tiền thì mày không đóng một đồng, bảo mày đóng góp thì mày bảo: 'Con ngoan đã là đóng góp cho bố mẹ'… khán giả đóng thuế trả lương hoặc mua vé trả lương nuôi diễn viên chứ không phải diễn viên nuôi khán giả (nếu là "nghệ sĩ" đúng nghĩa thì mới "nuôi" khán giả bằng "món ăn" tinh thần - nghệ thuật đúng nghĩa); "Xuân Bắc đã tự đặt mình vào vị thế của người "ban cho", đặt khán giả vào vị thế của người "thụ nhận"… là những nhận xét của khán giả sau khi đọc bài viết "Cái tát của mẹ".

Trên trang cá nhân, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng bày tỏ quan điểm: "Đã chấp nhận đời nghệ sĩ thì phải chịu được tiếng khen chê. Người ta chê mình thì phải xem lại mình trước. Biết nghe lời chê để hoàn thiện lao động nghệ thuật mới là người nghệ sĩ lớn chân chính…

Một chương trình kéo dài 20 năm, dù nỗ lực cố gắng bao nhiêu cũng sẽ đến lúc lụi tàn. Lụi tàn bởi ý tưởng không mới, kịch bản không hay, lại nhạt nhẽo, tầm phào; bởi diễn đuối, diễn viên trụ cột hết sáng tạo và hết duyên…vv. Nhưng cái điều cơ bản là một khi không còn khí phách để giễu nhại, châm chích con bệnh xã hội nữa thì cũng phải biết có dũng khí từ bỏ cái cách gãi ghẻ con bệnh. Từ bỏ quả thật là khó!

Để hủy bỏ một chương trình trước hết Đài Truyền hình phải có bản lĩnh, dám vứt bỏ cái không còn hấp dẫn nữa, chứ không cố đấm ăn xôi, méo mó có hơn không. Đồng thời phải có chương trình mới sinh động lấp vào…

Nếu Xuân Bắc cho rằng "người chê Táo quân 'ăn cháo đá bát' thì sẽ là… lời cáo chung, là dấu chấm hết của chương trình này".

080123taoquan31-1673124966281325251167-16731249904941405762062-16743882424061835010368-16746174604672114348042.png

Các Táo trụ cột trong chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm

Táo quân năm nay không có màn tấu trình Ngọc Hoàng như mọi năm mà được thay đổi bằng cuộc thi Táo bạo thiên đình với ngụ ý  giễu nhại các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm năm qua. Thông qua đó, các Táo đả kích một số hiện tượng xã hội nhưng khá vụ vặt, thiên về "trò nhời" nhằm gây cười, chứ chưa đề cập nhiều đến các vấn đề nóng như: Dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phá sản, chứng khoán lao đao, công nhân mất việc, hàng loạt quan chức cao cấp bị bắt vì tham nhũng… Né tránh dù là những nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì điều đó cũng đã làm mất đi bản sắc vốn có của chương trình Táo quân, vốn hấp dẫn ở tính giễu nhại, châm biếm các Táo – tư lệnh ngành khi để xảy ra những lùm xùm, sai phạm khiến người dân bất bình. Khi "cái gốc" ban đầu không còn được xuyên suốt thì thay đổi ở phần ngọn chỉ là "cố đấm ăn xôi" mà thôi.

20 năm, đối tượng khán giả năm xưa đã trưởng thành và khó tính hơn nên cũng đòi hỏi sự lớn lên của các chương trình giải trí nói chung chứ không chỉ với Táo quân. Cầu thị, lắng nghe để thay đổi cũng là để chính chương trình tồn tại. Nếu không sẽ phải chấp nhận sự đánh giá, phản biện của khán giả như một lẽ đương nhiên.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022