Đến nơi, chàng trai mù quê Hồng Ngự vịn vai học trò đi về cuối sân - nơi có khoảng 40 em đủ mọi lứa tuổi chờ sẵn. Chúng chỉ chờ anh thổi còi tập trung là lập tức ra sân khởi động. Sau khi làm nóng, Sanh cho học trò tập chuyền, còn các thủ môn tập bắt bóng ở cầu môn.

DSC04357-4017-1657295543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=92HzyUS5kwy1kgszaRiqXg

Từ vài em theo học ban đầu đến nay cựu tuyển thủ Đồng Tháp - Phan Văn Sanh dạy bóng cho gần 400 em. Ảnh: Ngọc Tài

Chỉ với đôi tai, sự thân thuộc từng cầu thủ do mình dẫn dắt, anh biết bóng đang ở vị trí của ai, đá sai kỹ thuật hay không rồi vào tận nơi thị phạm. Phía sân bên kia, Sanh cho lứa U14, U15 chia đội thi đấu đối kháng. Đội hình do Sanh sắp xếp, nên các học trò chỉ cần báo tên là anh biết ngay cầu thủ đá sở trường vị trí nào, cần khắc phục điểm yếu gì.

Tận dụng lúc hai đội vào nghỉ thay bằng đội khác, Sanh lấy sa bàn chỉ các cầu thủ nhí chiến thuật thi đấu, rồi căn dặn: "Cuối tuần này U13 đá giải bên TP Hồng Ngự, ai đăng ký tham gia". Tụi nhỏ giơ tay tranh nhau suất thi đấu cọ xát. Đứa nào được chọn mặt mày đều hớn hở. Người huấn luyện viên mù cười tươi: "Ba năm qua tụi nhỏ là ánh sáng và niềm vui của tôi".

dsc04446-jpg-1657295268-3499-1657295543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Nq24dW4pm2n3p3AjlcmNxg

Phan Văn Sanh hướng dẫn chiến thuật trên sa bàn cho các cầu thủ nhí mình dẫn dắt. Ảnh: Ngọc Tài

Sanh mồ côi cha từ nhỏ sống cùng người mẹ tảo tần làm đủ thứ nghề để nuôi hai anh em. Năm lớp 4, anh được nhà trường chọn vào đội bóng thi đấu giao lưu, niềm đam mê bóng đá bắt đầu nhen nhóm. Nhà nghèo không có tiền mua bóng cậu rủ mấy người bạn trong xóm đá bằng trái dừa, lon sữa bò. Xem trên truyền hình thấy các cầu thủ tập thể lực, sáng sáng cậu nhóc học làm theo.

Nhờ siêng năng, Sanh được chọn vào đội U11 của huyện Hồng Ngự thi đấu với các địa phương trong tỉnh. Cùng năm, Sanh được Đồng Tháp chọn thi đấu giải toàn quốc tranh cúp Milo. Từ đây, cậu bé vùng biên luôn nằm trong danh sách tập luyện của địa phương. Năm 16 tuổi, Sanh gia nhập câu lạc bộ bóng đá Đồng Tháp cùng lứa với thủ môn Bùi Tấn Trường.

Các năm sau, tiền vệ cánh Phan Văn Sanh thi đấu cho các đội bóng tỉnh lân cận theo hợp đồng mượn thi đấu. Lần lượt sau đó, anh khoác áo đội bóng tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre. Năm 2016, trong lúc chờ thanh lý hợp đồng về đầu quân cho quê nhà, biến cố ập đến. Tai nạn giao thông lấy đi đôi mắt của chàng tiền vệ cánh khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

"Lúc tỉnh dậy tôi chán nản, muốn từ bỏ cuộc sống nhưng người thân, bạn bè động viên, giúp đỡ rất nhiều. Tôi không thể ích kỷ". Với phương châm "tàn nhưng không phế", Sanh bắt đầu làm quen với bóng tối, với từng ngóc ngách trong ngôi nhà. Chỉ mấy tháng sau anh có thể giúp mẹ những việc dọn dẹp, nấu cơm.

Cách đây ba năm, vì quá nhớ sân cỏ, nhớ nghiệp quần đùi áo số, Sanh lần mò đến sân bóng gần nhà. Dù không thấy gì, chỉ ngồi ở một góc sân lắng nghe người khác đá bóng, Sanh như vơi đi nỗi lòng. Mấy em nhỏ thấy vậy nhờ Sanh chỉ đá bóng. Lâu dần cứ sáng sáng tụi nhỏ chạy lại nhà rủ ra sân tập.

Anh thành lập câu lạc bộ Đam Mê FC, số học trò ngày một đông. Chúng đề xuất với anh đổi tên thành đội bóng cộng đồng Phan Văn Sanh. Chỉ hơn một năm số em đòi theo đội bóng chú Sanh lên đến gần 400 em, mở rộng ra các xã xung quanh.

Dạy các em, Sanh quyết không thu tiền nhưng đề ra tiêu chí - phải đạt học lực trung bình trở lên mới nhận, không được nghiện game, chửi thề, hút thuốc.... Nhiều lần thầy cô trong trường còn méc Sanh nếu các em không nghe lời hoặc trốn học. "Các tiệm game đều có người quen của tôi, đứa nào léng phéng chơi game là tôi phạt ngay", anh kể.

dsc04507-jpg-1657295255-165729-6455-5970-1657295543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZjQf4hUFRBi813i4bZIwuQ

Trẻ em vùng biên được dạy bóng miễn phí, chúng chỉ cần hùng tiền thuê sân, mỗi buổi 5.000 đồng. Ảnh: Ngọc Tài

Em Phạm Nhật Duy, bắt đầu theo đội bóng của chú Sanh từ những ngày đầu tiên. Những ngày hè cậu nhóc 13 tuổi được tập bóng cả sáng lẫn chiều, dù mệt nhưng rất vui. Chàng thủ môn nhí kể được chú Sanh dạy các động tác cơ bản, dạy chụp bóng rồi thi đấu đối kháng. "Sắp tới em cũng được chọn thi đấu nè", cậu bé vùng biên khoe.

Bà Phạm Thị Ia, phụ huynh của một cầu thủ nhí, đã rất bất ngờ khi con trai đòi theo đội bóng của chú Sanh đã mùa loà. Dù hoài nghi song bà không cản, âm thầm đến sân bóng quan sát. Người mẹ quê Thường Phước 1 bất ngờ với cách dạy đá bóng của chàng thanh niên không còn thấy ánh sáng. "Trên sân có việc gì Sanh đều biết, tôi phải công nhận là cậu ấy quá hay", bà nói. Sanh dạy hoàn toàn miễn phí. Phụ huynh chỉ hùn tiền thuê sân tập, thuê xe đi thi đấu. Lắm lúc anh còn bỏ tiền nhà mua nước đãi các học trò.

Học trên sân là một lẽ, Sanh còn nghe ngóng, ở đâu có giải thi đấu cho trẻ em là đưa các học trò đi cọ sát. Hai năm gần đây, hay tin Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF) tuyển sinh cầu thủ năng khiếu tại Đồng Tháp, anh dẫn học trò đi thử sức. Đến nay có hai em được PVF chọn, hiện tập luyện ở Đà Nẵng. Năm vừa rồi, tại giải U13 huyện Hồng Ngự, đội bóng do Sanh dẫn dắt đoạt chức vô địch, còn U11 thì về nhì...

Chỉ trừ những lần đi khám bệnh và ba tháng học nghề xoa bóp bấm huyệt, ba năm ròng hôm nào Sanh cũng có mặt trên sân bóng để tập cho trẻ em trong vùng. Hiện nay mong ước lớn nhất của anh là tìm lại ánh sáng, kế đến là có thêm dụng cụ cho các em luyện tập.

huan-luyen-vien-mu-day-tre-em-vung-bien-da-bong-1657296132.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NcXU2x60Fm316ik0Qsm_Pw
Huấn luyện viên mù dạy trẻ em vùng biên đá bóng

Sanh bảo các em là ánh sáng, niềm vui ba năm qua, sau khi tai nạn giao thông cướp đi đôi mắt của anh. Video: Thanh Tiền

Ngọc Tài

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022