Phải chăng người trẻ hôm nay đang kiếm tìm một hình mẫu đô thị lý tưởng – nơi không chỉ mang đến cơ hội phát triển mà còn tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó? Phải chăng họ tìm một nơi chốn để thuộc về? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư - Nhiếp ảnh gia Đồng Lâm Thanh Tùng, người có góc nhìn đa chiều về đô thị qua lăng kính của cả kiến trúc và nhiếp ảnh đường phố, để lắng nghe những chia sẻ của anh về "quy hoạch đô thị và gắn kết xúc cảm".

Là một nhiếp ảnh gia, điều gì khiến anh bị cuốn hút vào nhịp sống đô thị, nơi anh đã ghi lại từng khoảnh khắc của đời sống?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Thực chất, tôi bị cuốn hút bởi cuộc sống nói chung, mà cuộc sống diễn ra ở mọi nơi, không chỉ trên đường phố. Điều tôi thấy thú vị ở đô thị chính là mâu thuẫn sống động của nơi này. Chẳng hạn, đường phố hối hả nhưng luôn lấp lánh những khoảnh khắc chậm rãi, bên ngoài ồn ã là một bên trong ẩn chứa những câu chuyện lắng đọng. Với tôi, thành phố là một cơ thể đa cảm mà mỗi góc nhỏ đều đang rộn ràng hơi thở đến từ nhịp tim của chính những con người ngày đêm dạo bước trên phố.

Như mới hôm qua, trên đường tôi thấy xe máy chở theo chiếc thùng phía sau, chỉ ló lên cái đầu nhỏ xíu của một cậu bé.Thật lạ! Vì thông thường, thùng này chỉ dùng chở hàng đi giao, sao nay lại chở trẻ em. Đến gần mới thấy cậu bé mặc đồng phục học sinh, tầm tiểu học, một tay cầm bánh sandwich, tay kia cầm đồ chơi. Có lẽ ba cậu bé khi tất bật lái xe mưu sinh, trước khi đến giờ làm, đã tiện đường tranh thủ đưa con đến lớp. Giữa dòng người ngược xuôi đầu giờ buổi sáng, bên trong chiếc giỏ lại là một thế giới bình yên. Chính những mâu thuẫn sống động này làm tôi yêu đô thị mình đang sống.

photo-1-17465923392872021441792-1746592490627-1746592491856834851868.jpg

Nhà cửa san sát nhưng kín cổng cao tường, mâu thuẫn đô thị khi quy hoạch càng nén chặt, cảm xúc càng thưa dần. Ảnh: Góc hẻm - Đồng Lâm Thanh Tùng.

Với tình yêu đô thị lớn như vậy, anh có cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của đô thị hiện nay, cả về cảnh quan lẫn cảm xúc? Thay đổi đó được phản ánh như thế nào qua nhiếp ảnh?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Thành phố là một thực thể sống, và cuộc sống thay đổi từng khoảnh khắc,. ví dụ như những mái ngói ít đi, nhà cao tầng với kính hiện đại nhiều lên, quán nước vỉa hè nhường chỗ cho cửa hàng tiện ích. Đây là những thay đổi tất yếu. Tuy nhiên, về cảm xúc, tôi thấy nụ cười dành cho điện thoại có thể nhiều hơn cho người bên cạnh. Tương tác trong đô thị không còn đúng nghĩa là tương tác xã hội, mà dần trở thành những "va chạm chức năng" thôi.

photo-1-1746592372050698438318-1746592492751-17465924928261471548813.jpg

Một đô thị có thể đầy người – nhưng trống vắng kết nối, khi những khoảng trống chung chỉ còn là hình khối, không còn là điểm gặp gỡ. Ảnh: Thế giới trong gương – Đồng Lâm Thanh Tùng.

Nhiếp ảnh là những khoảnh khắc đóng băng của xã hội. Những đóng băng đó, bao gồm cả sự chuyển mình của đô thị, được lưu giữ lại qua từng bức ảnh. Ảnh đường phố Việt Nam 10-15 năm trước thường kể câu chuyện về "sự hỗn độn ấm áp": xe máy chen chúc nhưng không gian chia sẻ cộng đồng như quán cóc, công viên vẫn thấy tiếng cười. Hiện tại, mật độ xây dựng cao khiến các bức ảnh tập trung nhiều vào bố cục khối. Có thể thấy trong ảnh là một "trật tự lạnh lẽo": con người nhỏ bé trong trung tâm thương mại sang trọng, mặt cúi tay lướt, chân bước đi mà không có ánh mắt giao nhau. Những căn hộ sáng đèn nhưng xem kỹ chỉ là ánh sáng qua tấm rèm, sự riêng tư cá nhân lấn át những khoảnh khắc tương tác của cộng đồng. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi, thế giới vẫn đa dạng và chắc hẳn còn nhiều góc nhìn đặc sắc khác.

photo-2-17465923715291432067614-1746592493749-1746592493853510327207.jpg

Trật tự của khối hộp – gọn, đủ, nhưng lạnh. Sự riêng tư lên ngôi, còn kết nối thì mờ dần. Ảnh: Đơn độc giữa tầng mây – Đồng Lâm Thanh Tùng.

Liệu có bức ảnh nào anh từng chụp mà sau khi xem lại, anh nhận ra đây không chỉ là một khoảnh khắc đẹp mà còn phản ánh một lát cắt của sự "đứt gãy kết nối"? Anh có thể kể về bức ảnh đó và suy nghĩ của anh về hiện tượng này trong bối cảnh đô thị hoá?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Tôi nghĩ mình sẽ không dùng từ "Đứt gãy", mà sẽ dùng "Xa cách". Đó không chỉ là khoảng cách địa lý, mà còn là sự xa cách do bận rộn, tâm lý, thói quen, sở thích – chúng ta tự nguyện cách ly trong chính không gian của mình, dễ thấy nhất là việc "chui tọt" vào màn hình điện thoại. Cá nhân tôi không thích những sự "xa cách" này và thường không chủ động ghi lại những khoảnh khắc như vậy. Ngược lại, tôi muốn đưa vào ống kính cũng như những thiết kế, quy hoạch của mình sự "kết nối" giữa mọi người.

photo-3-1746592371040398310315-1746592494472-1746592494547190674174.jpg

Con người cảm thấy mất kết nối, xa cách nhau không phải vì khoảng cách địa lý mà do tâm lý bận rộn, hối hả. Ảnh: Những lằn ranh – Đồng Lâm Thanh Tùng.

Cái cảm giác "xa nhau giữa đám đông" mà nhiều người cảm nhận được trong đô thị hiện đại, theo anh, là hệ quả của nhịp sống quá nhanh – hay do việc ưu tiên số lượng tiện ích mà xem nhẹ chất lượng kết nối giữa con người?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Cả hai! Nhịp sống "nhanh" khiến chúng ta không dám "chậm" lại để quan sát, để quan tâm, để làm nhạt nhòa dần những "quan hệ". Đồng thời, không gian dành cho cư dân thường được thiết kế ưu tiên tiện ích hơn là trải nghiệm con người.

Ví dụ, khi thiết kế cảnh quan, người ta hay kết hợp bồn cây với ghế ngồi vòng quanh. Người ngồi đó, dù trò chuyện, lại thường nhìn về các hướng khác nhau thay vì nhìn vào nhau. Chúng ta đang dần bình thường hóa sự cô lập như một "đánh đổi" cho cuộc sống hiện đại. Tôi cho rằng đó là điều đáng suy ngẫm.

Là nhiếp ảnh gia, dường như anh cho rằng đô thị không chỉ bao gồm hạ tầng, giao thông, nhà cửa mà còn là nơi chứa đựng cảm xúc. Cảm nhận đó có tương tự khi anh quan sát đô thị trong vai trò một kiến trúc sư?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Chính xác! Là người cầm máy, tôi thấy đô thị chính là một bản giao hưởng cảm xúc! Để chụp được khoảnh khắc ấy, tôi tập cho mình lắng nghe mạch đập của thành phố bằng trái tim, cảm nhận bằng tâm hồn và trò chuyện bằng trải nghiệm cá nhân.

Tôi quan sát và ghi lại dáng dấp đô thị không phải qua đại lộ thẳng tắp mà qua nếp nhăn trên trán người bán hàng rong. Tôi không chụp siêu thị hoành tráng mà rung động trước hình ảnh đôi tay trẻ con níu váy mẹ bên kệ hàng. Hay khoảnh khắc một cô gái trẻ dừng xe tặng khẩu trang cho người cơ nhỡ giữa ngã tư đông đúc. Tôi yêu những khoảnh khắc đó, và với tôi đó là "hạ tầng tình người" thực sự.

photo-4-17465923705081081695723-1746592495075-1746592495165142075909.jpg

"Đô thị sôi động nhất không phải ở tiếng còi xe, mà ở nhịp đập rộn ràng của những trái tim biết rung cảm trước nhau". Ảnh: Hạt kết nối - Đồng Lâm Thanh Tùng.

Quan điểm của tôi khi làm kiến trúc sư cũng vậy, đô thị cần, thật là cần những cảm xúc. Và cảm xúc thì cần không gian để "nảy nở". Tức là bên cạnh đường sá, nhà cao tầng, cần có khoảng lặng, cây xanh, khu vực sinh hoạt cộng đồng. Một đô thị thiếu những không gian như vậy sẽ dần trở thành một "cỗ máy khổng lồ". Những con đường chỉ để đi, không để dừng lại. Địa điểm chỉ còn là nơi để đến chứ không phải là nơi để về.

Nếu Quy hoạch, thiết kế không thể khơi gợi được các không gian này, sẽ là một hệ luỵ lớn. Đây không phải là thiếu không gian vật lý, mà là thiếu "đất" để gieo hạt "kết nối" giữa con người với nhau.

Anh có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm "nơi để thuộc về" không ạ? Chúng ta có thể thay đổi gì để đô thị có nhiều không gian để trở về, thay đổi không gian sống trong căn hộ như thế nào để cảm thấy mình thực sự thuộc về nơi đó?

KTS. Đồng Lâm Thanh Tùng: Với tôi, khái niệm 'nơi để thuộc về' không phải là một mái nhà che nắng che mưa, không phải "nhà" theo nghĩa đen. Tôi đang nói về cảm giác thân thuộc, yên tâm khi con người sống trong một không gian gần gũi, với cộng đồng mà họ gắn bó. Tôi lấy ví dụ, các chung cư cũ ngày trước thường chung nhau một cái sân hay hành lang phía trước. Người ta ăn uống, ngủ nghỉ ở nhà, nhưng họ ra sân trò chuyện. Đó là không gian nuôi dưỡng một cộng đồng, nơi người dân sáng sáng tập thể dục, chút nữa thì là nơi các bà, các cô qua lại hỏi nhau chuyện chợ, chuyện nhà, chuyện bếp núc, chút nữa là nơi trẻ em chạy nhảy đuổi nhau. Họ tìm thấy sự kết nối với hàng xóm, cộng đồng từ nơi đó, và có thể với nhiều người, đó là tuổi thơ sẽ theo suốt cuộc đời.

Ở đô thị, đất chật người đông, và lối sống đô thị yêu cầu tính riêng tư cao nên những không gian kết nối như vậy đang dần biến mất. Người trẻ cần một hình mẫu đô thị mới đủ rộng để ước mơ, nhưng cũng đủ ấm để cảm thấy thuộc về. Chẳng hạn, nhìn lại không khí dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, tôi thấy thành phố sống động và và đầy kết nối. Không khí lễ hội kéo các bạn ra đường, cùng đến với "concert quốc gia", cười nói, reo hò, và đương nhiên, tương tác cho những cảm xúc "thật" nhiều hơn.

Như vậy, bài toán đặt ra là làm sao để biến tinh thần cộng đồng đó thành bản chất thường nhật của đô thị? Tôi nghĩ chúng ta cần thiết kế những không gian công cộng khuyến khích tương tác có chủ đích mời gọi mọi người. Đó không đâu xa, chỉ như quảng trường, vỉa hè, công viên, các không gian sáng tạo chia sẻ, phiên chợ cuối tuần, tuyến đường đi bộ kết nối nghệ sĩ đường phố. Các địa điểm này giúp khôi phục, nuôi dưỡng những 'cộng đồng thu nhỏ'. Đây là trái tim, cho người trẻ tìm thấy nơi mình thực sự thuộc về.

photo-5-17465923699771003835909-1746592495999-1746592501110692468517.jpg

Cuối cùng, tôi tin rằng vẻ đẹp thực sự của một đô thị không nằm ở những đại lộ ngập tràn ánh đèn hay những tòa tháp chọc trời, mà ẩn sâu trong nhịp thở của những con người biết lắng nghe, trong khoảng lặng đầy trân trọng giữa những cuộc trò chuyện không bị ngắt quãng bởi tiếng thông báo điện thoại. Đó là nơi ta tìm thấy sự văn minh đích thực - không phải trong bê tông cốt thép, mà trong sự ấm áp của những mái nhà chờ đợi, trong vòng tay mở rộng sau một ngày dài. Xin được gửi đến bạn lời chúc sâu sắc nhất: Hãy giữ cho trái tim mình luôn rung cảm trước nhịp sống, để mỗi tổ ấm không chỉ là địa chỉ, mà là nơi gửi gắm yêu thương, nơi ta thực sự 'thuộc về'.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

photo-6-17465923694992000808593-1746592501760-17465925021671815229471.jpg

Kiến trúc sư – Nhiếp ảnh gia Đồng Lâm Thanh Tùng.

Đồng Lâm Thanh Tùng hiện là Kiến trúc sư với 15 năm kinh nghiệm thực hành quy hoạch. Sau khi hoàn thành bằng Thạc sỹ tại Bỉ qua chương trình học bổng tài trợ bởi chính phủ năm 2016, anh sống tại Việt Nam với một số hoạt động tiêu biểu sau:

-   Đồng sáng lập dự án Cam Cam – Văn hóa Hoa giữa lòng Chợ Lớn (2018–2021); Tổ chức 5 cuộc triển lãm ảnh và đối thoại cộng đồng xoay quanh di sản Chợ Lớn.

-    Có các triển lãm ảnh như: Đường dài Xa ngái Đừng nhạt phai (01/2020), Dalat Rendezvous (2021), 3. (01/2023).

-   Đồng thực hiện dự án Bảo tàng sống Hoàng Sa – Trường Sa giữa lòng Sài Gòn (2012–2014).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022