Có lẽ, ai trong chúng ta cũng ao ước về một tuổi già an nhàn, nơi cuộc sống hàng ngày được bao bọc bởi tiếng cười của con cháu, trong một không gian ấm áp và tràn đầy yêu thương. Mùa xuân, ngôi nhà được điểm tô bởi sắc hoa đua nở; mùa hè, vườn trái cây căng tròn quả ngọt; và khi đông về, cả gia đình quây quần bên những bữa cơm đầm ấm là hình ảnh đẹp đẽ mà bất kỳ ai cũng khao khát. Ông nội Trần, với tầm nhìn xa trông rộng, đã sớm xây dựng nên tổ ấm như thế, tạo nên một không gian sống đậm chất chữa lành, nơi mỗi khoảnh khắc trôi qua đều chứa chan niềm vui và hạnh phúc, biến ngôi nhà thành chốn đi về bình yên nhất trong trái tim mỗi thành viên trong gia đình.
Khu vườn của ông nội Trần có tên "Sân nhỏ yên tĩnh" và được cư dân mạng rất yêu thích. Sống ở vùng nông thôn tại vùng núi Trùng Khánh (Trung Quốc), ông nội Trần đã tận dụng tất cả mọi thứ bỏ đi, từ những chiếc lọ vỡ, bát nứt đến nồi cơm điện hỏng để làm nơi trồng hoa. Ngôi nhà xinh đẹp có hoa nở quanh năm theo mùa. Ngoài khu vườn nhỏ, ông nội còn làm cả "khu vườn lớn". Đứng trong sân, những gì bạn có thể nhìn thấy hàng ngày là khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng ở đối diện.
Đã hơn 40 năm gắn bó với cuộc sống núi rừng, hiện tại ba thế hệ cùng nhau sinh sống dưới mái nhà xinh đẹp của ông nội Trần. Mấy năm nay, cả nhà cùng nhau cải tạo sân nhà, bếp và những nơi khác trong nhà để trở thành nơi chữa lành "to đùng" cho gia đình. Chính vì thế, các anh em đi học hoặc đi làm xa cũng trở về nhà thường xuyên hơn.
"Khu vườn thần tiên" của ông nội
Cảnh quan vùng núi Trùng Khánh vốn không bằng phẳng, từ đường chính đi vào, bạn chỉ có thể mơ hồ nhìn thấy một sườn núi bằng đá và những cọc tre xanh. Nhưng khi lại gần, bước lên những bậc đá hẹp có hoa cẩm tú cầu mọc hai bên, bạn sẽ chợt nhận ra: Ở đây, hoa nở quanh nhà, nơi đầy nắng hay nơi khuất bóng cây cũng đều tràn ngập các loại hoa.
Trần Đình Đình chia sẻ: "Nói đúng ra thì khu vườn có diện tích không lớn, chỉ tầm 60m2, nhưng chúng tôi thích ngắm nhìn cảnh núi non đối diện và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên trong khu vườn nhà mà bố tôi đã dày công chăm sóc. Mặc dù làm việc trên thành phố, nhưng vợ chồng tôi đã trở về nhà thăm ông bà thường xuyên hơn".
Hoa ngoài sân lúc nào cũng nở rộ theo các mùa trong năm. Đầu xuân có hoa tulip, hoa thuỷ tiên vàng, liễu tuyết và ba cây hoa trà cao lớn được ông nội trồng cách đây hơn 40 năm. Từ cuối xuân đến đầu hè, giữa hè tràn ngập các loại hoa hồng. Bạn có thể nhìn thấy con đường ngập hoa cẩm tú cầu màu xanh vào mùa thu, ngôi nhà được bao phủ bởi những bông hoa cúc màu hồng và trắng. Sau khi hoa cúc nở xong, chúng bước vào một thời kỳ ngủ đông ngắn ngủi, chẳng mấy chốc mùa đông chuyển sang mùa xuân và một năm nữa lại đến.
Những cây hoa trà này đã trồng được 40 năm, mỗi mùa đều khoe sắc.
Cách đây 40 năm, một người bạn đã cho ông nội một nhánh nhỏ. Ông đã cẩn thận trồng nó cùng với 2 cây nữa. Từ đó về sau, hoa trà nở rộ ngoài sân từ mùa đông đến mùa xuân hàng năm sau tháng 12 âm lịch. Vào mùa hoa nở, hoa rụng tích tụ thành lớp dày dưới tán cây. Ông nội rất thích những cây hoa trà này và lúc đầu không muốn quét chúng. Khi chúng dồn quá nhiều mới quét ra vườn, phân hủy về đất mẹ rồi lại bắt đầu vòng quay mới.
Ông nội Trần thường hay lên rừng hái hoa về nhà trang trí.
Ông nội thường xuyên lên núi đối diện nhà để khám phá. Ông thích cắm hoa nhưng không nỡ cắt hoa ngoài sân vì vậy ông nội lên núi để "hái" chúng. Ông cũng chẳng có kỹ thuật cắm hoa siêu đẳng mà chỉ dựa vào sự yêu thích và kinh nghiệm. Ông nội Trần chia sẻ: "Mặc dù cắm tùy ý nhưng cũng cần chú ý đến một số đường nét để tạo hiệu ứng ba chiều, giống như tôi chọn một cây nho kim cương trên núi, rễ của nó mọc quanh co giống như một bức tranh hội họa truyền thống. Ngoài ra, còn có lá và dấu vết côn trùng cắn. Tôi nghĩ nó rất đẹp và có hình dáng tự nhiên".
Khu vườn trồng hoa và mảnh vườn nhỏ trồng rau nằm cạnh nhau, giờ đây được trồng đầy đậu xanh, đậu đũa, cà tím và ớt. Ông nội Trần cho biết: "Làm nông dân cả đời, dù không trồng hoa thì cũng phải trồng rau". Vì vậy, ngoài hoa, trong sân luôn có nhiều loại rau theo mùa nhất để ăn quanh năm.
Gần đây, cả nhà đã thuê một mảnh đất trồng rau mới trên núi và "nông nghiệp" trở thành một chủ đề quan trọng hơn của gia đình ông nội Trần. Cuộc trò chuyện hàng ngày trong bữa cơm cũng chuyển sag "Giống khoai lang XX rất ngọt, mua thử ít giống trồng xem thử như thế nào".
"Nhà ở nông thôn cũng cần đẹp"
Năm 1981, ông nội Trần xin làm nhà đất và xây một ngôi nhà tường bằng bùn. Sau ba mươi năm sống ở đó, ngôi nhà bằng bùn xuất hiện những vết nứt và hư hỏng, gia đình đã phá bỏ và xây lại, xây một ngôi nhà gạch đỏ. Nhà ở lưng chừng núi, không có phương tiện di chuyển đến đó. Mọi vật liệu xây dựng dù là gạch, xi măng hay sắt thép đều phải được cả nhà chở lên ngựa rồi xếp gọn gàng.
Từ bản vẽ thiết kế đến thi công tận tay, mọi thứ đều được ông nội cẩn thận thực hiện.
Ngôi nhà gạch đỏ trông có vẻ độc đáo ở miền núi nên nhiều người đồn đoán liệu ông nội có từng du học, học thiết kế kiến trúc,... Trên thực tế, không phải vậy. Đình Đình cho biết: "Không ai trong gia đình chúng tôi học thiết kế kiến trúc, nhưng chúng tôi đã nghĩ về kiểu nhà mà chúng tôi mong muốn từ lâu. Lý do bố tôi chọn gạch đỏ là vì nhà được bao quanh bởi núi rừng, và chúng tôi không muốn Khi xây một ngôi nhà bằng bê tông cốt thép lại ảnh hưởng vi phạm môi trường tự nhiên. Gạch đỏ không tốn kém và có thể được sử dụng. Chúng tôi giữ lại kết cấu của gạch đỏ, làm các khớp nối sao cho hài hòa với môi trường tự nhiên".
Những năm gần đây, họ đã cải tạo lại ngôi nhà gạch đỏ. Dù không có chuyên gia và cũng không thuê đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp do kinh phí hạn chế nhưng cả gia đình đều tham gia theo nhu cầu riêng. Họ tự vẽ bản vẽ thiết kế mà "chỉ có họ mới hiểu được". Sau đó, họ dùng gạch xây dựng thêm để đảm bảo không có sai sót.
Căn bếp ở nông thôn cũng rất rộng rãi, sáng sủa, trở thành nơi nuôi dưỡng tình cảm gia đình.
Việc cải tạo nhà bếp là một điểm mấu chốt. Những ngôi nhà bếp bằng đất ở vùng nông thôn thường có ánh sáng kém và dễ trông bẩn, vì vậy họ tăng cường chiếu sáng trong tất cả các phòng. Bức tường ban đầu rất đen do bị hun khói. Họ liên tục sử dụng bột trét tường bên ngoài và thêm xi măng để làm cho lớp nền đặc biệt chắc chắn, sau đó sơn nó bằng lớp sơn phủ ngoài. Bếp củi nên có nhiều khói hơn nên việc vệ sinh sẽ dễ dàng hơn.
Người thợ sơn đến giúp hỏi, tại sao lại phải sơn tường trắng như vậy vì dù sao đây cũng là một căn bếp ở nông thôn? Nhưng bếp thực chất là không gian trung tâm, nơi gia đình gắn kết sinh hoạt và giao tiếp. Đó là chất keo tình cảm. Dù ở nông thôn hay thành phố, căn bếp cũng cần được chăm sóc các chi tiết nhỏ. Bởi với gia đình ông nội Trần, thời gian cả nhà quây quần bên bàn ăn nhiều hơn ở phòng khách.
Ông nội Trần cải tạo và sửa sang tầng áp mái làm nơi vui chơi cho cháu trai.
Ngôi nhà chữa lành của ông nội Trần đặc biệt chú ý đến tầng áp mái. Căn gác mái bị bỏ hoang từ lâu và đầy bụi bẩn, đồ đạc cũ. Vào mùa hè, trời cực kỳ nóng và ngột ngạt. Gia đình ông đã làm lại trần bằng tấm gỗ cũ, mở thêm 3 cửa sổ trong phòng để tăng cường ánh sáng lẫn thông gió. Ông nội Trần đã rất thích thú trong lần cải tạo nhà vừa qua đã giữ được cửa sổ hình tròn trên bức tường ban đầu dành cho cháu mình: "Thằng bé thích căn gác xép, sau khi cải tạo thành phòng chơi của riêng nó. Mỗi lần về tới nhà nó đặc biệt thích chạy lên lầu".
"Lao động tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn"
Cách đây vài năm, bà nội lâm bệnh và có phần đa cảm mỗi khi phải chia tay các con khi đi làm xa. Kết quả là con trai và con dâu ông bà quay lại thường xuyên hơn. Đó cũng là lý do cả gia đình chung tay cải tạo ngôi nhà thành không gian sống phù hợp với 3 thế hệ.
Vì là sửa nhà nên họ không vội vàng mà tự mình làm nhiều việc, từng chút một. Ông nội đã ngủ dưới gốc cây hoa trà suốt bốn tháng trong khi cải tạo không gian ở tầng dưới. Một lần, Đình Đình đi công tác hơn một tháng, cô phát hiện ra rằng bố cô đã dẫn hàng xóm của cô đến cùng sửa nhà.
Cả nhà quây quần bên nhau xem lại những bức ảnh cùng chụp hay hình ảnh ông bà cùng nhau tước măng vừa hái được trên núi về là những hình ảnh rất đỗi bình dị và êm đềm.
Tình yêu cuộc sống của ông bà đã khắc sâu vào xương tủy của họ. Họ đã sống ở đây hàng chục năm, nền nhà gần như không bao giờ dính bụi, trong và ngoài nhà luôn sạch sẽ ngăn nắp. Dù ông nội đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn tìm việc để làm mọi lúc mọi nơi. Ông luôn bận rộn sơn những chiếc bàn gỗ trong sân, hoặc làm tổ cho chim én bằng những sợi dây ông nhặt được... Chim én đến nghỉ ngơi vào buổi tối, điều này được người dân coi là điềm tốt. "Cháu trai tôi đang học tiểu học cũng rất thích lên núi hái hoa và hái nấm. Nó theo ông nội đi tìm cắm hoa; mùa thu, cùng cùng tôi rung hoa quế trong sân. Đôi khi, nó cũng tự hào nói với những đứa trẻ khác rằng: "Tớ là người nông thôn"".
Con trai ông Trần cũng hớn hở chia sẻ: "Khi về tới nhà, có cơm ngon bố mẹ nấu, ăn được 2 bát cơm, dù trong đầu có bao nhiêu việc, bao nhiêu áp lực, về đến nhà ngắm mây trời, cảm nhận gió chiều, nhìn hoa nở khắp nhà, nghe tiếng chim hót líu lo mỗi ngày đánh thức bạn dậy là một điều vô cùng tuyệt vời".
Cháu trai rất thích cùng ông nội Trần lên núi và hái hoa quế khi đến mùa.
Ngày nay, các vùng nông thôn không còn như xưa nữa, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện. Chỉ cần bạn chịu khó nghĩ đến việc tạo ra một không gian tiện nghi hơn và phù hợp hơn để sử dụng, bạn thực sự không cần phải chi nhiều tiền vào việc cải tạo nhà cửa.
Ông nội Trần cũng kể rằng, đứa nhỏ trong nhà từng viết một bài văn khiến ông rất ấn tượng. Nội dung chủ yếu nói về việc cải tạo khoảng sân nhỏ này và sự khéo léo trong việc tận dụng những chiếc lon, đồ dùng vỡ thành đồ dùng trồng hoa. Cuối bài văn đó có câu "Lao động tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn". "Đây cũng là quan điểm lâu nay của chúng tôi, bạn cần phải tự mình làm thì mới có thể đạt được điều mình mong muốn và hoàn thành được điều mình muốn thể hiện".
Những hình ảnh tuyệt đẹp ở không gian chữa lành "to đùng" của ông nội Trần là một xu hướng an dưỡng tuổi già nhiều người mong ước: Một gia đình yêu thương cuộc sống, một tổ ấm tươi đẹp là kết quả của sự nỗ lực chung của mọi người.