Vườn cò Bằng Lăng ở Cần Thơ từ mấy chục năm qua đã là nơi quy tụ và sinh sống của hàng vạn con cò. Năm này qua năm khác, người dân đã quá quen thuộc với cảnh tượng hàng vạn chú cò sải cánh bay lượn trắng muốt cả một vùng trời nơi đây.
Được biết chủ nhân của vườn cò này là vợ chồng bà Hoa, đã "bén duyên" với những chú cò tại nơi đây hơn 40 năm qua.
Hơn 40 năm đi làm mướn dành dụm vốn liếng để nuôi cò
Trò truyện với chủ kênh Độc lạ Bình Dương, bà Hoa chia sẻ, đàn cò bắt đầu quy tụ tại vườn nhà bà vào năm 1983. Khi đó hai vợ chồng bà Hoa dành dụm tiền mua được mảnh đất nhỏ để trồng cây, làm kinh tế. Chỉ một thời gian ngắn sau đó là đàn cò kéo về khu đất nhà bà Hoa sinh sống.
(Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
Lúc đầu hai ông bà đuổi không cho cò làm tổ ở vườn, nhưng đàn cò đi rồi lại về với số lượng đông gấp đôi. Người ngoài cũng săn bắn nhiều nhưng cò từ nơi khác vẫn bay về vườn nhà ông bà sinh sống.
(Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
(Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
Theo bà Hoa, trước đây bà mua được hơn chục công đất (1 công hay 1 sào đất Nam Bộ là 1000m2), sau này mua thêm được gần 20 công đất (ước tính khoảng 20.000m2), tất cả đều dành cho cò ở. Hai ông bà định mua đất để trồng cây, trồng lúa lo kinh tế nuôi 9 người con, nhưng cuối cùng lại dành hết đất và vườn làm nơi cư ngụ cho cò. Suốt 40 năm qua, vợ chồng bà đi làm mướn để có tiền trang trải cho gia đình và chăm sóc đàn cò.
Bà Hoa, chủ vườn cò Bằng Lăng (Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
"Cò chúa" hơn 20 năm tuổi, có người trả 20 triệu mà không bán
20 năm trước, trong một lần bà Hoa ra vườn nhặt những chú cò con bị rơi khỏi tổ về nhà chăm bẵm, bà bắt gặp một giống cò lạ trong vườn. Một chú cò lông màu xanh thẫm, đầu bị trụi lông, nhìn tướng tá gai góc chứ không trắng muốt như các giống cò thông thường khác. Bà Hoa mang về nuôi và đặt tên là "Cò Sói".
Con cò Sói của bà Hoa (Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
Bà Hoa cũng không biết cò Sói thuộc giống gì, chỉ biết chú cò này cũng thuộc loại hiếm vì sự khác biệt của nó so với phần còn lại. Người dân nơi đây cũng coi chú cò Sói này là "cò chúa" của vườn cò Bằng Lăng vì nó đã cao tuổi.
(Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương)
Bà Hoa kể lại, khoảng 5 năm trước, có một vị khách người nước ngoài đến thăm thú vườn cò và ngỏ ý muốn mua con cò Sói này với giá 20 triệu. Bà Hoa không bán vì sợ họ mua xong thả cò Sói đi, rồi người khác bắt mất, nó lại khó sống nên bà vẫn nhất định giữ lại để nuôi. Thỉnh thoảng bà có thả cò Sói ra, nhưng nó chỉ đi vòng quanh sân rồi lại tự vào chuồng.
Điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ
Hiện tại khu vườn cò của bà Hoa là một điểm đến tham quan của rất nhiều du khách khi đến Cần Thơ. Ngoài vườn cò rộng hơn 20 công đất, bà Hoa còn dựng một căn chòi 3 tầng để du khách có thể thuận tiện ngắm vườn cò.
Vườn cò Bằng Lăng cách TP Cần Thơ khoảng 60km, đi theo Quốc lộ 91, qua khỏi huyện Ô Môn, đến huyện Thốt Nốt, rồi đến Cầu Bằng Lăng, qua khỏi cầu quẹo trái vào, đường này chỉ có xe 2 bánh đi vào được thôi.
Nếu nước lớn đi bằng ghe, tàu, còn nước nhỏ không đi được bằng đường thủy có thể đi vào bằng xe gắn máy (ở đây có phục vụ xe), hoặc đi xe đạp hay đi bộ khoảng 2km là tới nơi. Đoạn đường đi vào nhỏ hai bên là hai hàng tre xanh thẳm rợp bóng mát, vừa đi vừa cảm nhận được cái không khí miền quê thanh bình và yên ả.
Theo Cổng thông tin du lịch Cần Thơ, ở Vườn cò Bằng Lăng có rất nhiều loại cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen. Một con nặng chừng 400 đến 500gr. Giống này chiếm khoảng 80%.
Thời gian tham quan thích hợp nhất là lúc 6h-7h sáng từng đàn cò rời khỏi những ngọn cây bay trắng cả một vùng tỏa đi khắp nơi và đến chiều khoảng 17h-18h chúng lại bay về tổ làm xáo động cả khu vườn.
Vườn c bóng mát vừa đi vò Bằng Lăng là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích tìm hiểu về thiên nhiên, thích khung cảnh một vùng quê thanh bình với đồng lúa, vườn tre, vườn trúc xanh mướt với cánh cò bay lả. Giá vé vào cửa vườn cò Bằng Lăng là 20.000 đồng/người.