Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách "Thời gian thông minh" (Time Smart), Ashley Whillans, đã phát hiện ra rằng việc coi trọng thời gian hơn tiền bạc mới thực sự là chìa khóa mang lại hạnh phúc.
Whillans và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát trên 1.000 sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Sinh viên là đối tượng “tiềm năng” bởi họ đang đứng trước bước ngoặt cuộc đời, xu hướng ưu tiên thời gian hay tiền bạc có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp và sự hạnh phúc của họ về lâu dài trong tương lai.
Họ chia ra 1.000 sinh viên ra làm 2 nhóm, một nhóm là sinh viên mới tốt nghiệp (T1), và nhóm hai là sinh viên một năm sau tốt nghiệp (T2). Đội ngũ nghiên cứu dự đoán là sinh viên “coi trọng thời gian hơn tiền bạc” ở nhóm T1 sẽ hạnh phúc hơn nhóm “coi trọng thời gian hơn tiền bạc” ở nhóm T2 do họ thực sự có nhiều thời gian rảnh hơn để tham gia hoạt động giao lưu. Và kết quả đúng như dự đoán.
Các nhà nghiên cứu đã tính đến nhiều yếu tố trong quá trình thiết lập nghiên cứu, gồm khác biệt giới tính, tình trạng kinh tế xã hội và mức độ hạnh phúc sẵn có. Họ không bỏ qua các yếu tố tiềm ẩn nào. Sau nghiên cứu, các chỉ số này không có thay đổi đáng kể, củng cố một kết luận là nhiều tiền hơn chưa chắc mang lại hạnh phúc, nhưng có thêm thời gian thì chắc chắn có thể.
Từ kết quả của nghiên cứu, Whillans còn rút ra 5 biện pháp tận dụng thời gian một cách đơn giản mà tất cả chúng ta có thể thực hiện được để có một cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa và ít căng thẳng hơn.
1. Sắp xếp lịch trình cho những công việc vặt
Nếu bạn đang có 5 phút rảnh rỗi hiếm hoi giữa hàng tá các công việc quan trọng, hãy dành nó để sắp xếp lại những công việc lặt vặt mà bạn cần phải hoàn thành và đánh dấu chúng theo thứ tự thời gian.
Theo Whillans, hành vi lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động sẽ giúp mọi người giảm bớt sự trì hoãn và căng thẳng. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy choáng ngợp bởi khối lượng khổng lồ những việc phải làm, thế nhưng nếu ta chia chúng thành các bước nhỏ có thể thực hiện dần, sự choáng ngợp đó sẽ không còn nữa.
2. Nhắn tin cho ai đó quan trọng với bạn
Trong trường hợp không muốn sắp xếp công việc, một lựa chọn khác hợp lý sẽ là nhắn tin cho ai đó quan trọng mà bạn đã không nói chuyện trong thời gian dài.
Nghiên cứu Harvard chỉ ra điều quan trọng nhất khiến con người hạnh phúc, nhưng chúng ta lại làm điều ngược lại
Bạn có thể gửi cho họ một vài bức ảnh thật vui nhộn, ảnh về thú cưng hoặc một vài kỷ niệm thú vị mà bạn đã trải qua. Một trong những lợi ích của việc tham gia các hoạt động xã hội là chúng ta có được những ký ức đẹp đẽ để hồi tưởng lại, vậy nên hãy cố gắng nhớ đến những trải nghiệm tích cực mà bạn đã làm cùng người kia thông qua các hình ảnh hoặc video ngắn.
3. Kiểm tra số ngày nghỉ còn lại
Việc biết trước còn bao nhiêu ngày nghỉ và những hoạt động có thể làm trong ngày nghỉ đó sẽ giúp chúng ta có thêm động lực để hoàn thành công việc và tận hưởng kỳ nghỉ trong tương lai.
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, 75% người Mỹ đã không tận dụng hết thời gian nghỉ phép của mình, và đây rõ ràng không phải là một quyết định chính xác. Trên thực tế, chúng ta có thể hình dung và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ sắp tới như một cách để tạm ngắt kết nối với công việc bận rộn. Điều này sẽ hỗ trợ cải thiện mức độ hạnh phúc và giảm thiểu căng thẳng rất tốt.
4. Xem các video thư giãn về thiên nhiên
Trong trường hợp có nhiều thời gian rảnh hơn, Whillans khuyên mọi người nên xem các video thiên nhiên thư giãn trên internet.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 của Đại học California, những người đã xem nội dung từ "Planet Earth II" - một loạt phim của BBC về động vật hoang dã - cảm thấy hài lòng, vui vẻ và thích thú hơn so với những người không xem. Từ đó có thể rút ra được rằng các video này có chức năng làm giảm cảm giác mệt mỏi, tức giận và căng thẳng.
5. Viết nhật ký
Theo nghiên cứu của trường Đại học Rochester, viết nhật ký là một cách để "kiểm soát cảm xúc của con người". Hoạt động này có thể giúp kiểm soát sự lo lắng, làm giảm căng thẳng và ngăn chặn mầm mống của chứng trầm cảm.
Chưa hết, viết nhật ký cũng giúp mọi người cảm thấy tốt hơn vì thông qua đó, ta có thể thấy rõ thứ tự ưu tiên của các vấn đề, đồng thời nhìn lại những gì bản thân đã trải qua để rút ra đâu là yếu tố khiến cảm xúc của mình thay đổi và những suy nghĩ tiêu cực nào đang tồn tại trong đầu.
Nhìn chung, trợ lý giáo sư Whillans tin rằng việc quản lý thời gian của bản thân ảnh hưởng đến sự hạnh phúc nhiều hơn những gì mà mọi người vẫn nghĩ. Không phải chỉ những quyết định lớn như nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác sống mới đem lại cảm giác vui vẻ. Đôi khi, chỉ cần thực hiện những hoạt động nhỏ như thế này thôi cũng đủ khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn.