Gan ngỗng béo (foie gras) được biết đến là món ăn tinh tế, đẳng cấp và là niềm tự hào của ẩm thực Pháp. Món ăn này thường được phục vụ ở các nhà hàng cao cấp, xuất hiện trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất thế giới.
Trong tiếng Pháp, “foie gras” có nghĩa là gan béo. Phần gan này không lấy từ ngỗng bình thường mà phải từ những con ngỗng đực được vỗ béo. Tuy nhiên ngày nay người ta có thể dùng cả gan ngỗng hoặc vịt đực.
Gan ngỗng vỗ béo mang hương vị thanh tao, béo nhẹ, kết cấu mềm mịn như lụa thay vì đặc ngấy, khô cứng như gan thông thường. Cùng với đó, Foie gras đòi hỏi người đầu bếp phải có kỹ thuật chế biến cao mới có thể làm ra món ăn xứng tầm hương vị.
Người ta thường áp chảo gan ngỗng béo tươi hoặc làm patê, ăn cùng bánh mì lát sấy khô, thêm hoa quả chua ngọt kích thích vị giác.
Những bộ gan ngỗng béo ngậy là nguyên liệu để chế biến các món ăn cao cấp. Ảnh: Newsweek.
Tuy nhiên để có vị béo "danh bất hư truyền" đó, những con ngỗng được nuôi để lấy gan phải trải qua khoảng thời gian kinh hoàng.
Sự tàn khốc trước tiên đến từ cách người ta vỗ béo ngỗng. Để có miếng gan béo, 3 lần một ngày, người nuôi banh miệng, cắm ống thức ăn vào cổ họng ngỗng đực để đổ hơn 2kg hạt ngũ cốc mỗi lần ép chúng ăn.
Việc ép ăn khiến gan của những con ngỗng này phình ra gấp 10 lần kích thước bình thường. Nhiều con gặp khó khăn trong việc đứng bởi phần gan căng cứng làm bụng của chúng biến dạng. Chưa kể, cân nặng quá lớn sẽ gây căng thẳng, khiến ngỗng "điên cuồng" rỉa lông thậm chí tấn công lẫn nhau.
Những con ngỗng tội nghiệp bị nhốt trong các lồng nhỏ, chen chúc chỉ đủ chỗ cựa quậy mình. Chúng cũng không được tắm rửa bằng cách vầy nước như tập tính vốn có nên cơ thể bị bao phủ bởi một lớp dầu - vốn là thứ giữ cho bộ lông của ngỗng không thấm nước.
Một phóng viên của Newsweek đã có cơ hội đến thăm trang trại của một nhà máy gan ngỗng, mô tả những con ngỗng trông "bơ phờ" và "thường bị què vì nhiễm trùng chân do đứng trên tấm lưới kim loại trong chuồng nuôi".
Các vấn đề sức khỏe phổ biến khác là tổn thương thực quản, nhiễm nấm, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan, căng thẳng do nhiệt, tổn thương và gãy xương ức. Một số con chết vì viêm phổi hoặc nghẹn khi nuốt hạt.
Với điều kiện vệ sinh kém, chế độ ăn "tàn nhẫn" mà lại không được "thư giãn" như bản năng vốn có nên những chú ngỗng này càng căng thẳng hơn. Và hệ quả là chúng... càng vẫy vùng, tự làm tổn thương bản thân mình hơn.
Theo nhiều nghiên cứu, những con ngỗng vỗ béo có tỉ lệ chết cao gấp 20 lần so với ngỗng không bị ép ăn.
Bên cạnh đó, vì gan ngỗng chỉ được làm từ gan của những con đực, nên ngỗng cái trở nên vô dụng đối với ngành công nghiệp này. Ước tính mỗi năm ở Pháp, có hơn 40 triệu con ngỗng cái bị ném vào máy xay sống làm phân bón hoặc thức ăn cho mèo.
Theo tổ chức bảo vệ động vật Farm Sanctuary, nước Pháp sản xuất và tiêu thụ 75% món Foie gras trên thế giới, tương đương khoảng 24 triệu con vịt và nửa triệu con ngỗng mỗi năm. Mỹ và Canada cũng tra tấn khoảng 500.000 con mỗi năm để làm món Foie gras.
Một cuộc điều tra của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA tại Hudson Valley Foie Gras ở New York cho thấy, một công nhân sẽ ép 500 con ngỗng ăn mỗi ngày. Con số đó cho thấy họ thường đối xử thô bạo với những con ngỗng và khiến chúng bị thương, đau đớn. Nhiều con bị chết vì nội tạng bị vỡ do bị cho ăn quá nhiều.
Một công nhân nói với điều tra viên của PETA rằng, anh ta có thể sờ thấy những cục giống như khối u do bị ép ăn trong cổ họng của một số con ngỗng. Nhiều con thì bị vết thương ở cổ do giòi cắn nghiêm trọng đến nỗi nước tràn ra ngoài khi chúng uống.
Một cuộc điều tra khác của PETA tại Thung lũng Hudson vào năm 2013 còn tiết lộ, trước thời kỳ ép ăn, hàng nghìn con ngỗng con đã bị nhồi nhét vào những cái chuồng giống như nhà kho.
Điều tra viên của PETA đã thấy các công nhân kéo cổ ngỗng dọc theo sàn và kẹp chúng vào giữa hai chân trước khi cho các ống dẫn truyền bằng kim loại xuống cổ họng của chúng.
Theo tính toán của Thung lũng Hudson, hằng năm, có khoảng 15.000 con ngỗng trong trang trại chết trước khi được giết mổ. Mỗi tuần, có tới 5.000 lá gan được lấy từ ngỗng chết bệnh.
Quy trình sản xuất gan ngỗng tàn nhẫn đến nỗi năm 2012, bang California (Mỹ) chính thức ban hành luật cấm bán và tiêu thụ Foie gras.
Việc vỗ béo tàn nhẫn cũng bị coi là phạm pháp tại các nước như Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Australia, Ấn Độ, Isarel, Italy, Luxembourg, Nauy, Phần Lan, Nam Phi, Thụy Điển.
Trong khi các tổ chức bảo vệ động vật hoan nghênh các lệnh cấm, giới đầu bếp lại ra sức bảo vệ sự phát triển của ẩm thực - cụ thể là món gan ngỗng vỗ béo. Cuộc chiến giữa một bên là nhà bảo vệ quyền lợi động vật, một bên là giới đầu bếp là cuộc chiến có lẽ sẽ khó có hồi kết.
Theo Người Đưa Tin