Từ ngày 23.8 khi TP.HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP.HCM được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện hỗ trợ.
Bản tin Covid-19 ngày 23.8: Cả nước 10.397 ca mới, TP.HCM ngày đầu tiên trong 2 tuần quyết định |
Chia gói "combo" để người dân dễ chọn
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND P.Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM cho hay, việc “đi chợ hộ” đã được phường triển khai trước đó. Từ ngày 23.8, thực hiện chỉ thị của thành phố khi tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, phường đã tăng cường lực lượng thêm 3 lần để hỗ trợ người dân mua lương thực thực phẩm. Ban chỉ đạo đã giao Đoàn Thanh niên hỗ trợ người dân, thành lập 10 tổ đi mua hàng, phân đến các khu phố để mua giúp bà con.
“Khi người dân đăng ký mua hàng sẽ có các gói “combo” các mặt hàng cần mua, giá đã được chúng tôi liên hệ với siêu thị từ trước. Mỗi “combo” có giá từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn. Sau khi đăng ký, người dân sẽ đợi và có đội giao hàng mang đến tận nhà”, ông Hưng cho biết.
Các “combo” rau củ, thịt cá… cho người dân lựa chọn ẢNH: ĐTN CUNG CẤP |
Rau củ, thực phẩm mà người dân nhận giống với hàng đăng ký ẢNH: ĐTN CUNG CẤP |
Ngoài việc “đi chợ hộ”, P.Linh Trung cũng thành lập 3 điểm an sinh xã hội khẩn cấp. Mỗi điểm sẽ công khai số điện thoại, có người trực, người vận chuyển. Mỗi suất từ gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá khoảng 300.000 đồng gồm có gạo, dầu ăn, nước mắm, ngũ cốc, bột ngọt…
Bộ đội chốt đơn, đi giao hàng tận nhà cho bà con Sài Gòn yên tâm chống dịch |
“Không kể thuộc đối tượng nào, nguời dân khi có nhu cầu sẽ gọi điện đăng ký, ghi tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Phường sẽ phối hợp với công an khu vực để xác minh, nếu chính xác sẽ trao tận tay cho người dân. Những gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn không cần gọi đăng ký chúng tôi cũng mang đến tận nhà trao tặng họ”, ông Hưng cho hay.
Chị Trần Hải Yến (Bí thư Đoàn P.Linh Trung, TP Thủ Đức), cho hay, Đoàn phường sẽ đảm nhận nhiệm vụ “đi chợ hộ” cho người dân. Trước đó, Đoàn phường đã thực hiện việc này cho người dân ở những khu phong toả, những người trong vùng có ca nhiễm nhưng từ 23.8 sẽ thực hiện với quy mô lớn hơn, tăng hình thức nhận đơn của người dân.
“Người dân sẽ đăng ký qua Fanpage của Đoàn thanh niên, điền bằng biểu mẫu có sẵn khung về họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người dân, số lượng cần mua hàng. Người dân sẽ đăng ký đơn hàng trong khung giờ từ 8 - 12 giờ, tránh việc quá tải các đơn hàng”, chị Yến cho biết.
Để thuận tiện, Đoàn Thanh niên đã chia các gói mua hàng như: combo rau, thịt cá, thực phẩm khô, gia vị nấu bếp, chăm sóc cá nhân… Mỗi lần đăng ký mua, người dân được chọn 2 “combo” và được hỗ trợ 2 lần mua/tuần.
Chị Thủy Tiên vui mừng sau khi nhận hàng từ tổ “đi chợ hộ” ẢNH: ĐTN CUNG CẤP |
“Khi chúng tôi nhận đơn sẽ ghi lại thông tin của người dân để nắm được những ai đã đặt 2 lần/tuần. Nếu đặt lần thứ 3 sẽ hẹn qua tuần sau vì để người khác nữa. Các gói mua hàng chúng tôi sẽ tạm thời để trong 1 tuần, sau khi nhận được phản hồi từ người dân sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp hơn. Chúng tôi sẽ chia ra các tổ có tổ nhận đơn, đi chợ, giao hàng cho mọi người. Sau khi đăng ký, người dân sẽ chuyển khoản trước, giá đã được liên hệ trước với siêu thị có thể thay đổi từng ngày. Nếu trong “combo” người dân cần đổi sẽ có thể thay đổi sang món khác, ngang giá nhau. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiệt tình với mong muốn người dân an tâm ở nhà chống dịch”, chị Hải Yến nói.
“Thật sự rất biết ơn đội đã đi chợ mua giúp mình”
Chị Hồ Thủy Tiên (25 tuổi, ở P.Linh Trung) cho biết, chị đã 3 lần nhờ bên Phường “đi chợ hộ” mua lương thực, thực phẩm. Trưa hôm trước chị đăng giờ đăng ký mua, 9 giờ sáng hôm sau đã nhận được hàng. Việc đăng ký cũng đơn giản, không có gì khó khăn và sẽ chuyển khoản trước khi nhận hàng.
Người dân P.Linh Trung sẽ được mua 2 lần/tuần, mỗi lần 2 combo ẢNH: ĐTN CUNG CẤP |
“Tôi vào quét mã QR để nhập thông tin, lượng hàng cần mua. Nếu họ thắc mắc sẽ gọi xác nhận. Trong quá trình mua nếu không có hàng ưng ý, họ sẽ gọi lại chứ không tự ý đổi sang món khác. Tôi chuyển khoản trước, nếu có tiền dư họ để trong phong bì rồi gửi trả lại kèm theo túi hàng còn thiếu tôi sẽ chuyển khoản thêm khi có hóa đơn siêu thị đã mua so với giá đăng ký trước đó”, chị Tiên cho hay.
Cũng theo chị Tiên, chị thường mua trước để tránh tình trạng nhà hết sạch đồ ăn, thực phẩm. Chị thường xuyên ở nhà để đảm bảo an toàn nên cảm thấy rất mừng khi có phường hỗ trợ đi mua hàng vào những ngày này.
“Giá khi đăng ký mua qua phường cũng giống như ở siêu thị, sau họ còn gửi lại hóa đơn thống kê mua hàng. Thật sự rất biết ơn đội đã đi chợ mua giúp mình để đảm bảo đồ ăn, lương thực cho gia đình”, chị Thủy Tiên bày tỏ.
Chị Trần Thị Hà Thu (35 tuổi, làm việc ở P.Linh Trung) cho hay, từ lúc công ty triển khai phương án “3 tại chỗ” chị ở lại khu lưu trú và được hỗ trợ các bữa ăn. Tuy nhiên, không đi ra ngoài mua được đồ nên chị nhờ bên tổ đi chợ của phường mua giúp những mặt hàng thiếu khi sinh hoạt.
“Tôi đăng ký mua một lần rồi chia cho các đồng nghiệp khác. Nhờ “đi chợ hộ” này tôi nhận được đúng 98% những thứ cần mua. Ví dụ nếu tôi muốn mua mì Omachi nhưng không có họ sẽ gọi lại hỏi đổi loại mì khác được không chứ không tự quyết định tự đổi. Trước khi mua sẽ chuyển khoản đặt cọc trước và được giao đến đúng địa chỉ tôi đăng ký nên tôi thấy mô hình này phù hợp giữa mùa dịch”, chị Hà Thu chia sẻ.