Tối 22.8, người dân một số phường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) bất ngờ khi thấy mưa đá xuất hiện. Nhiều người đã đăng lên mạng xã hội các đoạn clip, hình ảnh của hạt mưa đá vì với nhiều người dân Sài Gòn từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ chứng kiến mưa đá, các status và hình ảnh, clip khiến cộng đồng mạng ngạc nhiên.
Đa phần hạt mưa có kích thước gần bằng 1 đốt tay, có những thời điểm hạt mưa đá to tới gần 2 đốt tay. 
screenshot2021-08-22at73235pm_bdij.png

Mưa đá tại TP.HCM vào tối 22.8

Anh H.T (ngụ P.Phước Long B, TP.Thủ Đức) cho biết khoảng hơn 18 giờ thì trời bắt đầu tối sầm và có dấu hiệu mưa. Lúc này anh T. cùng gia đình đang ngồi trong nhà thì nghe mưa rơi lộp độp trên mái tôn với tiếng động lớn. Lúc chạy ra thì phát hiện có mưa đá với những hạt to bằng ngon tay, có hạt to hơn ngón tay cái.
muada_zbmv.jpg

Ảnh mưa đá người dân ở TP.Thủ Đức chụp được

Ảnh người dân cung cấp

Anh T. kể: “Mưa đá xảy ra hơn 5 phút thì chuyển qua mưa bình thường. Hạt mưa rất to nên mọi người cũng lo lắng, may là chỉ xảy ra vài phút. Tôi hơn 30 tuổi nhưng đây cũng là lần đầu tiên thấy mưa đá, bạn bè cùng Q.9 cũ thông báo có mưa đá”.
Tương tự, anh Nguyễn Minh H. (24 tuổi, ngụ P.Linh Trung) cũng cho biết khi trời sập tối đã nghe tiếng lộp bộp từ nóc nhà, lúc chạy ra thì phát hiện mưa đã với số lượng dày đặc. Mọi người xung quanh khi phát hiện mua đá cũng tỏ ra lo lắng vì sợ ảnh hưởng mái tôn.
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đây là cơn mưa đá bất thường ở TP.HCM vì mưa đá hiếm xảy ra ở thời điểm này. Thông thường, các cơn mưa đá sẽ xuất hiện vào đầu hoặc khi kết thúc mùa mưa, tức là đầu tháng 5 - 6 hoặc cuối tháng 10, chứ hiếm khi xảy ra vào tháng 8.

VIDEO: TP.HCM xuất hiện mưa đá - Thực hiện: Đình Sơn

Theo ông Quyết, trong mấy ngày nay áp cao cận nhiệt đới ở biển Đông lấn tây đẩy ẩm ở ngoài biển vào, tạo ra nhiễu động gió đông. Bản chất của áp cao cận nhiệt đới tạo ra nhiệt độ cao. Khi có nhiễu động, không khí có sự xáo trộn lớn sẽ hình thành mưa đá.
"Trong khối không khí có lớp nhiệt độ 0oC, nhưng do sự xáo trộn quá lớn nên đẩy khối không khí qua mực 0oC, tạo thành băng đá giống tủ lạnh, hơi nước đóng băng, rơi xuống tạo thành mưa đá", ông Quyết giải thích. 
muada2_yycp.jpg
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ đầu năm đến nay, mưa đá đã xuất hiện ở Bình Dương, Đồng Nai. Trước đó, thỉnh thoảng khu vực TP.HCM cũng có xuất hiện mưa đá.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022