Một tuần 6 ngày “kết thân” với công việc, với những áp lực cuộc sống, đến cuối tuần, ai cũng muốn được thư giãn, tận hưởng thời gian bên gia đình. Thế nhưng, bạn quá chán việc phải xếp hàng ở trung tâm thương mại, hay khó khăn mới tranh được chỗ ở quán cafe, nhà hàng.
Vậy, tại sao chúng ta không nghĩ sẽ đi xa hơn chút, về vùng ngoại ô Hà Nội, thăm những ngôi làng cổ kính. Ngoài không gian rộng, thanh bình, ở đó nhiều hoạt động để các gia đình, nhóm bạn cùng trải nghiệm.
Làng cổ Đường Lâm
Địa chỉ: Sơn Tây, Hà Nội
Giá vé: 20.000đ/người
Thời gian mở cửa: Cả ngày
Đặc sản: Gà mía, bánh tẻ, kẹo dồi - kẹo lạc, chè lam, tương đỗ
Nếu như phố cổ ở Hà Nội hay Hội An được coi là “bảo tàng đô thị” thì làng cổ Đường Lâm được mệnh danh “bảo tàng đời sống nông thôn”. Qua năm tháng, ở đây vẫn giữ nguyên được những kiến trúc đặc trưng của văn hóa làng quê Bắc Bộ như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình và hơn 900 ngôi nhà truyền thống.
Bạn có thể tới thăm làng cổ Đường Lâm vào bất cứ ngày nào trong năm. Thế nhưng, mùa đẹp nhất có lẽ là từ tháng 5 tới tháng 9. Khi ấy, khắp mọi nẻo quanh làng đều được phủ một tông màu vàng của những cánh đồng lúa chín và rơm rạ khô sau vụ gặt.
Nguồn ảnh: inhanoi_, hathuuuuu_97, metthao_2, myrt.16
Làng cổ Đường Lâm chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, di chuyển tương đối thuận lợi. Bạn có thể tự chạy ô tô, hoặc xe máy theo hướng Đại Lộ Thăng Long hoặc Quốc Lộ 32. Hoặc không, hãy bắt các tuyến bus như 70A, 20B, 67, 87 tới bến xe Sơn Tây, chưa đầy 1 tiếng là tới nơi.
Tại Đường Lâm, bạn có thể đi bộ, thuê xe đạp, hoặc xe điện để thăm một số địa điểm nổi tiếng như: Cổng làng Mông Phụ, chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, nhà cổ ông Thể, bà Lan, bà Điền.
Nguồn ảnh: metthao_2, kyubichann, blogme_navercom
Việt phủ Thành Chương
Địa chỉ: hồ Kèo Cả, xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn
Giá vé: 150.000đ/người lớn, 120.000đ/trẻ em, sinh viên, người trên 65 tuổi.
Thời gian mở cửa: 9 giờ sáng - 5 giờ chiều (kể cả Lễ, Tết)
Nằm yên bình dưới những tán cây xanh mướt, Việt phủ Thành Chương là công trình kiến trúc rộng hơn 8000m2, được cố họa sĩ Thành Chương xây dựng từ năm 2001.
Dù không phải di tích lâu đời nhưng từng viên gạch Bát Tràng, phiến đá, đồ vật ở đây đều được bày trí rất tinh tế, có chủ đích. Đó là ngôi nhà mái cói của dân tộc Mường, ngôi nhà tranh vách đất mộc mạc từng “làm mưa làm gió” từ Nam chí Bắc. Và cả những kiến trúc của triều đình phong kiến nhà Lý, Trần, Nguyễn. Chẳng hề phóng đại khi ví Việt phủ Thành Chương là một bảo tàng văn hóa thu nhỏ.
Nguồn ảnh: mac-huong-pavillion, alex.is.green_, quynhanhbunny
Trong khuôn viên phủ có nhà hàng 2 sao phục vụ các món ăn truyền thống và hệ thống cửa hàng lưu niệm, quán trà, cafe. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các màn múa rối nước ở khu vực nhà hát Long Đình. Từ nội thành Thủ đô, bạn hoàn toàn có thể tới Việt phủ Thành Chương bằng xe máy, ô tô, hoặc các tuyến bus 07,64.
Nguồn ảnh: kateryna_bui, pingu5188, dothimummim, dkotaro88, from_lenka
Thành Cổ Loa
Địa chỉ: xã Cổ Loa, huyện Đông Anh
Giá vé: 10.000/người
Thời gian mở cửa: 6h30 đến 18:00 hằng ngày.
Đặc sản: Cháo trai
Từ trung tâm Hà Nội đi chừng 20km qua cầu Thăng Long, du khách sẽ tới khu di tích lịch sử Cổ Loa. Trải qua nhiều biến động lịch sử, tòa thành đã không còn nguyên vẹn như xưa, song, những dấu tích về công trình xoắn ốc độc đáo thời Âu Lạc vẫn trường tồn với thời gian.
Nguồn ảnh: Doan Bach, akipedia0813000, trangbeo1698
Đến khu di tích thành Cổ Loa, nhất định phải ghé thăm những địa điểm: Loa Thành, đền thờ An Dương Vương, Giếng Ngọc Ngự Triều Di Quy, Am Bà Chúa (thờ Mỵ Châu), đền thờ tướng Cao Lỗ. Bạn cũng có thể mua về những bức tượng mini về các nhân vật trong sự tích Mỵ Châu - Trọng Thủy như vua An Dương Vương, rùa Kim Quy, Cao Lỗ cầm nỏ thần…
Nguồn ảnh: Doan Bach, vnphotoaday, trangbeo1698
Làng gốm Bát Tràng
Địa chỉ: thôn Bát Tràng, huyện Gia Lâm
Giá vé: miễn phí
Thời gian mở cửa: cả ngày
Đặc sản: bánh sắn, chè kho, canh măng mực
Vừa sản xuất, vừa phục vụ du lịch nhưng làng gốm Bát Tràng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc nhất của một làng nghề truyền thống. Đã tới đây, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội hóa thân thành “nghệ nhân”, tự tay nhào nặn, trải nghiệm quy trình làm ra một chiếc bát, chiếc cốc... Thêm nữa, bạn hãy ghé qua nhà Vạn Vân, đình Bát Tràng để chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm sứ có niên đại hàng trăm năm.
Nguồn ảnh: django666, expatvietnam, mayonthecloud_, Thanh Nguyen, sonasiavoyage
Nếu như không muốn di chuyển quá nhiều, du khách có thể mua vé vào Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Tại đây cũng đủ các hoạt động làm gốm, thưởng thức đặc sản, cafe và check-in với tòa nhà bàn xoay hoành tráng mới khai trương cách đây chừng 1 năm.
Ngoài di chuyển bằng ô tô, xe máy hay xe bus, để tới làng gốm Bát Tràng, du khách còn có thể chọn đi tour tàu thủy từ bến sông Hồng.
Nguồn ảnh: Thanh Nguyen, gdbaby1881988, mayonthecloud_, nomad_dazz
Thế đấy, cần tìm đâu xa khi ngay ở Hà Nội đã có những “bảo tàng văn hóa” truyền thống vừa chân thực mà lại vô cùng sống động ở làng cổ Đường Lâm, thành Cổ Loa, Việt phủ Thành Chương hay làng gốm Bát Tràng. Trời thì mát, xăng lại giảm, chần chờ gì nữa, xách ba lô lên và đi ngay thôi.
https://afamily.vn/cuoi-tuan-mat-troi-roi-thanh-pho-ve-chon-thanh-binh-voi-4-dia-diem-vua-than-quen-lai-con-sat-xit-ha-noi-20220813183548702.chn