Sinh ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1992, Hiểu Vy bắt đầu vẽ tranh về cơ thể phụ nữ từ năm 2022, thời điểm ai cũng bị "giam chân" bởi đại dịch. Nhưng điều đặc biệt ở cô không chỉ là những nét vẽ uyển chuyển, mà ở sự lựa chọn: Vẽ chính người mẹ mình, với toàn bộ sự thật về tuổi tác, sự chịu đựng, vết thương và tình yêu.

Vẽ để quan sát, để thấu hiểu, để đứng ở vị trí của một người xa lạ mà nhìn lại người thân yêu nhất đời. Những bức tranh về ngực chảy, vết sẹo sinh mổ, hình ảnh tử cung hay bàn tay dang rộng… hóa ra là cách cô ghi chép lại lịch sử một người phụ nữ - người đã luôn sống vì người khác. Và cũng là cách để cô dọn dẹp, yêu lấy chính mình.
Khoảnh khắc khiến con gái bật khóc: Khi thấy mẹ thay đồ
Hiểu Vy sinh năm 1992 tại Quảng Châu từng làm thiết kế thị giác, nhưng kể từ 2022, cô đặt bút vẽ lại cơ thể phụ nữ như một hành trình cá nhân. Cơ thể trong tranh cô có tử cung, có ngực, có vết sẹo, có sự mềm mại và mạnh mẽ đan xen. Những đường nét toát lên vẻ đẹp không phải của sự hoàn hảo, mà là của sự thật.


Nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất chính là mẹ cô - người phụ nữ từng lái xe buýt, từng bị nhốt trong tủ áo vì mẹ kế, từng sinh con bằng cách vừa sinh thường vừa phải mổ. Một cơ thể từng chịu đựng nhiều đến vậy, lại ít khi được ai đó nhìn bằng ánh mắt dịu dàng. "Tôi vẽ mẹ từ góc nhìn của một người lạ để nhìn thấy bà không chỉ là mẹ, mà còn là một người phụ nữ độc lập, có tự do, có tổn thương và có vẻ đẹp" - Vy nói.
Một lần trở về nhà ở Quảng Châu, Vy vô tình bước vào phòng khi mẹ đang thay đồ. Hình ảnh vòng ngực chảy xệ và vết sẹo lớn trên bụng đã khiến cô nghẹn ngào. Đó không còn là mẹ của ngày thường, mà là một người phụ nữ từng sinh con, từng chịu đau, từng câm lặng. "Tôi chưa từng để ý mẹ đã thay đổi như thế nào. Vai trò làm mẹ dường như đã che lấp đi hình ảnh một người phụ nữ".




Từ khoảnh khắc ấy, những bức tranh ra đời như “Mother & Me”, “soft yet strong”, hay “rose, you can cry”… không phải để ca ngợi, mà để khắc họa.
Mẹ không cần lúc nào cũng phải mạnh mẽ.
Trong một bức tranh mang tên "rose, you can cry", Vy vẽ hình tượng tử cung như một đóa hoa đang nở cũng là một giọt nước mắt đang rơi. Cô viết: "Tôi không muốn mẹ phải luôn kiên cường. Tôi mong mẹ có thể khóc, có thể mềm yếu, có thể thoải mái thể hiện cảm xúc". Sự trần trụi trong tranh không phải để gây sốc. Nó chỉ đơn giản là lời nói thay cho những cảm xúc từng bị nén lại.
Người mẹ ấy đã sống cả đời cho người khác.


Vy kể, mẹ mình sinh ra là con út trong gia đình, luôn bị dạy phải nhường nhịn. Khi lớn lên, mẹ cô lái xe buýt – loại xe nặng và to. Không được phép dừng lại đi vệ sinh, mẹ cô nhịn ăn, nhịn uống trong giờ làm và kết quả là mang trong mình căn bệnh dạ dày mãn tính.

Sau này, mẹ cô lấy chồng để “thoát” khỏi mẹ kế, rồi tiếp tục cuộc sống xoay quanh chồng con. Từ người con gái đến người vợ, rồi thành người mẹ, bà chưa bao giờ sống cho mình. "Tôi không muốn mẹ chỉ là một người phục vụ gia đình. Tôi mong bà đọc sách, đi du lịch, học nhảy Latin… sống như một người phụ nữ đúng nghĩa".
Dù rất yêu mẹ, nhưng Vy cũng không tránh khỏi những xung đột. Mẹ cô từng ngăn cản việc xỏ khuyên tai, xăm hình bởi “thân thể là của cha mẹ”.


Bà cũng luôn muốn làm bạn với con gái, nhưng rồi lại không tránh khỏi việc kiểm soát. "Tôi nhận ra mẹ yêu tôi, nhưng tình yêu đó nhiều khi mang theo cả sự chiếm hữu và áp đặt". Điều đó khiến cô phải học cách vừa trân trọng, vừa giữ khoảng cách, vừa đối thoại và tự bảo vệ.


Cơ thể phụ nữ nào cũng xứng đáng được yêu
Từ tranh về tử cung, bàn tay dang rộng, đến những vết sẹo như ruy băng, Vy đã ghi lại lịch sử cơ thể phụ nữ theo cách đầy cảm xúc. Mỗi bức vẽ là một sự chữa lành, không chỉ cho mẹ, mà còn cho chính cô. "Mẹ từng làm tôi bị bỏng khi chở bằng xe máy. Đó là vết sẹo vật lý. Nhưng vết sẹo tinh thần còn nhiều hơn thế. Và tôi muốn vẽ ra cả hai".

Vy tin rằng mọi dáng hình mập, gầy, cao, thấp đều có lý do để tồn tại. Từng có lúc cô ép mình mặc đồ size S dù xương to. Nhưng giờ đây, cô chọn quần áo size L - XL vì muốn sống thoải mái.


Cô đi xe đạp mỗi ngày, tập Muay Thái 3 lần mỗi tuần, không để bụng phải gồng lên vì quần chật. "Tôi không muốn sống trong sự gò bó. Tôi muốn cơ thể được thở, được tự do. Và tôi luôn nói với mình mỗi khi nhìn vào gương: 'Mày thật khoẻ mạnh, thật tuyệt vời'".