Tết đi qua, để lại trong lòng không ít người lao động một cảm giác hoang mang khi họ bước vào năm mới mà không còn công việc ổn định. Thực tế, làn sóng thất nghiệp trong độ tuổi 30-45 đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam, với nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sự sụt giảm nhu cầu lao động đến biến động kinh tế.

Khi cánh cửa công việc bất ngờ khép lại, nỗi lo cơm áo gạo tiền ập tới ngay sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người lao động quay trở lại thành phố với hy vọng tiếp tục công việc cũ, nhưng lại nhận tin cắt giảm nhân sự hoặc công ty đóng cửa. Với những ai đã gắn bó nhiều năm với một công ty, việc mất việc đột ngột không chỉ là cú sốc tinh thần mà còn kéo theo áp lực tài chính, gia đình và sự nghiệp.

Chị Hoài, 38 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chia sẻ: "Tôi đã làm ở công ty này 7 năm, cứ ngỡ mình sẽ có chỗ đứng vững chắc. Vậy mà sau Tết, công ty thông báo cắt giảm, tôi nằm trong danh sách phải nghỉ. Giờ tôi chưa biết nên bắt đầu lại từ đâu".

iex-cdncom-chatluongvacuocsongvn-files-content-2024-03-09-thatnghieptuoi40-0953-1739862711366516025898.jpg

Nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh mất việc vì chính sách cắt giảm của công ty.

Vì sao nhiều người mất việc? Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp sau Tết là do sự điều chỉnh của doanh nghiệp. Sau một năm kinh tế khó khăn, nhiều công ty buộc phải tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí vận hành. Ngoài ra, sự thay đổi trong xu hướng tuyển dụng cũng khiến nhiều lao động không kịp thích nghi.

Một yếu tố quan trọng khác là sự chuyển dịch mạnh mẽ sang tự động hóa và công nghệ số. Những công việc mang tính lặp lại dễ dàng bị thay thế bởi máy móc và phần mềm, khiến nhóm lao động trung niên, vốn ít kỹ năng công nghệ, dễ bị đào thải hơn.

Dạo một vòng trên mạng xã hội, không khó tìm thấy những bài chia sẻ về cảnh thất nghiệp của những hội chị em trong độ tuổi U40, U50. Dưới đó là không ít các bình luận chia sẻ sự đồng cảm khi của những chị em cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

base64-17398689816571906394306.jpeg

Một tài khoản chia sẻ trên mạng xã hội Threads: "36 tuổi đang thất nghiêp. Mình mới đi phỏng vấn nhưng không biết có pass không nữa. Nhưng thật lòng mình muốn khởi nghiệp. Ở độ tuổi này rồi, mông lung quá mọi người ơi". Dưới bài post, một bình luận tâm sự: "Mình 35 tuổi nè chủ 'thớt'. Có chút vốn muốn khởi nghiệp mà thấy thị trường rủi ro quá nên không dám. Đi làm dù lương thấp nhưng còn đủ bỉm sữa, quần áo cho con".

img3899-1739863190300308170446.jpg

Nhiều người mất việc thường suy nghĩ đến con đường khởi nghiệp nhưng lại đứng trước nhiều rào cản về việc thất bại. Trong khi đó, những gánh nặng tài chính vẫn luôn ở đó. 

Việc mất việc không chỉ khiến người lao động đối mặt với sự bất định trong sự nghiệp mà còn kéo theo nhiều lo lắng về tài chính. Khi không còn thu nhập ổn định, nhiều gia đình phải đối diện với những khoản chi tiêu không thể cắt giảm như tiền thuê nhà, hóa đơn sinh hoạt, hay khoản vay ngân hàng.

img3898-1739863190321962880508.jpg

Đặc biệt, với những người có con nhỏ, áp lực càng lớn hơn khi chi phí học hành, tiền học thêm, tiền ăn uống của con cái vẫn phải duy trì. Chị Thanh, 40 tuổi, một lao động mất việc sau Tết chia sẻ: "Mình vừa mất việc, còn chồng thì công việc không ổn định. Con vẫn phải đi học, vẫn phải đóng tiền học phí, rồi đủ thứ tiền sinh hoạt trong gia đình nữa. Không biết thời gian tới phải xoay sở ra sao".

Đầu tư cho bản thân là một cách để phụ nữ vượt qua bão sa thải

img3901-17398631902741460669191.jpg

Dù mất việc là một trải nghiệm khó khăn, nhưng đây cũng là thời điểm để nhìn lại và tìm hướng đi mới. Nhiều người chọn học thêm kỹ năng để thích nghi với thị trường lao động hiện đại, trong khi một số khác chọn con đường khởi nghiệp hoặc làm việc tự do.

"Sau khi bị cắt hợp đồng, mình quyết định tham gia một khóa học trực tuyến học về cách làm nội dung, livestream bán hàng online. Giờ tôi đang thử sức với công việc freelancer, đồng thời thử sức bán hàng trên mạng. Dù thu nhập chưa ổn định nhưng ít nhất mình không bị động chờ việc nữa" - Chị Mai, 35 tuổi, chia sẻ.

img3900-17398631902821033072498.jpg

Thất nghiệp có thể là một bước lùi nhưng cũng có thể trở thành cơ hội để định hướng lại sự nghiệp. Đối với những phụ nữ mất việc, đây là thời điểm cần tập trung vào việc nâng cao kỹ năng, mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm những hướng đi mới. Ví dụ như tận dụng các khóa học miễn phí giúp bổ sung kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động mới. Hay đừng ngần ngại mở rộng cơ hội việc làm tự do.

teleworkdayfasa-1739862711383148583433.jpg

Chị Linh, 42 tuổi, từng là kế toán nhưng bị mất việc sau đợt cắt giảm nhân sự, đã quyết định mở một tiệm bánh nhỏ tại nhà. Chị kể: "Lúc đầu tôi hoang mang lắm, nhưng sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra rằng mình có thể tự kinh doanh. Giờ đây, tôi không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có thời gian chăm sóc gia đình tốt hơn".

Làn sóng thất nghiệp sau Tết 2025 đã tạo ra nhiều biến động trong cuộc sống của người lao động, đặc biệt là nhóm trung niên. Tuy nhiên, trong thử thách luôn có cơ hội. Điều quan trọng là mỗi người cần sẵn sàng thích nghi, học hỏi và tìm ra con đường phù hợp để bước tiếp. Một công việc có thể mất đi, nhưng giá trị của bản thân không bao giờ bị đánh mất nếu chúng ta không ngừng phát triển.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022