"Học ăn, học nói, học gói, học mở", ông bà ta đã dạy như thế cũng đủ để thấy tầm quan trọng của việc ăn nói trong giao tiếp.
Biết cách nói chuyện thì cuộc sống bạn sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp, được nhiều người yêu quý, còn những người mở miệng xinh đẹp lại chỉ nói toàn điều không hay, kém duyên, xúc phạm người khác thì chẳng ai thích giao thiệp cả.
Hy vọng rằng sau khi đọc xong 4 điều xúc phạm người khác ở dưới đây, bạn sẽ ngẫm lại bản thân mình xem có thường nói những điều này trong cuộc sống không. Nếu có, tôi hy vọng bạn sẽ thay đổi và không nói chuyện theo những kiểu này nữa. Hãy học cách suy nghĩ xem điều này nói ra có đúng hay không. Là một người biết nói chuyện nhé.
1. Những lời khó nghe
Bạn bè cùng nhau ăn tối, một người xung phong thanh toán hóa đơn và những người còn lại hơi ái ngại. Như muốn xua tan bầu không khí khó chịu đó, một người thốt lên: "Không thành vấn đề đâu, anh ấy có tiền mà".
Câu nói tưởng như hài hước cuối cùng trở thành câu đùa vô duyên và phản tác dụng. Những người còn lại không ai đáp trả điều gì, cũng không tỏ vẻ bất bình nhưng trong lòng đã tức giận lắm. Bạn bè đối xử tốt với nhau là vì tình cảm chứ không phải tiền bạc.
Và không ai có nhiệm vụ phải trả tiền bữa ăn cho mọi người, dù họ có giàu có hay không. Tất cả là sự tự nguyện, họ thanh toán vì họ muốn mời bạn bè một bữa ăn, chứ không phải do họ có nhiều tiền nên họ phải đãi mọi người một bữa.
2. Những lời khoe khoang
Một người đăng tải hình ảnh món quà được chồng tặng nhân dịp kỷ niệm ngày cưới trên trang cá nhân. Chẳng bao lâu sau, một người bạn đã bình luận những lời kém duyên như "quà tặng chẳng giá trị gì cả, tôi nhận được quà còn giá trị hơn". Bạn nghĩ sao về bình luận này?
Có thể rằng người này chỉ đang muốn nói sự thật, nhưng cách phô trương hạnh phúc của mình trước mặt người khác như thế này chỉ là một sự khoe khoang kém duyên. Những lời khoe khoang kiểu này không thể khiến người khác thấy ghen tị mà chỉ thấy một sự hợm hĩnh, khoe mẽ, không ý tứ mà thôi.
Đừng vì thể hiện bản thân mà phá hoại hạnh phúc nhỏ nhoi của người khác. Như vậy thì chẳng ai thèm kết giao với mình đâu.
3. Những lời chế giễu
Một người chở đồng nghiệp của mình về nhà sau khi hết giờ làm. Vì không rành đường sá nên thay vì đi chỉ mất 20p, người này lại đi mất gần 1 giờ đồng hồ. Thấy vậy, người ngồi sau cười nhạo: "Anh có phải đàn ông không vậy? Đường dễ vậy cũng không biết đi". Một lúc sau anh ta lại nói thêm: "Đàn ông gì mà làm việc nhà rồi ngoan ngoãn với vợ. Chẳng đáng mặt đàn ông".
Những lời nói này tuy không hại ai cả nhưng khiến người ta rất khó chịu. Ai quy định đàn ông thì nhất định không được làm việc nhà? Nếu không thể nói những lời khen ngợi thì tốt nhất là giữ im lặng. Đừng nói mà không suy nghĩ đến cảm xúc của người khác. Dù là đàn ông hay phụ nữ thì cũng đừng phạm phải lỗi sai này.
4. Những lời nói truyền năng lượng tiêu cực
Một người muốn tập thể dục để giảm cân nhưng lại bị nói rằng: "Có tập cũng xấu thôi". Một người rủ bạn mình đi mua sắm nhưng lại bị "dội gáo nước lạnh": "Kẹt xe, khói bụi, không đi đâu". Có những người thức khuya và làm việc chăm chỉ nhưng vẫn nghe đồng nghiệp nói: "Cố gắng quá làm gì cũng thua thôi. Người được thăng chức đã được quyết định rồi".
Những người thường xuyên nói những lời tiêu cực với người khác, chống lại sự cố gắng của mọi người một cách mù quáng, không đưa được giải quyết tốt nào, thực sự khiến mọi người khó chịu. Năng lượng tiêu cực như chất độc mãn tính, có thể khiến người ta thấy chán nản, bi quan và tiêu cực.
(Nguồn: Zhihu)