Chuyên trang Flight Global mới đây đưa tin USAF đang thử nghiệm các hệ thống điện tử hàng không và những hệ thống phụ khác của dòng máy bay đang được nhà thầu Northrop Grumman phát triển. Trong lúc nguyên mẫu của chiếc B-21 Raider vẫn đang được lắp ráp, các hệ thống bay của nó được thử nghiệm trên một chiếc máy bay hoàn toàn khác (nhưng không được tiết lộ là dòng nào).
Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, chương trình B-21 vẫn được triển khai đúng tiến độ, cho phép nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12.2021 như dự kiến, theo Giám đốc Randall Walden của Văn phòng đẩy nhanh năng lực trang bị khí tài cho USAF.
Phải chăng công nghệ tàng hình thế hệ kế tiếp có thể giúp dòng máy bay này duy trì năng lực tàng hình và chọc thủng các hệ thống phòng không thời hiện đại? Liệu cấu trúc, khung máy bay và tầm hoạt động sẽ vận hành theo ý đồ thiết kế? Hệ thống bay và điện tử hàng không sẽ hoạt động ra sao? Đây là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu của USAF hy vọng sẽ có câu trả lời trong chuyến bay đầu tiên của dòng oanh tạc cơ thế hệ mới. Nếu mọi chuyện diễn ra theo tiến độ hiện tại, nguyên mẫu B-21 trong năm sau sẽ cất cánh lần đầu tiên từ Trung tâm thử nghiệm không quân Mỹ thuộc căn cứ không quân Edwards ở bang California.
“Với chương trình như B-21, chúng tôi đang thực hiện những điều đầu tiên, vì thế chúng tôi sẽ tìm ra biện pháp để thực hiện chuyến bay đó”, chuyên san The National Interest dẫn lời thiếu tướng Christopher Azzano, chỉ huy Trung tâm thử nghiệm không quân Mỹ. Trong khi lần cất cánh thứ nhất của một dòng máy bay nhiều khả năng chỉ là một chuyến bay ngắn nhằm thử nghiệm cấu trúc cơ bản của khung máy bay và tầm hoạt động, sự kiện này đối với B-21 trên thực tế sẽ là mắt xích đầu tiên của một quy trình vô cùng tỉ mỉ, với mục đích cuối cùng là chuẩn bị cho oanh tạc cơ sẵn sàng tham chiến trong tương lai. “Đây là quy trình vô cùng phức tạp”, thiếu tướng Azzano thừa nhận.
Đối với dòng máy bay được Mỹ xem là có năng lực tàng hình số một trên thế giới, nhiều sự chú ý tập trung tính toán nhiệt động lực học bằng máy tính và xử lý tín hiệu hồng ngoại của nó trên màn hình radar của đối phương.
Vì lý do an ninh, nhiều thông số của B-21 được liệt vào dạng tuyệt mật, và giới chuyên gia chỉ có thể phần nào đoán được năng lực tàng hình của nó dựa trên bề ngoài của máy bay. Chẳng hạn, phần thân máy bay hình cánh dơi của B-21 được thiết kế trải dài theo phương ngang và dốc hơn dòng B-2, cũng như hoàn toàn không có ống xả bên ngoài. Những điều chỉnh này sẽ giúp giới hạn tín hiệu hồng ngoại hiển thị trên màn hình radar của đối phương. Đó là chưa kể các sáng kiến mới nhằm giảm tối thiểu vấn đề tỏa nhiệt, cho phép kiểm soát nhiệt độ của máy bay so với môi trường bên ngoài.