Câu chuyện kiểm duyệt theo độ tuổi được nêu ra ở hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, sáng 5/8 tại TP HCM. Nhiều tên tuổi trong làng phim cho rằng, hiện bảng tiêu chí còn nhiều bất cập, hạn chế do chưa có các quy định cụ thể.
"Bẫy ngọt ngào" - một trong những phim 18+ vượt rào kiểm duyệt mà không bị cắt cảnh trong năm nay. Ảnh: CJ
Chẳng hạn, với phim dán nhãn P (phổ biến với mọi độ tuổi), tác phẩm được yêu cầu "không có cảnh khỏa thân". Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP HCM - thắc mắc: "Việc lộ phần trên, phía trước của phụ nữ vốn được xem là khỏa thân, nhưng cảnh mẹ cho con bú - vốn nhân văn, giàu nét đẹp nghệ thuật - thì sao? Khán giả dưới 13 tuổi liệu có nên hạn chế xem các cảnh như thế hay không?". Ý kiến của bà Thúy là trăn trở của nhiều khách mời ở hội thảo. Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung cụm rạp CJ&CGV - nói từng bất ngờ khi phim hoạt hình ăn khách Shin: Cậu bé bút chì (ra mắt năm 2019) khi phát hành ở Việt Nam bị dán nhãn C13, tức cấm khán giả dưới 13 tuổi, vì có cảnh nhân vật cởi quần lộ mông. Ông đề xuất ban soạn thảo tiêu chí nên có những quy chuẩn, từ ngữ cụ thể với những cảnh khỏa thân.
Ngoài yếu tố khỏa thân, câu chuyện kiểm duyệt cảnh tình dục trong phim cũng được giới chuyên môn góp ý sôi nổi. Điều 3 trong thông tư - quy định về nội dung để đánh giá phân loại phim - nêu: Phim cần mô phỏng "hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực". Tiến sĩ Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - cho biết tiêu chí này còn trừu tượng, chung chung. Sinh viên của bà thường thắc mắc về cách đánh giá thế nào là một phân cảnh nghệ thuật vì mỗi khán giả, độ tuổi có hệ chuẩn mực khác nhau. "Xem một cảnh 'nóng', người trẻ thích thú vì cách mô tả độc đáo nhưng người già lại chê bai", bà nói.
Trailer phim "Người tình" - tác phẩm 18+ của đạo diễn Lưu Huỳnh vượt vòng kiểm duyệt khi ra mắt hồi tháng 2. Video: BHD
Nhiều ý kiến cho rằng bảng tiêu chí về phân loại phim nên có những từ ngữ định lượng, thay vì định tính, để tránh làm khó phía nhà sản xuất. Ví dụ, với phim T13 (tức C13 trong luật cũ, cấm khán giả dưới 13 tuổi), cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết". Một số nhà làm phim thắc mắc từ "thường xuyên" cần được hiểu ở đây là bao nhiêu lần hoặc thời lượng kéo dài bao lâu. Tương tự, phim T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) không được có cảnh chứa "hình xăm phản cảm", nhưng không nêu cụ thể thế nào là phản cảm.
Giới làm phim mừng vì Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều quy định cởi mở, tiến bộ. So với luật cũ, bảng phân loại phim theo độ tuổi có 5 loại, được bổ sung loại K - khán giả dưới 13 tuổi cần cho cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng khi vào rạp.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá đây là bước tiến mới, đề cao trách nhiệm của phụ huynh hơn trong việc giám sát trẻ em thưởng thức văn hóa phẩm. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng nên nêu rõ hơn hình thức "giám hộ" ở đây được hiểu ra sao. Bà Dương Cẩm Thúy thắc mắc: "Phụ huynh đi cùng trẻ sẽ giải thích, cảnh báo cho các con như thế nào, hay chưa kịp giải thích thì cảnh đã đập vào mắt?".
Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn "Em và Trịnh" - góp ý ở hội thảo. Ảnh: Mai Nhật
Bên cạnh phim chiếu rạp, nhiều người đề nghị cần dán nhãn phim truyền hình và các nền tảng OTT (trực tuyến). Đạo diễn Nhật Linh cho rằng phim truyền hình cần dán nhãn ở một góc màn hình - như HBO, Netflix... đang làm, để phụ huynh dễ can thiệp, giám sát nội dung khi trẻ thưởng thức. Đạo diễn Em và Trịnh cũng góp ý cần nêu lý do cụ thể dán nhãn trên phim, chẳng hạn phim chứa yếu tố sex, bạo lực, lời nói thô tục... Theo một số nhà làm phim, trailer cũng cần phân loại độ tuổi, trước xu hướng nhiều đơn vị muốn lồng ghép các cảnh quay 18+ để quảng bá cho phim.
Cơ quan quản lý cho biết tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện bảng tiêu chí. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - nói so với Luật điện ảnh năm 2006 và 2009, Luật mới phù hợp với xu thế phát triển phim ảnh, đặc biệt với phim phát hành không gian mạng. Sau khi lắng nghe góp ý, ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh, trình Chính phủ vào tháng 11 để thông tư đi vào hoạt động.
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết trong quá trình thẩm định, ban soạn thảo sẽ cùng Cục Điện ảnh xây dựng các tiêu chí rõ ràng nhất có thể để các đơn vị tự dán nhãn cho phim - đặc biệt với phim trực tuyến - và chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng hậu kiểm. Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc với các nhà phát hành, cụm rạp không đảm bảo khán giả xem phim đúng độ tuổi.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - tại hội thảo. Ảnh: Mai Nhật
Luật điện ảnh sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua hôm 15/6. Luật Điện ảnh sửa đổi có tám chương, 48 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2023. So với luật năm 2006, luật có nhiều điểm mới, chẳng hạn: Cấm phim kích động bạo lực, hành vi tội ác, bằng việc mô tả chi tiết, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam phải sử dụng dịch vụ do cơ sở điện ảnh trong nước cung cấp. Bối cảnh phim phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép, Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay phim, bằng tiếng Việt. Luật cũng quy định phim cần dán nhãn 5 độ tuổi: P - Cho phép khán giả mọi độ tuổi; K - Khán giả dưới 13 tuổi cần có người giám hộ; T13 - Cấm khán giả dưới 13 tuổi; T16 - Cấm khán giả dưới 16 tuổi; T18 - Cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Mai Nhật