Ngày 6/4, lãnh đạo Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso gửi công văn đến văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải quyết vướng mắc tại hãng phim. Đơn vị đưa ra ba phương án, trước tiên là đề nghị cơ quan chức năng cho phép Vivaso được xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát theo đúng mục tiêu ngành nghề kinh doanh là sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Do phía Vivaso không có chuyên môn về lĩnh vực điện ảnh, công ty đề xuất Bộ cử người đại diện phần vốn nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm, uy tín tham gia hội đồng quản trị, giữ chức tổng giám đốc. Đại diện công ty cam kết ngay khi có tổng giám đốc mới và kiện toàn bộ máy điều hành, họ sẽ đầu tư ngay tiền để sản xuất phim.

Nhà đầu tư nêu trong văn bản: "Chúng tôi tin tưởng với thế mạnh về nguồn lực tài chính, đầu tư có chiều sâu, cùng với người lãnh đạo mới của công ty có đủ kinh nghiệm và uy tín, kết hợp với kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp cổ phần của nhà đầu tư; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam dần dần phát triển. Ngoài ra, phương án này cũng giúp nhà nước không phải dùng ngân sách để mua lại cổ phần và đầu tư tiền vào doanh nghiệp đã được cổ phần hóa".

Vivaso cũng cho biết nếu các đề xuất không được Chính phủ chấp thuận, công ty này xin được giới thiệu nhà đầu tư mới để chuyển nhượng cổ phần theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.

ha-ng-phim-truye-n-jpeg-8128-1680879554.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2Z2fa7nluxTXy0rYOpiZeQ

Hầu hết phòng ban tại Hãng phim khóa cửa, đạo cụ hư hại, không có người bảo quản tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Vivaso cũng nêu những khó khăn sau cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam từ năm 2017. Theo doanh nghiệp, khi tiếp quản hãng phim, họ đã phải nộp 23,2 tỷ đồng tiền thuế do hãng nợ ngân sách nhà nước nhiều năm.

Trong quá trình tái cơ cấu tổ chức theo mô hình mới, quyền lợi một số cá nhân bị ảnh hưởng, khiến ban lãnh đạo và các nghệ sĩ không tìm được tiếng nói chung. Năm 2018, Vivaso đã đề xuất chuyển nhượng cổ phần trước hạn cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tìm được nhà đầu tư mới. Vivaso vì thế vẫn chưa thể thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam. Hậu quả là cơ sở hạ tầng hãng ngày càng xuống cấp, người lao động không có công ăn việc làm, còn doanh nghiệp thua lỗ do vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm, thiệt hại nặng nề.

Trước đó, cuối tháng 3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan rà soát vi phạm khi cổ phần hóa và vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và quy định pháp luật về cổ phần hóa, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi để giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4. Nhiều nghệ sĩ cho biết mong chờ kết luận cuối cùng, với hy vọng mở ra tương lai cho hãng.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022