Đạo diễn Vũ Hồng Sơn:
Nghệ sỹ Duy Thanh tham gia với tôi khá nhiều phim như: Chạy án, Chạm tay vào nỗi nhớ, Lựa chọn cuối cùng… Phải nói, anh Duy Thanh là người có thái độ làm việc rất nghiêm túc. Cách diễn xuất rất có chiều sâu và trải nghiệm. Trước khi diễn cảnh nào, anh Duy Thanh cũng nghiên cứu kịch bản rất kỹ lưỡng.
Đa phần các vai tôi mời anh Duy Thanh đóng đều là vai phản diện nhưng chính những vai ấy lại đòi hỏi người diễn phải đào sâu vào nhân vật, lột tả ra được tính cách phản diện rõ rệt nhất. Anh Duy Thanh rất thành công đối với những dạng vai ấy.
Khi tham gia phim với tôi, anh em trong đoàn rất quý mến anh Duy Thanh. Anh Duy Thanh mất đi là một sự mất mát rất lớn đối với nghệ thuật. Những vai diễn của anh khó có ai có thể thay thế được.
Ngoài đời, anh Duy Thanh là một người bạn vô cùng tốt, người rất đáng trân quý. Anh ấy rất nhẹ nhàng, biết chia sẻ với người khác. Đôi khi ngoài phim trường, đạo diễn phải chịu nhiều sức ép nên có những lúc cáu bẳn… nhưng anh Duy Thanh luôn chia sẻ với chúng tôi. Có gì chưa hiểu, anh ấy lại nhẹ nhàng trao đổi với đạo diễn để làm tốt nhất có thể cho vai diễn. Nếu muốn thay đổi điều gì đó thì anh ấy cũng phân tích thấu đáo với những ý kiến rất hợp lý. Nhờ thế mà công việc trở nên dễ dàng, sự phối hợp trong đoàn phim chặt chẽ hơn.
Tôi với anh Duy Thanh có với nhau nhiều kỷ niệm lắm. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi mời anh Duy Thanh đóng “Chạm tay vào nỗi nhớ”, anh ấy có nói rằng: “Tôi xạ trị nên rụng hết tóc rồi, vậy tôi có đóng được những vai của ông không?”. Anh ấy rất lo lắng vì sợ làm ảnh hưởng đến với diễn. Tôi gặp trực tiếp anh ấy bảo: “Tốt quá anh. Không phải đợi khi mọc tóc nữa. Anh cứ để như thế này cho tôi là được. Tôi đang cần sự khác lạ của anh như thế này cho vai diễn”. Và trong quá trình đóng, anh ấy cũng biết là việc rụng tóc cũng tạo nên sự khác lạ cho vai phản diện của mình.
Một kỷ niệm nữa đó là khi tôi mời anh Duy Thanh đóng “Lựa chọn cuối cùng” thì tôi đã phải gặp anh ấy và nói: “Tôi rất muốn anh tham gia phim này của tôi. Tuy nhiên, liệu sức khoẻ của anh có đảm bảo theo được phim không?”. Lúc bấy giờ anh Duy Thanh bảo rằng: “Tôi chỉ sợ làm ảnh hưởng đến các bạn thôi chứ với phim ảnh tôi không bao giờ biết mệt. Chỉ có điều, các bạn xếp cho tôi vào nào đừng phải đi xa quá vì nó sẽ làm ảnh hưởng các bạn”. Và sau khi trao đổi với nhau, anh ấy vẫn đảm nhận tốt vai diễn. Trong quá trình quay phim, anh Duy Thanh cũng bị rụng tóc và chúng tôi đã sắp xếp để anh ấy quay cảnh trong trại giam. Khi phim lên sóng, nhiều người vẫn nghĩ, anh vào trại nên bị bắt cắt tóc chứ không nghĩ anh ấy bị rụng tóc vì xạ trị hoá chất.
Cho đến khi lồng tiếng phim này cũng vậy. Lúc đó sức khoẻ anh ấy đã yếu nhưng anh ấy vẫn đề nghị được lồng vai của chính mình. Tôi rất cảm động trước sự nhiệt tình này nên gác mọi công việc với những người khác lại để ưu tiên cho anh lồng tiếng trước.
Nghệ sỹ Minh Phương:
Khoá kịch của chúng tôi là khoá đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Có thể nói, khoá của chúng tôi là những “viên gạch” đầu tiên tạo nên Nhà hát Tuổi Trẻ.
Đầu tiên phải kể đến là cô Giám đốc Hà Nhân, tiếp theo là đạo diễn Phạm Thị Thành và cô Thuỳ Chi. Anh Duy Thanh là người gần như lớn tuổi nhất trong lớp tôi. Vì hồi đấy, lớp tôi, lứa tuổi tuỳ theo từng thành viên một. Nói chung, anh ấy là người luôn sống có trách nhiệm với mọi người. Anh ấy rất tốt tính. Ví dụ đi công tác, các nam sinh trong lớp nhận giúp đỡ các chị em thì anh Duy Thanh bao giờ cũng là người đầu tiên nhận trách nhiệm này.
Tôi với anh Duy Thanh đóng chung với nhau mấy phim nhưng nổi bật nhất là phim “Đất và người”. Trong phim anh Duy Thanh đóng vai em chồng. Ông em chồng trong phim là người luôn làm hại chị dâu. Ông ấy tìm mọi cách đẩy chị dâu đến sự tức tưởi, khổ ải và cuối cùng là phải tự tử. Trong phim là thế nhưng ngoài đời thì anh em sống với nhau rất tình cảm.
NSND Lê Khanh:
Tôi và anh Duy Thanh đều là học viên khoá đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Thời đó, Nhà hát Tuổi Trẻ không có trụ sở khang trang như bây giờ mà phải học ký gửi ở Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày nay. Mỗi buổi sáng, anh em lại nuối đuôi nhau xếp hàng đi ăn cơm trộn bo bo hoặc ăn cơm mậu dịch. Anh Duy Thanh là học sinh khoá 1 nhưng là người lớn tuổi nhất lớn nên đối với các thành viên, anh ấy như là “anh cả” trong nhà. Bao giờ anh ấy cũng thể hiện mình là người rất chững chạc, đĩnh đạc, đàn anh…
Tôi và anh Duy Thanh từng đóng chung với nhau vai nam - nữ chính trong vở kịch “Điều không thể mất” của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Thật ra, trước đấy anh Duy Thanh hợp với những vai nghiêm nghị, chững chạc, trưởng thành…, không phải nghệ sỹ hợp với dòng vai lãng mạn. Và nhiều người bất ngờ lắm vì không ngờ anh Duy Thanh cũng có thể vào những vai lãng mạn ngọt ngào như thế.
Kỷ niệm đáng nhớ nữa là vào những ngày đi lưu diễn cùng nhau, diễn viên phải tự bán vé, người thì phải tự trang trí, người chuẩn bị phục trang… Anh Duy Thanh được phân công bán vé. Có hôm, vở kịch đã bắt đầu rồi mà anh Duy Thanh vẫn ngồi bán nên có một khán giả đi ra bảo: “Này, ông ơi, người ta tháo khoán cho khán giả vào hết rồi ông còn ngồi đây bán cho ai?”.
Người nghệ sỹ là thế đấy. Khi mà phải cùng anh em lo cơm áo gạo tiền thì đầu óc lúc nào cũng mênh mông, vời vợi, miên man… ở đẩu ở đâu vậy đấy!
Hà Tùng Long