Nhắc đến chiến thắng vang dội của chốt 595, chiến trường khốc liệt Khe Sanh, Quảng Trị năm 1968, thì một cái tên không thể không nhắc đến chính là Trần Hữu Bào. Ông chính là người chiến sĩ quả cảm với thành tích trong 2 ngày tiêu diệt 78 lính thuỷ đánh bộ và cùng đồng đội bảo vệ thành công vị trí trọng yếu của tuyến đường vào sân bay Tà Cơn.
Hai năm sau đó, vào tháng 8/1970, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Giờ đây, mỗi khi nhớ về thời khắc lịch sử năm ấy, Đại tá Trần Hữu Bào khẳng định: "Điều giúp tôi và các đồng đội làm nên chiến công đó chính là từ tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc - từ lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào".
Và, ông khẳng định, với những người lính như ông: "Danh hiệu cao quý nhất của chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của nhân dân".
Đại tá Trần Hữu Bào lên đường nhập ngũ khi ông chỉ mới 17 tuổi. Ông đã tham gia chiến đầu trong chiến dịch Đường 9, Khe Sanh khốc liệt.
Lúc đó mình chỉ nghĩ làm thế nào để chiến đấu và giữ chốt. Tiếp theo nữa là bảo vệ đồng đội.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào.
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Trở lại với trận đánh năm 1968, Đại tá Trần Hữu Bảo khi đó - cùng với sự quả cảm, mưu trí - ông cùng các đồng đội đã lập nên chiến tích vang dội tại chốt 595, chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.
Cũng tại chiến trường này, trận đánh nổi tiếng kéo dài 45 ngày của ông cùng các đồng đội Tiểu đội 3, ở cao điểm 595 án ngữ phía Tây của Sân bay Tà Cơn đã trở thành kí ức đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tá, AHLLVTND Trần Hữu Bào.
Nơi đây có 1 con đường huyết mạch, hàng ngày, lính Mỹ thường cho xe tăng yểm hộ xe vận tải chở hàng tiếp tế tới sân bay Tà Cơn. Ngày 6/4/1968, địch triển khai tấn công bằng hoả lực mạnh, bắn hàng giờ liên tục vào đồi 595. Khốc liệt nhất là 2 ngày chiến đấu trực diện, hỏa lực đối phương mạnh, đạn bom nổ xé trời, sống chết kề trong gang tấc.
Đại tá Trần Hữu Bào nhớ lại: "Trong quá trình chốt được quán triệt là đánh với Mỹ thì phải đánh gần, để hạn chế hoả lực B52 và đánh toạ độ của nó. Khi chúng tôi nổ súng, được sự chi viện của hoả lực, cối 60 của đại đội, cối 82 của tiểu đoàn và cối 120 của trung đoàn. Do đó, đại đội lính thuỷ quân lục chiến Mỹ tấn công vào cao điểm 595 bị hỏa lực của chúng ta đánh trúng đội hình, rất nhiều tên bị chết và bị thương".
"Chúng kêu la ghê gớm, nó ồn ào cả 1 khu vực trận địa đó" - Đại tá Trần Hữu Bào nói, mọi thứ như vẫn còn rất mới trong tâm trí ông.
Để bảo vệ chốt 595, hai chiến sĩ Bùi Trọng Phiệt và Nguyễn Tất Thúy đã anh dũng hy sinh, bốn đồng chí Đợi, Bút, Thứ và Linh đều bị thương. Chỉ còn Nguyễn Hữu Bào cố gắng bắn trả các đợt tiến công đến 8h tối.
"Chúng tôi bắn AK rất ít, chủ yếu là ném lựu đạn, vì thế nó không phát hiện được lực lượng của mình là còn mỗi mình" - Đại tá Trần Hữu Bào nhớ lại - "Lúc đó mình nghĩ là làm thế nào để chiến đấu và giữ chốt, 2 nữa là bảo vệ đồng đội. Ban ngày thì đánh, ban đêm thì đi sửa lại công sự, rồi là đi thu hồi lựu đạn của địch".
(Ảnh chụp từ phim tư liệu)
Với lối đánh gần và hiệp đồng chặt chẽ, Tiểu đội 3 đã chiến đấu kiên cường, đánh lui hàng chục đợt tấn công của hơn 600 lính thủy đánh bộ Mỹ. Toàn tiểu đội hạ được 205 lính Mỹ, riêng người lính Trần Hữu Bào hạ 78 tên địch, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.
Tháng 8/1970, Đại tá Trần Hữu Bào vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1972, ông tiếp tục cùng các đồng đội tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, và cũng trong năm này, ông bị thương nặng khi bị 1 quả bom N79 phát nổ ngay gần. Mảnh đạn găm ở gót chân sau đó đã mổ và lấy ra được. Còn 1 mảnh đạn bằng hạt thóc, giờ vẫn còn nằm lại sâu trong hốc mắt của ông.
Sau khi mổ xong vết thương ở gót chân, Đại tá Trần Hữu Bào tập đi lại và nhận được quyết định sẽ lên đoàn 405 điều dưỡng nhưng ông không đồng ý. Ông bảo: "Bây giờ đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở Quảng trị, vì thế tôi quyết định quay trở lại đơn vị".
Người anh hùng sau những cuộc chiến...
Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào và các cháu.
Đi suốt dọc cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, dưới ánh sáng soi đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ông cùng đồng đội đã trải qua từ chiến dịch đường 9 Khe Sanh năm 1968, cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến dịch Thượng Đức năm 1974 rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Giờ đây, khi đã 72 tuổi, cuộc sống hàng ngày của ông là những phút giây vui vẻ cùng con cháu.
"Yêu nước trong thời kì đất nước còn chiến tranh nó thể hiện ở việc căm thù địch, rồi thì dám hi sinh, háo hức được vào bộ đội, đi tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước" - Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào nói - "Lớp trẻ bây giờ có điều kiện hơn, lớp trẻ cũng phải làm thế nào để đóng góp công sức của mình, xây dựng đất nước của mình ngày càng phát triển mạnh hơn".
Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào
Là một chương trình mới được sản xuất bởi Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) của Đài Truyền hình Việt Nam, "Những anh hùng thế kỷ XX" sẽ được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital bắt đầu từ ngày 15/7. Các số của "Những anh hùng thế kỷ XX" - chương trình được đồng hành của công ty Golf Long Thành - được đăng tải trên Báo điện tử VTV.VN và Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!