Theo kết quả của cuộc khảo sát của Mott Poll (Mỹ) hồi giữa tháng 10, chỉ có khoảng 47% số cha mẹ cho phép trẻ nói chuyện riêng với bác sĩ khi khám sức khỏe, 30% cho trẻ quyết định cách tiêu tiền cá nhân, 27% cho phép con tự gọi món tại nhà hàng và 20% để con tự nấu bữa ăn tại nhà.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở các cha mẹ có con 9-11 tuổi. Dù 84% đồng ý rằng trẻ em nên có khoảng thời gian không cần sự giám sát của người lớn nhưng chỉ 50% cho phép trẻ tự ý ra vào tạp hóa và 29% đồng ý cho trẻ tự chơi ở công viên với bạn bè.

Dù coi trọng tính độc lập nhưng các bậc cha mẹ trong khảo sát thừa nhận sợ hãi là lý do chính khiến họ không cho con mình tham gia vào các loại hoạt động kể trên. Điều này bao gồm cả lý do sợ cho sự an toàn và sợ bị phán xét là cha mẹ thiếu trách nhiệm.

Tre-em-8951-1701418026.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g6DyrMjnGonwWxJyO_Bi6g

Trẻ em chơi đùa trên đường phố London, tháng 4/2015. Ảnh: London Play

Theo chuyên gia tâm lý Sarah Clark, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott tại Đại học Michigan, luôn có một khoảng cách giữa những gì cha mẹ tin là tốt hoặc quan trọng và những gì họ thực sự đang làm.

Trong khi đó sự tự lập rất quan trọng với trẻ. Nếu trẻ không phát triển được ý thức tự chủ, có thể gây bất lợi cho sức khỏe tâm thần của chúng trong tương lai. Giáo sư và phó chủ tịch tâm lý học tại Đại học Florida Atlantic, David Bjorklund nhận định trẻ em ngày nay ít có điều kiện tự do đưa ra quyết định của riêng mình và điều này dẫn đến sự ý thức kém về bản thân, kém tự chủ cũng như các yếu tố gây lo âu và trầm cảm.

Việc trẻ trải qua tất cả những khó khăn và xung đột nhỏ xảy ra khi chơi với những đứa trẻ khác cũng có lợi. Lenore Skenazy, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Let Grow, khẳng định nếu không có những cơ hội này, trẻ em cảm thấy mất kiểm soát trong cuộc sống của chính mình và gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề của bản thân mà không cần sự can thiệp của người lớn.

Lenore Skenazy gợi ý rằng các bậc cha mẹ nên căn cứ vào mức độ giám sát con họ cần trong các hoạt động khác nhau, dựa trên giai đoạn phát triển của con, nhiều hơn là độ tuổi của chúng. Sự sẵn sàng của trẻ phụ thuộc nhiều vào mức độ chúng thực hành một hoạt động, các cuộc thảo luận với cha mẹ về sự an toàn và thậm chí, đôi khi, là mức độ lo lắng của chính đứa trẻ.

Một bài viết của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) chỉ ra, vào khoảng 10 tuổi, trẻ em có thể bắt đầu làm những việc như đi bộ hoặc đạp xe đến trường mà không cần sự giám sát của người lớn. Điều này cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng của trẻ, tuy nhiên điều quan trọng là xây dựng sự tự tin và quan sát xem các em có an toàn trong các hoạt động đó hay không.

Chuyên gia Lockwood khuyến khích các bậc cha mẹ bắt đầu dạy các tình huống an toàn cho trẻ khoảng ba tuổi bằng cách sử dụng các câu hỏi "Con sẽ làm gì nếu... " và sử dụng câu trả lời để làm cơ sở cho trẻ những thông tin thực tế giúp bé xây dựng các kỹ năng cần thiết để tự chủ hơn trong tương lai.

Khi rèn luyện tính độc lập, Lockwood nói trẻ em ở khoảng ba tuổi nên bắt đầu với những công việc đơn giản như nhặt đồ chơi và giúp việc trong bếp. Khi đến tuổi thanh thiếu niên, trẻ có thể tới nơi công cộng, thậm chí phải chịu trách nhiệm chăm sóc những đứa trẻ khác, có các kỹ năng cần thiết khi ở nhà một mình.

Chuyên gia Skenazy nhấn mạnh: "Người ta luôn tin rằng chỉ có sự giám sát liên tục của người lớn là cần thiết và bất cứ điều gì khác đều khiến trẻ em gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn có một mối nguy hiểm khác, đó là nguy cơ bị giám sát liên tục, sự hỗ trợ liên tục của người lớn, sự dạy dỗ liên tục. Mối nguy hiểm đó là trẻ em đang ngồi trên ghế hành khách của chính cuộc đời mình".

Thùy Linh (Theo Yahoo Life)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022