Sara Imas là một bà mẹ Do Thái từng đến định cư lâu dài tại Thượng Hải, Trung Quốc. Khi còn ở Trung Quốc, cô từng là người mẹ yêu thương con hết lòng, sẵn sàng chăm sóc và làm hết mọi việc về con. Nhưng rồi, theo tiếng gọi của cố hương, Sara Imas dắt 3 con quay trở về Israel. Những đứa trẻ của Sara phải học cách tự lực cánh sinh, còn bản thân cô cũng phải thay đổi cách giáo dục con trong môi trường khắc nghiệt này.
Vì vậy, từ "bà mẹ Trung Hoa" Sara Imas đã trở thành một "bà mẹ Do Thái" nghiêm khắc – người đã nuôi dạy 2 cậu con trai trở thành tỷ phú ngành công nghiệp kim cương, còn cô con gái út cũng đang theo học một trường đại học danh tiếng.
Về sau này, Sara Imas đã đúc kết lại kinh nghiệm dạy con của mình, từ những bài học thất bại cho đến quả ngọt của sự thành công, để viết nên cuốn sách nổi tiếng: "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương".
Sara Imas có 3 người con tỷ phú, giỏi giang
Trong cuốn sách của mình, Sara cho biết thành công của các con chính là từ những quan niệm giáo dục trân quý mà cô học được từ những bà mẹ Isarel:
1. Rèn luyện khả năng sinh tồn, cho con cá không bằng cho cần câu
Khi mới trở lại Israel, bà Sara kiếm sống bằng cách bán nem rán ở chợ. Cho dù cuộc sống khó khăn đến thế nào, bà cũng luôn lo lắng, sắp xếp ổn thỏa mọi điều trong gia đình, các con chỉ có nhiệm vụ học tập.
Nhưng theo quan điểm của người Israel đó lại là cách dạy con sai lầm. Những đứa trẻ được nuông chiều, chuẩn bị sẵn mọi thứ sẽ không thể tự lập, tự kiếm sống khi chỉ có một mình.
Bà Sara cũng kể lại câu chuyện thấm thía về cách dạy con mà bất kỳ vị phụ huynh nào cũng cần biết:
"Một con sư tử mẹ dạy con săn mồi. Sư tử mẹ bảo 2 sư tử con: Các con nghe này: Bây giờ mẹ sẽ dạy các con cách săn mồi. Nào Simba, Kovu chúng ta đi bắt thỏ nhé!
Sư tử mẹ vừa dứt lời, hai chú sư tử con liền chạy băng băng trên đồng cỏ. Đột nhiên, sư tử anh vì chạy quá nhanh nên ngã lăn quay. Sư tử mẹ xót xa: Từ sau con không cần đi săn mồi nữa!
Hằng ngày, sư tử mẹ đều đưa sư tử em đi săn, sau khi sư tử em ăn no, nó sẽ mang phần thịt còn lại về cho sư tử anh. Từ đó, sư tử anh sống vô cùng sung sướng.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sư tử anh và sư tử em đều đã trưởng thành, Một hôm, sư tử mẹ bị bệnh rồi qua đời, hai con sư tử tự đi săn mồi. Chúng mải miết chạy, chia thành 2 ngả. Sư tử anh muốn tìm thức ăn nhưng nó chẳng biết làm thế nào. Ba ngày sau sư tử anh ngã quỵ. Câu nói sau cùng nó thốt lên là: Mẹ, con hận mẹ!".
Những đứa trẻ được nuông chiều, chuẩn bị sẵn mọi thứ sẽ không thể tự lập, tự kiếm sống khi chỉ có một mình. Ảnh minh họa
2. Trì hoãn việc thỏa mãn để rèn luyện ý chí cho con
Người Isarel cho rằng nhiều gia đình người Hoa người Việt hiện nay chỉ sinh con một, vậy nên đứa trẻ được đáp ứng một cách quá mức, quá kịp thời và quá nhiều hơn nhu cầu thực tế của trẻ.
Trẻ luôn luôn sống trong nhung lụa sẽ không hiểu được thế nào là đói là khát và sẽ tự coi mình là cao hơn người khác một bậc. Sara cho rằng: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con".
Ngược lại, nếu các bậc phụ huynh trì hoãn việc đáp ứng nhu cầu của con trẻ khi chúng muốn thì có thể rèn luyện tinh thần chịu khổ, khả năng tự kiềm chế và giúp con trở thành một người kiên cường khi trưởng thành.
Sara chia sẻ ví dụ về một thử nghiệm mà bản thân bà rất tâm đắc. Thử nghiệm này được áp dụng với một nhóm học sinh tiểu học. Mỗi học sinh sẽ được phát một cây kẹo bông và chúng có thể ăn cây kẹo bất kỳ lúc nào, tuy nhiên ai có thể kiềm chế tới lúc tan học rồi mới ăn sẽ được phát thêm một chiếc nữa.
Kết quả có một vài đứa trẻ không nhịn được đã ăn hết, một số khác có thể chống lại sự cám dỗ của cây kẹo cho tới hết giờ học.
Thử nghiệm kéo dài trong một thời gian và tiếp tục được theo dõi cho tới khi nhóm học sinh tốt nghiệp đại học.
Kết quả, những đứa trẻ có thể nhẫn chịu sự cám dỗ đều có thành tích xuất sắc khi học đại học; sau khi tốt nghiệp tỉ lệ tìm được công việc mong muốn cao hơn những đứa trẻ còn lại.
3. Rèn luyện cho con khả năng giải quyết vấn đề, càng yêu con càng nên lùi bước đúng lúc
Có rất nhiều phụ huynh quá quan tâm, sốt sắng, can dự quá nhiều vào cuộc sống của con. Các học giả giáo dục gọi những người bao bọc con quá độ như vậy bằng cụm từ "cha mẹ trực thăng", lúc nào cũng bay lượn trên đầu, theo sát nhất cử, nhất động của trẻ.
Họ không biết rằng, cha mẹ càng quản chặt, càng theo sát, con cái càng dễ trở thành "thai nhi quá hạn". Càng bao bọc con nhiều, họ càng dễ "phá hủy" cuộc đời và tương lai của con.
Khi con không thể phát triển theo ý muốn, lòng họ như lửa đốt. Trước sau họ vẫn tin rằng, tất cả những điều họ làm đều xuất phát từ tình yêu thương, hoàn toàn không biết rằng, cách yêu thương đó của họ đã dần trở thành gánh nặng, tạo áp lực, khiến con mất phương hướng.
Vòng luẩn quẩn đó sẽ khiến trẻ ngày càng phụ thuộc, không thể tự giải quyết bất kỳ chuyện gì trong cuộc sống của mình mà không có cha mẹ.
Theo quan niệm giáo dục của người Do Thái, cha mẹ quá bao bọc con là một kiểu xâm phạm tâm hồn trẻ và cũng là xem thường nhu cầu trưởng thành của chúng, làm giảm khả năng tự thích nghi, lo liệu của chúng với cuộc sống. Cha mẹ cần phải biết rút lui đúng lúc thì con cái mới trưởng thành được.
Nếu các bậc phụ huynh trì hoãn việc đáp ứng nhu cầu của con trẻ khi chúng muốn thì có thể rèn luyện tinh thần chịu khổ, khả năng tự kiềm chế và giúp con trở thành một người kiên cường khi trưởng thành. Ảnh minh họa
Bên cạnh những điều mà cha mẹ nên làm thì Sara Imas cũng chỉ ra 4 điều tối kỵ mà cha hoặc mẹ đơn thân không nên làm khi nuôi dạy con cái:
1. Tiêm nhiễm suy nghĩ lệch lạc vào đầu con
Nhiều phụ huynh đơn thân thường đổ lỗi mọi vấn đề con cái gặp phải trong quá trình trưởng thành cho sự không hoàn thiện của gia đình, và truyền cho con suy nghĩ rằng gia đình đơn thân là một gia đình không bình thường, khiến cho những đứa trẻ đó sẽ cảm thấy chính bản thân mình cũng không bình thường.
Ví dụ, nhiều phụ huynh hay nói với con rằng: "Con thật tội nghiệp", khiến trẻ lúc nào cũng bị ám ảnh vì điều đó. Thực ra, một gia đình mà cha mẹ suốt ngày cãi vã còn ảnh hưởng tồi tệ đến con hơn là một gia đình đơn thân.
Ngày nay, những ông bố bà mẹ đơn thân đã trở thành một hiện tượng xã hội hết sức bình thường, nếu chúng ta xử lý khéo léo thì điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự phát triển của con, vì thế xin đừng để trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về việc này.
2. Bài trừ đối phương một cách tuyệt đối
Nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn, bên nuôi con thường không muốn cho con tiếp xúc với người kia, thậm chí còn chuyển đến nơi mà người kia không thể tìm thấy, để các con không gặp được cha/mẹ chúng nữa.
Có những người còn cố tình chê bai đối phương để tiêm nhiễm sự thù hận vào đầu con, ví dụ như: "Sau này đừng có giống bố/mẹ con đấy!", khi nghe thấy những câu này, trong đầu trẻ cũng sẽ dần hình thành tâm lý bài trừ chính cha/mẹ mình.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho những đứa trẻ đơn thân thường có tính cách khác thường.
3. Nuông chiều con quá mức
Nuông chiều con là căn bệnh phổ biến của nhiều gia đình, nhưng đối với các gia đình đơn thân thì điều đó lại càng rõ rệt.
Vì cảm thấy việc mình ly hôn khiến con phải chịu nhiều thiệt thòi, do đó các vị phụ huynh đơn thân thường không ngần ngại đáp ứng mọi đòi hỏi của con một cách vô điều kiện.
Lâu dần, trẻ sẽ dần hình thành những thói xấu như bướng bỉnh, ngạo mạn và ích kỷ…
4. Chán nản, sa sút về tinh thần
Nếu là mẹ đơn thân, trước tiên bạn phải luôn giữ tinh thần vui vẻ, phấn chấn, đừng tỏ ra chán nản hay buông xuôi, nhất là trước mặt con.
Bạn phải luôn tỏ ra thong dong, điềm tĩnh, có như vậy mới đem lại cảm giác an toàn cho con.
Khi đối diện với những lời dị nghị hay những lời bàn ra tán vào, bạn hãy cứ kiên trì với trách nhiệm của mình, hãy cứ trân trọng bản thân và trở thành tấm gương cho con noi theo.
GĐXH - Hãy xem những bậc cha mẹ Do Thái đã thấu hiểu và đồng hành cùng con ra sao để có thể tạo ra những đứa trẻ cởi mở, mạnh mẽ và giỏi giang.
GĐXH - Trẻ em không cần những bậc cha mẹ quá hoàn hảo như nhiều người thường nghĩ và cố gắng theo đuổi, điều chúng cần đôi khi rất đơn giản.