Những ngày cuối tháng 4, Phạm Thị Thu Uyên, 26 tuổi, ở xã Phú Thuận, huyện Phú vang, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn túc trực bên em gái Phạm Ngọc Hân, 11 tuổi, bị u tuyến thượng thận.

"Mẹ tôi không may qua đời vì bệnh, bố và em trai là đàn ông, chân tay lóng ngóng, vụng về, vẫn nên tôi nhận chăm Hân", Uyên kể.

8ad834983cae92f0cbbf-171369070-5116-6379-1713690761.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vMLHgZgDsmCv8jMPZlnKLw

Thu Uyên (đứng) đang chăm sóc em gái Ngọc Hân (áo hồng) tại Bệnh viện Trung ương Huế, trưa 21/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Uyên là chị cả trong gia đình có ba anh chị em. Trước năm 2017, cả gia đình năm người sống dựa vào nghề nuôi tôm, cá giống. Công việc vất vả, sau lại lo mỗi đợt thiên tai, lũ lụt dễ trắng tay nhưng bố mẹ vẫn cố gắng để ba con ăn học đầy đủ.

Năm 2017, Uyên trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao ở Hà Nội. Học hết kỳ một năm nhất đại học nữ sinh biết tin mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn 3, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cũng thời điểm, ao hồ nuôi tôm cá của gia đình bị thu hồi. Để trang trải viện phí, bố Uyên là ông Phạm Văn Sĩ phải lăn lộn đủ nghề.

Thương bố vất vả, hai em nhỏ không ai chăm sóc, trong khi mẹ một mình ở viện chống chọi với bệnh tật, Uyên quyết định bảo lưu kết quả để về Huế, mặc gia đình can ngăn.

Về nhà được 8 tháng, bệnh tình của mẹ Uyên chuyển biến xấu. Trước khi mẹ mất, cô hứa với mẹ không bỏ học giữa chừng, bản thân cũng sẽ đi làm thêm để thêm tiền nuôi hai em ăn học phụ bố.

Từ ngày mẹ mất, gia đình Uyên rơi vào cảnh khánh kiệt bởi toàn bộ tiền tích góp đều đóng viện phí. Mức lương 3 triệu đồng của bố chỉ đủ đóng học cho hai em và phí sinh hoạt thường ngày. Mong có tiền học đại học, Uyên xin nhà trường bảo lưu kết quả thêm một năm để đi làm thêm, đêm về lại chủ động học tiếng Anh phát triển bản thân.

Ngoài kiếm tiền, quyết định ở nhà một năm của cô vì muốn chăm sóc em gái còn nhỏ, em trai đang học cấp ba và giúp bố quán xuyến việc nhà.

Dự định sau hai năm bảo lưu sẽ quay trở lại trường, nhưng Uyên bất ngờ nhận được học bổng ở Australia. Muốn nắm bắt cơ hội, nữ sinh bàn tính với bố đi vay mượn thêm 400 triệu đồng để trang trải tiền ăn ở. Số tiền này cô nói sẽ đi làm thêm để trả nợ.

Thấy Uyên quyết tâm, ông Sĩ đồng ý. Để con gái yên tâm, người đàn ông 60 tuổi cũng khẳng định sẽ cân bằng công việc và chăm sóc hai con.

Ban đầu nữ sinh theo học ngành tâm lý, sau chuyển sang học điều dưỡng bởi thấy phù hợp với thế mạnh của bản thân. Dù lịch học dày đặc nhưng Uyên vẫn tranh thủ đi làm thêm để trả nợ và xoay sở mọi chi phí trong thời gian xa nhà.

Năm 2023, cô tốt nghiệp và được nhận vào khoa phẫu thuật tại một bệnh viện. Mức lương không quá cao nhưng đủ để cô nuôi bản thân và nhận trách nhiệm nuôi hai em thay bố.

Ngỡ tưởng cuộc sống bước sang trang mới thì cuối năm 2023, cơ thể của cô em gái Ngọc Hân xuất hiện những triệu chứng bất thường như mọc nhiều lông hơn, da nổi nhiều mụn, má phính, chân và bụng phù, tính tình thay đổi, đột nhiên trở nên lầm lì, ít nói.

Cô bé được bố đưa đi khám tại cơ sở y tế của huyện và phát hiện một khối u ổ bụng có kích cỡ lên đến 18 cm. Ngày 14/12/2023, Hân vào điều trị tại Khoa nội tiết - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Đến lúc này ông Sĩ mới gọi điện thoại báo cho con gái ở Australia về tình hình bệnh của Hân.

"Hân nó khỏe lắm, con út nhà tôi ngoan nhất nhà. Thường ngày nó còn rủ tôi chơi cầu lông, nhắc ba đi chạy buổi sáng nữa. Tôi thấy nó tăng cân, bụng to, chỉ nghĩ con nhanh lớn do sắp tuổi dậy thì, chứ nào có ngờ", ông Sĩ kể.

Nghĩ là u lành tính, Uyên xin cơ quan cho nghỉ phép ba tuần để về thăm em gái sau phẫu thuật. Nhưng ba tuần nay đã thành bốn tháng bởi sau sinh thiết xác nhận là u ác tính tuyến thượng thận, bệnh nhân tiên lượng xấu khi xảy ra các triệu ứng co giật, từng phải chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực do xẹp và đông đặc phổi, cùng chứng viêm phổi đã di căn.

87ffe65f226a8c34d57b-3529-1713690762.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SOcj9iI0WwNfOlpK-g8SbQ

Ngọc Hân lúc nằm trong phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế khi sức khỏe chuyển biến xấu, đầu năm 2024. Ảnh: Gia đình cung cấp

Công việc ở Australia đang dang dở nhưng không lỡ để em gái một mình, Uyên xin bệnh viện cho nghỉ phép ba tháng. Trong thời gian này cô túc trực ở viện để bố an tâm đi làm, em trai nay là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Y Dược Huế tiếp tục đi học.

Toàn bộ tiền viện phí và các khoản phát sinh lúc Hân nhập viện đều lấy từ khoản tích cóp phòng thân ở Australia của chị gái bởi bố không đủ khả năng lo liệu.

Từ ngày vào thuốc, sức khỏe của Hân giảm sút, chỉ nằm một chỗ, dinh dưỡng nuôi cơ thể đều qua truyền dịch. Kích thước khối u lớn cũng khiến cô bé 11 tuổi không thể kiểm soát nhu cầu vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày đều lệ thuộc vào chị gái.

"7 năm trước chỉ vì không phát hiện kịp thời bệnh, ba chị em tôi mất mẹ, giờ đây tôi không thể để tình huống tương tự xảy ra với Hân. Có mệt, có vất vả tôi cũng phải cố để chăm em", Thu Uyên tâm sự.

Thấy cô gái 26 tuổi vất vả, nhận hết trách nhiệm về mình, nhiều người khuyên để bố chăm sóc em gái nhưng Uyên từ chối. Bởi cô không thể để bố ngày đi làm, tối về lại vào viện chăm con và không đành lòng để em trai bảo lưu kết quả học tập, lỡ dở tương lai.

Những ngày cuối tháng 4, khi nhận thông báo đầu tháng 5 phải quay về Australia hoặc thôi việc, Uyên rơi vào thế khó bởi gia đình neo người trong khi em gái út cần chăm sóc 24/24h. Nhưng nếu cô vẫn lần khất không đi làm, bản thân cũng chẳng đủ tài chính cứu em, việc chữa trị sớm muộn cũng phải dừng.

Hiện, Uyên dự định nhờ họ hàng và bố luân phiên vào bệnh viện chăm sóc em gái để trở lại công việc.

"Chẳng ai muốn chị một nơi, em một nẻo, nhưng trước mắt tôi cần đi làm để đủ chi phí cho bởi trận chiến với ung thư cùng em còn rất dài và gian nan. Khi sắp xếp công việc ổn định, tôi lại về với em", Uyên nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây

Quỳnh Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022