Chi tiêu bốc đồng

Hành động này gây ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính, đồng thời là nguyên nhân của xung đột gia đình. Chi tiêu bốc đồng có nhiều nguyên nhân nhưng thường xuất hiện ở những người tuổi thơ có những khát khao chưa được đáp ứng nên muốn bù đắp cho mình, cho con cái..., tự do tài chính quá sớm hoặc đua theo những người bạn giàu có.

Mrin Agarwal, người sáng lập công ty đầu tư và công nghệ Finsafe (Ấn Độ) khuyên nên tính toán cụ thể số tiền đầu tư, tiết kiệm hàng tháng để đạt mục tiêu dài hạn lẫn số tiền còn lại sau các chi phí thiết yếu. Khi đối mặt với thực tế cần đảm bảo an toàn tài chính cho con và cho mình lúc về già, bạn đời không dám tiếp tục chi tiêu bừa bãi.

Một cách khác là tự động hóa việc thanh toán các hóa đơn hàng tháng khi lương về tài khoản. Bạn cũng thi thoảng để bạn đời thay mình trực tiếp trả các khoản phí để thấy chi phí hàng tháng tốn kém thế nào.

Vay nợ

Xu hướng mua trước, trả sau khiến việc mua sắm từ nhà cửa, xe cộ,... trở nên dễ dàng. Hành vi mua bán giúp giải phóng dopamine trong não, thành thứ gây nghiện, dẫn đến chi tiêu quá đà. Nếu chẳng may bạn đời mất việc, bị giảm lương hoặc kinh doanh thua lỗ, gia đình không còn khả năng trả nợ, gánh nặng lãi suất sẽ leo thang. Tài sản của bạn có thể bị ngân hàng thu giữ để trả khoản vay.

1-8679-1660788519.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G3SNYxq4TGvtFw0xj49TpQ

Ảnh minh họa: Business Insider

Nói dối, che giấu thông tin tài chính

Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của ET Wealth và tờ Economic Times, gần 39% người tin rằng việc nói dối bạn đời về tiền bạc là điều hoàn toàn bình thường, có 1/4 nói dối về thu nhập của họ. Dinesh Rohira, người sáng lập dịch vụ tài chính 5nance.com cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng đều nói dối để tránh gây bất lợi hoặc bảo vệ tài chính của họ.

Đàn ông thường nói dối hoặc che giấu thông tin nếu họ bị thua lỗ trong các khoản đầu tư hoặc kinh doanh, mắc nợ quá nhiều mà không thể trả được hoặc mua những món hàng có giá trị lớn.

Giải pháp: Tốt nhất nên tìm hiểu về tài chính trước khi kết hôn. Trò chuyện cởi mở về thu nhập của bạn, cách bạn muốn chi tiêu và đầu tư, cũng như mục tiêu tài chính bạn muốn. Tốt nhất, nên giữ lại thu nhập cá nhân của mình để tự do tài chính, đồng thời có một khoản quỹ chung, nơi hai người cùng đóng góp cho mục tiêu và chi phí chung.

Phụ nữ cũng cần học độc lập tài chính, hiểu về tài chính, quan tâm tích cực đến tài chính gia đình và nhận thức để tránh bị đối xử tệ bạc. Phải biết chồng đang đầu tư vào đâu và bạn có phải cùng trả nợ không, có tài sản chung hoặc đứng tên bạn không.

Quá lười lập kế hoạch tài chính

Bạn đời lười biếng, trong khi lại là người chịu trách nhiệm chính trong quyết định và giao dịch, có thể gây hại cho tài chính gia đình.

Không thanh toán hóa đơn có thể bị phạt, bỏ đóng phí bảo hiểm khiến hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Tệ hơn, không đầu tư và tiết kiệm đúng lúc dẫn đến thiếu hụt giá trị mục tiêu. Việc không theo dõi danh mục đầu tư hoặc tái cân đối đúng thời điểm có thể dẫn đến thua lỗ.

Tuy nhiên, không phải tất cả trì hoãn là lười biếng. Gặp khó khăn trong tính toán tài chính có thể khiến một người trì hoãn hành động.

Giải pháp: Hai vợ chồng cùng lập kế hoạch tài chính, ghi lại tác động của việc không hoàn thành mục tiêu đúng hạn. Nếu trì hoãn vì sợ hãi, vợ chồng nên thảo luận cởi mở, cho bạn đời thời gian giải quyết khúc mắc trong lòng, thay vì gây áp lực.

Vợ/chồng kiểm soát chi tiêu

Thông thường trong các gia đình, chồng là người duy nhất kiếm tiền thì sẽ nắm mọi quyết định tài chính. Điều này có nghĩa người đó có thể kiểm soát chặt chi tiêu, không đưa đủ tiền mua sắm cá nhân hoặc chi phí cho gia đình thoải mái.

Bất động sản, vàng hoặc các khoản đầu tư cổ phần chỉ đứng tên bạn đời, để người kia không có bất kỳ nguồn tài chính nào nếu hôn nhân đổ vỡ.

Giải pháp: Cần trang bị kiến thức đầy đủ về quyền tài chính, có thông tin và hiểu biết cần thiết. Khi chuẩn bị kết hôn phải yêu cầu bình đẳng tài chính trong mối quan hệ. Nếu bị kiểm soát, bạn cần ly thân hoặc đòi ly hôn, trước khi bị bạo hành kinh tế nghiêm trọng hơn.

Cho người thân vay tiền

Nguyên nhân lớn dẫn đến xích mích trong gia đình là vợ/chồng thường xuyên cho bạn bè hoặc người thân vay tiền mà không thông báo cho bạn đời biết. Đây là nguyên nhân chính đáng khiến người kia bức xúc, đặc biệt khi họ phải gián đoạn chi tiêu hoặc đầu tư.

Bên cạnh đó, những khoản vay như vậy thường không có lãi suất, có nghĩa bạn mất một khoản có thể được đầu tư, có lãi kép theo thời gian. Tệ hơn, bạn có thể không được trả lại tiền.

Kể cả việc đóng góp tài chính cho cha mẹ cũng có thể gây xung đột và bất ổn nếu nhu cầu của bản thân bị hy sinh hoặc mục tiêu tài chính tổn hại. Tình hình có thể trầm trọng hơn nếu cả hai vợ chồng đều có thu nhập nhưng lại góp tiền chỉ cho nhà vợ hoặc nhà chồng.

Giải pháp: Vợ chồng phải công khai các khoản cho vay, thời gian hoàn trả. Thay vì thỏa thuận lời nói, cho ai vay phải có văn bản với các điều khoản và thời hạn hoàn trả rõ ràng.

Đầu tư thất thường, thua lỗ thường xuyên

Trong các gia đình có thu nhập đơn lẻ, trụ cột gia đình nắm mọi quyết định tài chính, kể cả đầu tư. Không phải lúc nào anh/cô ấy cũng có thể thành thạo việc đó. Tuy nhiên, anh/cô ấy có thể tiếp tục đầu tư hoặc giữ quyền kiểm soát tài chính.

Trong những trường hợp như vậy, bạn đời có thể đầu tư sai lầm và chịu lỗ nếu không có lời khuyên tài chính chuyên nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính, làm đảo lộn ngân sách và dòng tiền của cả gia đình.

Giải pháp: Không có gì phù hợp hơn là tìm một cố vấn tài chính. Bên cạnh đó, bạn có thể san sẻ với bạn đời về trách nhiệm tài chính, để giảm bớt áp lực, nếu cô/anh ấy sẵn lòng. Một số nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ có khả năng đầu tư tốt hơn đàn ông, dù có thể đưa ra quyết định tồi, họ cũng ít mất tiền hơn.

Nhật Minh (Theo economictimes.indiatimes)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022