Bao nhiêu năm qua, cái nghèo cứ bám riết gia đình 8 người của A Tồng ở bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vì "chẳng biết làm gì khác để kiếm thêm thu nhập".

Sang năm 2024, cuộc sống vốn "nghèo mà bình yên" của họ xáo trộn khi bố mẹ của A Tồng tuổi cao, nhiều bệnh tật, thường xuyên phải đi viện. Hồi hè năm ngoái, con gái thứ ba của anh, bé Ly Thị Thủy bỗng nhiên bị phù nề khắp người. Từ đó, những tháng ngày thiếu ăn, thiếu mặc lại chồng thêm nỗi lo viện phí.

1-11-1739062132-8773-1739069481.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZBewZ-wdW-b-ii7PNOUkMQ

Cô bé Ly Thị Thủy và ông nội tại nhà ở bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé ngày 6/2. Ảnh: Và A Thành

Từ khi Thủy còn nhỏ đã có những triệu chứng phù nề ở tay chân, nhưng gia đình không có điều kiện đưa đi khám. Khi mặt con bị sưng phù, không đi lại và không tiểu tiện được, vợ chồng A Tồng mới vội vã đưa con xuống bệnh viện tỉnh Điện Biên. Tại đây, em được xác định mắc hội chứng thận hư và phải điều trị lâu dài.

Từ đó cứ hai tháng một lần gia đình phải đưa bé tới bệnh viện để được điều trị. Mặc dù có bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, chi phí đi viện và thuốc ngoài vẫn tốn 17-18 triệu đồng mỗi đợt. "Mỗi lần đi viện là phải vay anh em, mỗi người một ít", A Tồng nói.

Nhìn số nợ lên đến 50 triệu đồng, vợ chồng A Tồng hoảng. "Ở nhà chẳng biết làm gì cả. Không chữa được bệnh cho con, cũng không thể trả nợ", vợ A Tồng, Sùng Thị Thào, 32 tuổi, nói.

Đêm trước ngày lên đường, A Tồng dặn dò các con ở nhà ngoan ngoãn học hành, phụ giúp ông bà và mẹ. Anh ôm con bé Thủy vào lòng, dặn dò chịu khó uống thuốc.

Mờ sáng một ngày tháng 7/2024,, người đàn ông 33 tuổi lên xe, bỏ lại đằng sau ngôi nhà gỗ lụp xụp, nơi bốn đứa con vẫn say ngủ. Đặt lưng trên chiếc xe giường nằm, tim anh đập loạn, không biết vì những con đường đồi núi trập trùng hay do nỗi lo đang tràn ngập.

Cả đời chưa từng đặt chân đến nơi nào xa hơn chợ tỉnh, giờ đây anh ngồi trên chuyến xe rời khỏi bản làng biên giới, hướng về Hưng Yên với hy vọng tìm được một công việc.

"Tôi sợ không được nhận việc, sợ tốn kém tiền đi lại và không có tiền chữa bệnh cho con", anh nói. "Nhưng tôi phải đi, phải cứu lấy con gái mình".

A Tồng được giới thiệu vào làm thời vụ trong một công ty sản xuất khuôn viền nhôm TV. Công việc thoạt nhìn có vẻ đơn giản, thực tế lại không dễ dàng với anh, người đã quen với nếp làm nông tự do. Công việc phải làm việc theo dây chuyền, giờ giấc cố định, lại đòi hỏi phải đứng liên tục và học cách vận hành máy móc, điều mà anh chưa từng làm trước đây.

Những ngày đầu tiên, A Tồng thường xuyên mắc lỗi. Việc đứng quá lâu, cộng với việc không ăn sáng đầy đủ, khiến anh cảm thấy áp lực. "Mọi người không trách khi tôi làm lỗi. Họ hướng dẫn giúp tôi tự tin hơn và mong muốn được làm tốt hơn, nên dần dần đã thích nghi được," anh kể.

Do làm việc qua môi giới nên một phần lương của A Tồng phải trả cho họ. Mỗi tháng anh nhận về hơn 6 triệu đồng, trừ đi chi tiêu anh gửi về nhà hơn 4 triệu đồng. Để chi tiêu trong số còn lại, A Tồng phải hết sức tiết kiệm. Anh cho biết ngoài khoản tiền nhà và điện nước cố định 600.000 đồng, luôn cố gắng vun vén tiền ăn uống, bao gồm cả gạo trong khoảng 900.000 đồng mỗi tháng.

z6298823959016-6b23a026e08ae20-2228-1856-1739069482.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i73ZnBA3hPayJZ5KvJPgdA

Cô bé Ly Thị Thủy, 9 tuổi chỉ nặng 17 kg. Ảnh: Và A Thành

Ông Và A Thành, trưởng bản Nậm Pố cho biết gia đình A Tồng cùng với hàng trăm hộ khác về định cư tại bản từ những năm 2000, theo Đề án 79. Đời sống bà con không còn du canh, du cư, nhưng nhiều hộ vẫn còn khó khăn.

"Gia đình A Tồng càng thêm khó do mẹ bị bệnh phải xuống Bệnh viện Việt Đức điều trị, con gái bị thận hư phải uống thuốc quanh năm. Làm nông không đủ sống, buộc A Tồng phải rời xa bản, rời xa vợ con đi làm công nhân", ông Thành cho biết.

Cuộc sống nơi phố thị với A Tồng là những ngày dài mệt mỏi và những đêm trằn trọc lo âu. Anh biết ở nhà vợ cũng đang rất vất vả vì phải một mình gồng gánh chăm con thơ và bố mẹ già, lo toan đồng áng. Mỗi cuộc điện thoại gọi về, nhất là khi thấy con bé Thủy ốm yếu, cơ thể sưng phù, anh lại lén lau nước mắt.

Bệnh nhân thận hư cần có chế độ ăn nghiêm túc theo từng độ tuổi và cân nặng. Gia đình không có điều kiện, cũng không có kiến thức để chăm sóc, nên đôi khi bé ăn một bữa thịt bò, thịt lợn cũng làm gia tăng tình trạng phù nề, khó khăn tiểu tiện. Những lúc đó, người cha chỉ muốn "bỏ tất cả về ôm con".

Nhưng do đường xa, chi phí đi lại tốn kém nên 3-4 tháng, anh mới về nhà một lần. Tết này, Ly A Tồng về nghỉ được nửa tháng. Trong số tiền mang về, anh trích ra gần một triệu đồng, mua bốn bộ quần áo cho các con.

"Các con vui lắm vì chưa cái Tết nào có quần áo mới cả", người cha nói.

Phan Dương

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022