Có nhiều cô gái lớn lên là bản sao của mẹ mình trong tất cả mọi chuyện. Nhưng hai con người với suy nghĩ, hành vi, tính cách, cách hành động khác nhau thì sẽ dẫn đến hai cuộc đời rất khác.
01
Từ trước đến nay, Hương luôn cố gắng để có một cuộc sống khác với mẹ mình. Mẹ Hương lấy chồng năm 21 tuổi, cả cuộc đời hi sinh vì gia đình. Một tay bà lo toan tất cả từ chuyện đối nội đối ngoại, chăm sóc các con, vun vén cho chồng.
Bố Hương sống cực kỳ thoải mái và thong dong bởi tất cả đã có vợ thu vén. Thậm chí ở nhà ông bà nội cô, tất cả mọi thứ đều đến tay mẹ. Gia đình ông bà không chỉ có một cô con dâu nhưng họ chỉ tin tưởng mẹ trong mọi việc bởi vì bà quá chu toàn, sống quá trọn vẹn với gia đình chồng. Cũng bởi vậy, cả cuộc đời mẹ Hương vất vả.
Chuyện gì cũng đến tay bà, chồng không thể đỡ đần được bao nhiêu vì công việc của ông bận rộn, hay phải đi đây đi đó. Khi về nhà, ông chú tâm vào thú vui chơi chim, chăm cây cảnh, đến bữa đã có vợ nấu ăn, nhà cửa có vợ dọn, quần áo có vợ giặt. Thậm chí trong bữa cơm, khi muốn xin thêm bát cơm nữa, bố Hương chỉ cần đưa bát, mẹ đã tự động thêm cơm cho ông. Cuộc sống như một kẻ phục tùng đó đôi lúc khiến chính Hương cũng thấy khó chịu bởi tất cả việc nhà mặc định là nhiệm vụ của mẹ.
Tranh minh hoạ.
Kể cả khi về nhà ông bà nội cũng thế, tất tần tật mẹ cô phải đảm nhận. Cùng là con dâu nhưng thím cô có thể thoải mái ăn diện son phấn đến sau, mẹ cô phải qua nhà ông bà từ hôm trước dọn đồ mua sắm lên thực đơn. Trong bữa cỗ có gì cũng phải gọi đến mẹ. Mẹ cô như con thoi, thoăn thoắt mọi thứ, bà không giao được cho ai khác bởi cuộc sống đó đã tồn tại hàng chục năm. Thậm chí đôi khi bà tự tay thực hiện như một bản năng không thể nào thay đổi.
Vì cuộc sống của mình, bà dặn Hương đừng sống như mẹ, hãy sống khác, đừng để bản thân "chết chìm" trong những công việc không tên của cuộc hôn nhân.
02
Hương hiểu điều đó. Với cá tính mạnh của bản thân, cô cũng muốn thay đổi cuộc đời mình để không dẫm lên vết xe đổ của mẹ.
Ngày rằm tháng Giêng, Hương cùng mẹ chồng lên kế hoạch để mua sắm nấu cỗ. Cỗ rằm sẽ có cả gia đình chị gái chồng sang ăn. Hương cũng làm nhưng chừng mực và vừa phải, cô không ôm đồm tất cả, không tự biến bản thân thành một người toàn năng để rồi mấy mươi năm làm dâu phải vất vả như mẹ mình.
Đến giờ ăn cỗ, Hương đang tập trung ăn uống thì nghe thấy tiếng của người chị gái chồng cất lời: "Hình như chưa có canh nhỉ?".
Đây là một câu hỏi mà cũng chẳng phải, nó đơn giản là một lời thông báo để "ai đó" đứng dậy, múc bát canh đưa đến mâm. Câu nói của chị gái lơ lửng trên không. Hương nghe thấy nhưng cô không có ý định đứng dậy hay lên tiếng. Nếu không thấy canh, chị gái đơn giản là tự tay đi lấy một bát nhưng thay vào đó, chị lại hỏi như sai khiến người khác phải tự động thực hiện.
Câu nói của chị đâu có chủ ngữ, Hương sẽ chẳng dại vơ vào mình. Cô nhớ đến mẹ, người luôn vội vàng ngồi dậy khỏi mâm trước những yêu cầu, câu hỏi của các bác các cô. Nhưng thật bất ngờ, câu hỏi tuy không có chủ ngữ nhưng bố mẹ chồng, anh rể lẫn chị gái chồng đều hướng ánh mắt về Hương. Thậm chí đến cả chồng Hương cũng như thế. Cô im lặng, tiếp tục ăn nốt món miến xào ưa thích và đương nhiên cũng không tranh phần đi lấy canh.
Thấy cả nhà im lặng, chị gái chồng lúc này mới đứng dậy hỏi tiếp:"Canh hâm xong chưa?".
Mẹ chồng lúc này mới bảo: "Con vào bưng ra đi, canh đã múc ra rồi đấy".
Lúc này, Hương thoải mái gắp thêm miến, cúi đầu bật cười. Có lẽ những ngày đầu làm dâu, mẹ cô rơi vào tình huống đó và tự ôm đồm vào mình. Bà thoả hiệp và rồi thoả hiệp đến hàng chục năm. Nhưng Hương không làm vậy, cô nhớ lời dặn hãy sống khác của mẹ và vẽ một cuộc đời làm dâu khác cho chính mình.
Tranh minh hoạ.
03
Nhiều khi, có những công việc không tên trong nhà mặc định là con dâu thực hiện. Bước vào một cuộc hôn nhân hoặc vào gia đình chồng, bỗng nhiên họ mặc định phải là người nhận nhiệm vụ chăm sóc, lo toan cho cả gia đình. Điều đó hiển nhiên đến mức đôi khi việc phục vụ bữa ăn, phải vội vàng ăn uống, tất bật đứng lên ngồi xuống để thêm cơm, lấy nước chấm là điều mặc định mà ai cũng cho là đúng. Thậm chí, người nhà chẳng cần thưa gửi, cảm ơn hay yêu cầu đưa ra cần chủ ngữ rõ ràng.
Đơn giản bởi trong mắt nhiều người, nhiệm vụ của người vợ, người con dâu trong nhà là phải làm những điều đó. Những thành viên khác trong gia đình khi đưa ra yêu cầu thì chẳng cần chủ ngữ, thưa gửi hay chỉ đích danh nữa.
Tranh minh hoạ.
Nhiều người con dâu đã sống như vậy. Họ cũng là "con" trong gia đình chồng như lời người nhà chồng nói nhưng khi thêm chữ "dâu" phải chăng cách đối xử và cách vận hành mối quan hệ đã khác rồi.
Dần dần, nhiều lớp con dâu đã sống như vậy, nổi lên về hình mẫu của sự chịu thương chịu khó, lo toan vất vả, một bữa cơm chẳng bao giờ yên bình mà nhấm nháp thưởng thức. Tuy nhiên cũng nhiều bà mẹ đã "thấm" điều đó, họ thấu hiểu những cay đắng của một cuộc sống "nàng dâu tự động" khi phải phục vụ toàn bộ những vấn đề trong gia đình chồng. Bởi vậy, nhiều bà mẹ muốn con gái thay đổi để có một cuộc sống khác.
Với Hương, bữa cơm ngày rằm tháng Giêng có lẽ là cách làm đơn giản nhưng tinh tế để bày tỏ quan điểm với tất cả mọi người. Chẳng có công việc nào là mặc định thuộc về con dâu. Cô đã tự vẽ ra một cuộc sống làm dâu khác cho chính mình.