Lớn lên trong một gia đình có gia quy nghiêm khắc "đúng phong cách đồng bằng Bắc bộ", anh Thành, 35 tuổi, ở Hà Nội không lạ gì chiếc roi mây - công cụ dạy dỗ trẻ quen thuộc của các bậc cha mẹ. Thời nhỏ, anh luôn ngoan ngoãn vì sợ bị đánh nhưng lớn lên nhận ra mình rất thiệt thòi vì không biết cách bảo vệ quan điểm cá nhân, luôn thu mình chịu đựng khi bị bắt nạt.
Giờ đây, làm cha, anh chọn không dùng đòn roi, nhưng vẫn hoang mang "không đánh đòn thì làm thế nào để con nghe lời?".
Bà Hoàng Thu Huyền, thạc sĩ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, trưởng bộ phận Tâm lý, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam (tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho nhóm những người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người), cho rằng rất nhiều phụ huynh đang bối rối như anh Thành.
Bà cho rằng, trước hết, cần phân biệt giữa việc nuôi dạy con sử dụng kỷ luật, bạo lực và để con tự do phát triển. Một số khái niệm cần làm rõ:
Nuôi dạy tự do: Trẻ được muốn làm gì thì làm, không bị giới hạn bởi quy tắc. Hệ quả là trẻ thiếu kỹ năng tự kiểm soát, khó thích ứng với môi trường đi học, đi làm và dễ mất phương hướng.
Nuôi dạy bằng bạo lực: Dùng roi vọt, mắng chửi, đe dọa khiến trẻ sợ hãi mà nghe lời, nhưng không hiểu đúng sai. Lâu dài, một số trẻ có thể dễ bị lo lắng, trở nên khép kín hoặc thiếu tự chủ, hành xử khác đi khi không có mặt cha mẹ.
Kỷ luật tích cực: Cha mẹ yêu thương và đưa ra ranh giới rõ ràng, giải thích hành vi đúng/sai để trẻ hiểu và tự điều chỉnh. Trẻ thấy an toàn và được tôn trọng, kể cả mắc lỗi. Những trẻ này thường có khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát bản thân trong nhiều môi trường và khi lớn lên có ý thức rõ ràng về giá trị bản thân.
Trẻ em, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, đang trong giai đoạn phát triển não bộ, khả năng kiểm soát cảm xúc còn hạn chế. Quát mắng, bạo lực thường xuyên khiến não bộ trẻ luôn trong trạng thái cảnh giác, cơ thể sẽ dồn sức để ứng phó với căng thẳng và nỗi sợ thay vì tiếp thu kiến thức từ cha mẹ.
Trẻ sống trong gia đình thường xuyên bị bạo lực có xu hướng suy giảm khả năng tiếp nhận thông tin và suy nghĩ logic. "Bạo lực còn ảnh hưởng đến cảm xúc, lòng tự tin, khả năng thiết lập mối quan hệ và cảm giác an toàn của trẻ", bà Huyền nói.

Ảnh minh họa: Pexels
Cha mẹ có thể làm gì để kỷ luật tích cực?
Theo bà Thu Huyền, đầu tiên là cha mẹ phải xây dựng mối quan hệ với trẻ dựa trên tình yêu thương và sự tôn trọng.
Phụ huynh nên bắt đầu từ những điều giản dị như dành thời gian cho con mỗi ngày, lắng nghe cảm xúc và cung cấp kỹ năng thay vì chỉ chăm chăm bắt lỗi, tôn trọng ý kiến con dù khác biệt.
Nhà tâm lý học Ross Greene từng nói "Không có con hư, chỉ có những nhu cầu chưa được đáp ứng và kỹ năng chưa được dạy". Một đứa trẻ đập phá khi tức giận có thể vì không biết phải làm gì khác.
Trẻ không thể bình tĩnh nếu cha mẹ gào lên "Con bình tĩnh lại ngay!". Thay vào đó, hãy dạy con điều hòa cảm xúc như uống nước, hít thở sâu, viết cảm xúc ra giấy, đếm số từ 1 đến 10 và đợi đến khi bình tĩnh rồi mới trò chuyện.
Cha mẹ cũng cần làm gương, hít thở, nói bằng giọng nhẹ nhàng, dùng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể để cùng trẻ giữ bình tĩnh.
Tiếp theo, cùng trẻ thiết lập nguyên tắc rõ ràng, công bằng và không thay đổi tùy hứng. Khi con thực hiện theo các nguyên tắc, hãy nhớ ghi nhận, khen ngợi và động viên con.
Trẻ không thực hiện theo nguyên tắc, hãy để con nhận những hệ quả đã thống nhất từ trước. Hệ quả logic giúp con học được trách nhiệm mà không cần cha mẹ "trở thành người xấu", ví dụ "Sau khi học xong bài, con được xem TV 20 phút. Nếu không tắt đúng giờ, ngày mai sẽ không được xem".
Khi cha mẹ kiên trì, trẻ sẽ học cách tự điều chỉnh, thay vì cần người lớn luôn kiểm soát và từ đó, tránh được xung đột giữa cha mẹ và con cái.
Nếu cha mẹ từng dùng đòn roi và đang cảm thấy bất lực, có thể bắt đầu lại từ đâu?
Bước 1: Dừng lại và xin lỗi
Tạo cảm giác an toàn bằng cách chấm dứt mọi hành vi gây tổn thương, và xin lỗi một cách chân thành. Đây là bước đầu tiên để hàn gắn.
Bước 2: Xây dựng lại mối quan hệ an toàn
Tạm dừng việc dạy dỗ, chỉ dành thời gian chơi, đọc sách, nấu ăn cùng con. Sự hiện diện toàn tâm toàn ý của cha mẹ với tình yêu thương không điều kiện giúp não bộ trẻ thiết lập lại cảm giác an toàn.
Trong một số trường hợp con mắc lỗi, ví dụ như khi con gây sự đánh nhau ở trường, phụ huynh không nên vội khuyên răn "con làm vậy là sai", khiến trẻ thấy cha mẹ không quan tâm đến quan điểm và cảm xúc của mình. Hãy để con được nói và cha mẹ sẽ lắng nghe, không ngắt lời. Sau đó nên đặt câu hỏi để hiểu kỹ hơn chuyện gì đã thực sự xảy ra và cho trẻ biết mình hiểu con qua lời nói như "Hẳn là con đã rất bức xúc/ thất vọng/cáu giận khi đó". Sau đó, phụ huynh nói về giải pháp "Nếu bây giờ bình tĩnh lại rồi, con nghĩ mình sẽ làm khác đi thế nào?", "Bây giờ con muốn cha mẹ có thể giúp gì cho con".
Sau khi đã thiết lập được mối quan hệ an toàn với con, phụ huynh có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực đã đề cập ở trên.
Chuyển từ dạy dỗ bằng roi vọt sang kỷ luật tích cực không dễ, nhưng là món quà lớn nhất cha mẹ có thể trao cho con. "Mục tiêu không phải là những đứa trẻ biết sợ, mà là những đứa trẻ có trách nhiệm, có cảm giác về giá trị bản thân, biết yêu thương và tự điều chỉnh trong cuộc sống hiện tại và sau này", nhà tâm lý nói.
Phạm Nga