Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bé. Thoát vị bẹn thường gặp ở bé trai và trẻ sơ sinh thiếu tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Tuấn, Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An, cho biết thoát vị bẹn do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống dưới vùng bẹn, khiến dịch ổ bụng hoặc ruột chạy xuống. Chúng tạo thành khối phồng to ở bẹn.

Thông thường, ở những tháng cuối của thai kỳ hoặc tháng đầu sau sinh, ống phúc tinh mạc của trẻ sẽ tự đóng lại. Trẻ càng lớn, khả năng tự đóng của ống phúc tinh mạc càng thấp. Trường hợp ống phúc tinh mạc không đóng, sẽ gây ra thoát vị bẹn ở trẻ.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do trẻ rặn quá nhiều sau một đợt táo bón hoặc ho liên tục thời gian dài. Thoát vị bẹn ở trẻ có thể gặp ở một bên hoặc cả hai bên, tỷ lệ thoát vị bẹn bên phải nhiều hơn bên trái.

Khi bị thoát vị bẹn, trẻ cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, bệnh không những làm chậm quá trình phát triển của trẻ mà còn gây ra biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện thoát vị bẹn ở trẻ em

Theo bác sĩ Viết Tuấn, thoát vị bẹn ở trẻ em có những biểu hiện sau đây:

- Xuất hiện một khối u phồng ở vùng bẹn của trẻ: Ở bé trai, khối phồng này còn lan đến vùng bìu. Bé gái là khối phồng vùng mu - môi lớn. Nếu trẻ nằm yên rất khó phát hiện khối phồng vì khi đó khối thoát vị (dịch ổ bụng hoặc ruột) lại chui về ổ bụng, vùng bẹn của trẻ trở về trạng thái bình thường. Kích thước khối u phồng sẽ tăng lên khi trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, ho, quấy khóc hoặc rặn. Bạn có thể nhìn thấy khối thoát vị chuyển động dọc theo ống bẹn khi trẻ chạy nhảy.

modernmom_com_edited_267eb91709de5d5046175b6058c2617a_800x420.jpg
Thoát vị bẹn thường gặp ở bé trai và trẻ sơ sinh thiếu tháng.Ảnh: Popmama.

- Nắn vào vùng phồng sờ được túi thoát vị: Khối thoát vị mềm, nắn không đau. Bạn có thể đẩy khối thoát vị di chuyển.

- Bệnh nặng hơn khi khối thoát vị bị nghẹt, không trở lại ổ bụng được: Việc này khiến cho vùng u phồng có thể sưng đau, kèm theo đó là những cơn quặn đau bụng dữ dội, bụng trướng, táo bón, trẻ quấy khóc, nôn hoặc buồn nôn.

Một số bệnh cũng có biểu hiện ở vùng bẹn và bìu mà trẻ có thể mắc phải như xoắn tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, viêm tấy vùng ống bẹn bìu, viêm tinh hoàn…

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Dựa trên những biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm hỗ trợ, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.

"Thoát vị bẹn trẻ em, nhất là ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của bé và gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng thường gặp của bệnh như: Rối loạn tiêu hóa, chậm lớn; táo bón, không thể đi đại tiện, tinh hoàn xoắn, teo tinh hoàn ở bé trai; ảnh hưởng buồng trứng ở bé gái; hoại tử ruột...", bác sĩ Tuấn nói.

Điều trị

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thoát vị bẹn cần được điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nguyên tắc điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em là phẫu thuật đóng lại bao thoát vị. Hai phương pháp chính là phẫu thuật mở (mổ mở) truyền thống và nội soi.

20201114_thoat_vi_ben_o_tre_so_sinh_2.jpg

Bác sĩ Nguyễn Viết Tuấn khuyến cáo thoát vị bẹn cần được điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt. Ảnh: Amarinbabyandkids.

Phương pháp phẫu thuật mở truyền thống: Mổ mở đường bẹn cắt bao thoát vị. Với kỹ thuật mổ mở truyền thống này, bệnh nhân sẽ được gây mê, do đó không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật. Bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch một vết mổ nhỏ theo nếp lằn bụng bẹn dưới, đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong bao thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp, phẫu tích bao thoát vị và thắt lại.

Thời gian nằm viện trung bình 2-3 ngày. Tuy nhiên, phương pháp này không cho phép phát hiện được trẻ có nguy cơ bị thoát vị bẹn bên đối diện hay không. Tỷ lệ tái phát của phương pháp này khoảng 2-5%. Tỷ lệ trẻ bị thoát vị bẹn bên đối diện sau mổ mở khoảng 20-30%.

Phương pháp mổ nội soi: Phẫu thuật nội soi sử dụng những đường rạch da rất nhỏ để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng để đóng lại bao thoát vị. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là không phải rạch cân cơ, vết mổ rất nhỏ nên trẻ đau ít sau mổ, kết quả thẩm mỹ tốt, thời gian nằm viện ngắn (một ngày). Phẫu thuật nội soi cho phép phát hiện được trẻ có nguy cơ bị thoát vị bên đối diện đồng thời có thể đóng lại, giúp trẻ không bị thoát vị bẹn bên đối diện.

Có nhiều phương pháp mổ nội soi đang được áp dụng tại Việt Nam như phẫu thuật nội soi 3 lỗ; phẫu thuật nội soi 2 lỗ, phẫu thuật nội soi một lỗ.

Bác sĩ Viết Tuấn khuyến cáo thoát vị bẹn ở trẻ em không thể tự khỏi mà phải điều trị bằng phẫu thuật. Cha mẹ cần quan sát thật kỹ những dấu hiệu bất thường ở trẻ, không được tự điều trị tại nhà hoặc đợi con tự khỏi. Bệnh biến chứng nặng sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị và gây ra những tổn thương khó phục hồi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022