Nếu các bậc cha mẹ nghĩ rằng cậu bé khó nuôi dạy thì đây là 4 quy luật vàng họ nên ghi nhớ.

Quy luật bể cá

Cá vàng nuôi trong bể dù có bao lâu cũng chỉ đạt đến chiều dài nhất định. Nhưng nếu thả chúng xuống ao thì có thể dài thêm vài cm nữa.

Tương tự, trong việc giáo dục con trai, cha mẹ không thể bao bọc con suốt đời trong "bể cá" mà mình xây. Hãy cho con không gian tự do để phát triển, hạn chế áp đặt những ý kiến cá nhân của mình lên con. Nếu mãi được cha mẹ bao bọc trong môi trường gia đình, giống như bể cá, con trai không thể nào trở thành "cá lớn".

Tong Tong là một đứa trẻ rất hoạt bát, hiếu động. Mỗi khi cậu bé định "phá hoại", mẹ cậu bé sẽ kịp thời bảo con dừng lại. Một lần mẹ đi công tác. Ở nhà với bố, Tong Tong không bị cấm đoán điều gì, thậm chí còn được dung túng. Ông bố nói: "Con bày bừa thì phải dọn sạch. Con làm hỏng thì phải sửa".

Mẹ Tong Tong rất lo cho con những ngày ở nhà với bố. Kết quả khi về phát hiện con có vẻ trưởng thành hơn trước, tuy nghịch nhưng hiểu chuyện, tuy ồn ào lại có sự chín chắn. Người mẹ thấy dường như con đã trở thành một "người lớn nhỏ". Vì thế với con trai, đôi khi buông tay trong khuôn khổ lại mang đến sự trưởng thành ngoài mong đợi.

360-F-320628514-v2dFkpMDuJvLXe-5650-8240-1672387805.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DzZoPj04mgylXcYaR2zhWQ

Luật trừng phạt tự nhiên

Hình phạt tự nhiên là để trẻ cảm nhận được kết quả tự nhiên do hành vi của mình mang lại, từ đó đạt được mục đích giáo dục.

Xiao Kai rất bướng bỉnh, dù mẹ nói gì cũng không nghe. Có lần cậu bé nói: "Nếu mẹ không cho con chơi điện thoại, con sẽ không đi ngủ".

Tính cách của cứng đầu của con trai khiến người mẹ nhiều lúc bất lực. Song, bố của Xiao Kai đã đồng ý với "yêu cầu" của con, hai vợ chồng đi ngủ để lại mình cậu bé ở phòng khách.

Vài phút sau, Xiao Kai vào phòng đi ngủ, nhưng người cha nói: "Con không thể ngủ được vì chưa nghịch điện thoại". Cậu bé thấy bố làm căng, bắt đầu khóc. Dù vậy, người cha vẫn không động lòng. Cuối cùng, Xiao Kai thừa nhận sai lầm của mình và lúc này mới được đi ngủ. Kể từ đó, cậu bé không bao giờ bướng bỉnh nữa.

Nếu trong gia đình có bé trai, nếu bé thường xuyên ngang bướng và "bắt nạt" bố mẹ bằng cách tự làm đau mình, bố mẹ có thể để con tự nếm trải "hậu quả tự nhiên".

Luật của bà Gandhi

Con của bà Gandhi sắp phải mổ vì bị bệnh, bác sĩ muốn nói điều gì đó tốt đẹp để an ủi đứa trẻ nhưng bà Gandhi đã nói thật và giải thích cho đứa trẻ kết quả thực sự của ca mổ. Mục đích là để con đối mặt với khó khăn và thất bại, để học cách dũng cảm và mạnh mẽ.

Khi nuôi dạy một cậu bé, sở dĩ con ngỗ nghịch có lẽ là do cha mẹ quan tâm quá nhiều, khiến cậu bé không nhìn nhận một cách khách quan những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, không hiểu được một số thói quen đúng, không nhận ra vai trò giáo dục của bố mẹ.

Vì vậy, nếu trong gia đình có con trai, cha mẹ đừng quá chăm chút con, mà hãy để con trải qua khó khăn, để con có sức mạnh tinh thần và một trái tim biết rung động.

Hiệu ứng gió nam

Trong câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc gió Bắc và gió Nam cá cược xem ai mạnh hơn. Chúng thách đố nhau, nếu ai có thể cởi áo của người đi đường thì đó mới là kẻ mạnh nhất.

Sau khi cuộc thi bắt đầu, gió Bắc ra sức thổi. Tuy nhiên, dù gió Bắc dữ dội đến đâu, người đi đường cũng không cởi áo mà còn quấn khăn, đóng cúc áo ngày càng chặt hơn. Trong khi đó, gió Nam chỉ thổi nhẹ, mát mẻ là người đi đường đã cởi áo khoác.

Nuôi dạy con trai cũng tương tự. Câu chuyện ngụ ngôn nhắc nhở mỗi người rằng lòng khoan dung có sức mạnh hơn rất nhiều so với sự trách cứ, trừng phạt. Trong việc giáo dục con trai, nhiều bậc cha mẹ sẽ luôn mắng mỏ và trấn áp hành vi ồn ào của cậu bé. Tuy nhiên, hiệu quả thường không đạt yêu cầu.

Điều này là do sự hiếu động của cậu bé là một loại bản chất, không thể thay đổi. Do đó, việc đàn áp không thể hiệu quả. Ngược lại, nếu cha mẹ có thể dịu dàng với con cái như gió Nam, sẽ nhận được kết quả giáo dục đáng ngạc nhiên.

Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022