Với mục đích giúp trẻ em vận động nhiều hơn, Trung Quốc đưa môn thể thao trở thành môn học chính trong kỳ thi trung khảo từ năm 2021. Ở một số tỉnh, kỳ thi gồm các nội dung như bơi lội, nhảy dây, chạy đường dài, gập bụng, nhảy dây, bóng rổ. Áp lực của môn học này gần tương đương môn Toán và môn tiếng Trung.

Ở Trung Quốc, zhongkao là kỳ thi "sinh tử". Theo dữ liệu chính thức, mọi học sinh 15 tuổi ở nước này đều phải tham gia nhưng tỷ lệ đỗ chỉ khoảng 50%. Những học sinh thi trượt không được theo học tại một trường trung học phổ thông bình thường và buộc phải học trong hệ thống trường nghề.

a-1117-1713583535.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j8sP0ycQOL36lmNp31AEDA

Ảnh: Sixthtone

Dưới áp lực mới, nhiều cha mẹ mua đồ uống tăng lực, được quảng cáo giúp con cải thiện thành tích môn học này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định thành phần trong thứ thuốc "ma thuật" này chỉ là caffeine, taurine cao và các chất khác như creatine.

Trên Taobao, một nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, thứ nước uống được quảng bá có thể giúp học sinh chạy nhanh hơn bán được hơn 5.000 chai.

Các loại đồ uống này chỉ là một phân khúc của ngành công nghiệp đang bùng nổ khi có sự xuất hiện của các kỳ thi thể thao tại Trung Quốc. Các thương hiệu giày sneaker tung ra những đôi giày được quảng cáo dành riêng cho học sinh thi zhongkao. Các công ty giáo dục Trung Quốc cung cấp các lớp giáo dục thể chất được thiết kế đặc biệt để giúp trẻ thành công trong các kỳ thi.

Phụ huynh cũng đang chia sẻ những "chiêu" vượt qua kỳ thi trên mạng xã hội. Chẳng hạn có người khuyên nên cho học sinh mặc áo hoodie khi thi. Một số gia đình cho con gái uống thuốc tránh thai để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt.

Trước thực tế này, một số người Trung Quốc tỏ ra quan ngại về các kỳ thi thể thao đặt nặng tính hình thức. Các địa phương cũng đang giảm dần áp lực thi thể chất cuối kỳ, chú trọng hơn vào thành tích thể dục suốt năm học.

Năm ngoái, một số địa phương cho môn chạy đường dài thành môn tự chọn thay vì bắt buộc do học sinh không đủ thể lực suốt ba năm đại dịch. Năm nay, môn thi này trở lại bắt buộc, nhưng hạ bớt yêu cầu.

Yu Weijun, một bà mẹ 42 tuổi, ở thành phố Ninh Ba, ủng hộ quyết định của hạ bớt đòi hỏi với môn chạy trong kỳ thi. Tuy nhiên, chị cho rằng đưa thể dục thành môn thi là đúng đắn.

"Nếu không yêu cầu môn này, các môn khác chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn và học sinh sẽ càng lười thể dục hơn nữa", Yu nói.

Nhật Minh (Theo Sixthtone)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022