1. Cha mẹ quá mạnh mẽ, lấn át con khi giao tiếp
"Cha mẹ mạnh con yếu" dường như đã trở thành chuẩn mực trong phương thức giao tiếp giữa cha mẹ và con cái ngày nay.
Điều này tưởng chừng như không có vấn đề gì bởi đó là bản năng yêu thương con cái của cha mẹ.
Tuy nhiên, trên thực tế nó lại dễ tạo ra những đứa trẻ có EQ thấp, không chịu được áp lực trong cuộc sống.
Mô hình "cha mẹ hổ" có nhiều khả năng làm tăng trải nghiệm tiêu cực về bản thân của trẻ và trở thành nguồn gốc của lòng tự trọng thấp và cảm xúc tiêu cực.
Trẻ sẽ cảm thấy mình yếu đuối và cần được bảo vệ, khi gặp phải việc gì dù chưa thử nhưng chúng rất thích nói "Con không làm được đâu" và phản ứng đầu tiên của chúng là "nhờ cha mẹ giúp".
Nói chung, trẻ luôn rụt rè và sợ hãi trước mọi thứ.
Đối mặt với những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp, không chịu được áp lực trong cuộc sống, cha mẹ cần biết cách "tỏ ra yếu đuối" với con đúng lúc.
Nữ diễn viên Hoắc Tư Yến thường cố tình chịu thua và làm nũng trước cậu con trai Đỗ Vũ Kỳ (biệt danh Ah Ha).
Khi đến trung tâm thương mại, Hoắc Tư Yến sẽ nhờ Ah Ha cầm đồ giúp. Cô ấy cũng sẽ nói với con trai rằng mình sợ trượt cầu trượt, và sau đó, Ah Ha như một hiệp sĩ dũng cảm, tay cầm tay dắt mẹ cùng trượt.
Hành động như một đứa trẻ và yêu cầu giúp đỡ vào những thời điểm nhất định không chỉ khiến trẻ cảm thấy cần thiết mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy trẻ trở nên chủ động và góp phần cải thiện một cách hiệu quả EQ của trẻ.

Mô hình "cha mẹ hổ" có nhiều khả năng làm tăng trải nghiệm tiêu cực về bản thân của trẻ và trở thành nguồn gốc của lòng tự trọng thấp và cảm xúc tiêu cực. Ảnh minh họa
2. Cha mẹ luôn so sánh và hạ thấp con trong giao tiếp
Hiện nay, có không ít bậc phụ huynh mắc phải thói quen không tốt này khi giao tiếp với con.
Họ luôn thấy rằng con mình chưa đủ giỏi, từ đó dẫn tới việc so sánh con mình với "con nhà người ta" hoặc luôn chỉ trích con bằng những câu nói như "bằng tuổi mày, người ta đã…".
Thậm chí, nhiều cha mẹ còn cố tìm lỗi sai của con, từ đó nói những lời gây tổn thương tới lòng tự trọng của đứa trẻ.
Theo đó, bất kể những lời nói so sánh này mang ý tốt muốn khích lệ con phải cố gắng hơn nữa hay mang ý tiêu cực chỉ trích, hạ thấp con cái thì các bậc phụ huynh đều không nên sử dụng.
Việc cha mẹ liên tục đem con đi so sánh, không công nhận sự nỗ lực của con, thậm chí dùng lời lẽ chê bai thành quả của trẻ dễ khiến trẻ chịu tổn thương về mặt tâm lý.
Lâu dần khiến đứa trẻ tin vào những lời cha mẹ nói và tự nhận mình là kẻ "vô dụng", "kém cỏi". Suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới EQ của trẻ sau này.
3. Cha mẹ không lắng nghe nhu cầu của con
Tiến sĩ Julia DiGangi, một nhà thần kinh học đến từ Mỹ, cho biết đã từng làm việc với một phụ huynh có con gái gặp khó khăn về việc bày tỏ cảm xúc.
Họ đã rất thất vọng vì khi đến cửa phòng khám, em bé từ chối ra khỏi xe để gặp bác sĩ.
Nhưng khi có cơ hội được nói chuyện với cô bé, Julia hiểu rằng đứa trẻ này cảm thấy khó chịu với tiếng nhạc ở phòng khám. Sau đó, vấn đề dễ dàng được khắc phục bằng một chiếc bịt tai.
Cuối cùng, vấn đề thực sự là cha mẹ không lắng nghe nhu cầu của con trẻ.
Bộ não của trẻ được 'thiết kế' để có tính tự chủ và nhu cầu khám phá thế giới dựa trên cá tính riêng của chúng, chứ không phải dựa trên niềm tin của bố mẹ về việc chúng nên trở thành ai.
Nếu cha mẹ đang bất đồng quan điểm với con cái. Thay vì hỏi tại sao chúng không nghe lời, hãy cân nhắc hỏi: "Bố mẹ đã thực sự hiểu con chưa?"
Những bậc cha mẹ thông minh về mặt cảm xúc sẽ không bắt con phải tuân theo những yêu cầu của mình. Thay đó, họ mong muốn được kết nối để lắng nghe những trải nghiệm của con.

Những bậc cha mẹ thông minh về mặt cảm xúc sẽ không bắt con phải tuân theo những yêu cầu của mình. Ảnh minh họa
4. Cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc
Một cư dân mạng đã đăng topic than thở như thế này: "Mẹ tôi là một người rất không ổn định về mặt cảm xúc. Bà ấy đôi khi ủ rũ, đôi khi vui vẻ và đôi khi rất cáu kỉnh. Tôi không bao giờ biết tâm trạng của mẹ sẽ thay đổi như thế nào trong một giây tiếp theo.
Khi bà giận, bà đánh tôi, mắng mỏ tôi rất nặng nề khiến tôi cảm thấy mình như không phải con đẻ của bà vậy, nhưng cũng khi bà yêu tôi, thương tôi, tôi lại cảm thấy bà thực sự coi tôi là tất cả".
Điều đáng sợ là anh ta phát hiện ra rằng anh ta không thể không bắt chước mẹ mình và đối xử với người yêu như cách mẹ anh ta đối xử với anh ta.
Dù biết chuyện này có vấn đề nhưng anh vẫn thường xuyên biểu hiện EQ thấp, không kiềm chế được cảm xúc.
Có cha mẹ không biết kiềm chế cảm xúc là một thảm họa đối với việc phát triển EQ của trẻ, và điều đáng sợ hơn là bi kịch này sẽ càng lúc càng nghiêm trọng.
Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên học cách không nổi nóng vô cớ, không giận cá chém thớt mỗi khi ở một mình với con.
Khi đối mặt với áp lực vô hình từ thế giới bên ngoài, cha mẹ cũng nên học cách kiềm chế cảm xúc của mình để tránh làm con xấu hổ trước đám đông.
5. Cha mẹ hay phán xét con
Tiến sĩ Julia DiGangi thường thấy các bậc phụ huynh hay đưa ra kết luận một cách vội vàng với những lời nói khó nghe về hành vi của con cái.
Một cặp vợ chồng đã nói với Julia rằng: "Đứa con đang ở tuổi nổi loạn không tôn trọng chúng tôi".
Lý do là cậu bé không chịu nghe lời khi được yêu cầu hoàn thành bài tập khoa học.
Nhưng khi chính bậc phụ huynh này nêu lên mối quan tâm của họ, đứa con đã trả lời một cách dứt khoát rằng: "Con có tôn trọng bố mẹ!Chỉ là môn học này không phải sở trường của con".
Như vậy, cách trò chuyện thông minh nhất với con trẻ là hãy đặt câu hỏi cụ thể, không phán xét, sau đó khẳng định rằng bạn sẵn sàng lắng nghe.
Cha mẹ có thể nói rằng: "Mẹ thấy con chỉ đạt được 64% số điểm trong bài kiểm tra khoa học gần đây nhất. Con có thể cho mẹ biết tại sao lại như vậy được không? Mẹ muốn nghe những khó khăn con đang gặp phải".
Cảm xúc của trẻ có thể ảnh hưởng đến cha mẹ. Khi chúng bị xáo trộn, bạn cũng bị tác động.
Vì vậy, khi những cảm xúc mạnh mẽ dân lên, điều dễ hiểu là cha mẹ muốn kiểm soát cảm xúc của con bằng cách bắt chúng im lặng, bình tĩnh lại.
Nhưng với tư cách là những phụ huynh có trí tuệ cảm xúc cao, nhiệm vụ của bạn không phải là kiểm soát cảm xúc của con. Điều quan trọng bạn cần làm là làm chủ cảm xúc của chính mình.

Với tư cách là những phụ huynh có trí tuệ cảm xúc cao, nhiệm vụ của bạn không phải là kiểm soát cảm xúc của con. Ảnh minh họa
6. Cha mẹ thích kêu ca, than phiền
Mọi người đều có thói quen than phiền khi giao tiếp, nhưng ít ai nhận ra rằng việc phàn nàn mang lại rất nhiều rắc rối.
Nhân viên kêu ca về sếp, liệu sếp có đánh giá cao anh ta?
Vợ chồng phàn nàn lẫn nhau, liệu cả hai có còn hòa thuận với nhau?
Con cái than phiền cha mẹ, liệu cha mẹ còn sẵn lòng yêu thương con cái vô điều kiện?
Theo thống kê, trung bình một ngày một người than phiền từ 15 đến 30 lần, nhưng họ không nhận ra điều đó.
Về vấn đề giáo dục con cái, những lời phàn nàn của nhiều bậc cha mẹ giống như một liều thuốc độc, sẽ ăn mòn dần thể xác và tinh thần của trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến cách trẻ nhìn nhận vấn đề.
Tác động trực tiếp nhất là trẻ cũng trở nên thích than phiền và trốn tránh trách nhiệm khi sự việc xảy ra.
Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể khiến trẻ có biểu hiện trêu đùa người khác.
Đạt được lợi thế cảm xúc sai lầm bằng cách coi thường người khác là điều không tốt và làm tổn thương những người xung quanh bạn.

GĐXH - Nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện đa phần những người có EQ cao đều biết cách nói chuyện, giao tiếp tài tình khiến ai cũng muốn gặp gỡ và gắn bó.

GĐXH - Sở hữu chỉ số EQ cao không chỉ giúp cải thiện chất lượng giao tiếp, được mọi người quý mến, mà còn giúp bản thân thăng tiến trong công việc.