Giai đoạn mật ngọt

Giai đoạn mật ngọt của một mối quan hệ thường kéo dài khoảng 6 tháng, trong đó mọi khoảnh khắc đều rực rỡ, thú vị và lôi cuốn. Cảm giác hưng phấn này được khoa học chứng minh do não giải phóng một lượng lớn các hợp chất hóa học và hormone như dopamine, oxytocin và endorphin, đưa cả hai người vào trạng thái hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Trong khi bị cuốn vào cảm giác ngây ngất này, bạn dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo lẫn những điểm không tương thích.

Khi niềm đam mê lắng xuống và ngọn lửa tàn lụi, nhiều người lầm tưởng họ đã hết yêu nửa kia hoặc không còn mong muốn tiếp tục mối quan hệ. Trong trường hợp này, điều quan trọng là kiểm tra cảm xúc của mình.

chuyen-tinh-4806-1692872492.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W2Xh6Lauvl6AJ4zNrpQdCA

Ảnh minh họa: Shutterstock

Giai đoạn khác biệt

Khi giai đoạn đầu kết thúc, giai đoạn thứ hai bắt đầu, kéo dài từ mốc 6 tháng cho đến hai hoặc ba năm. Thời điểm này sự trần trụi của thực tế bắt đầu xuất hiện, các dấu hiệu cảnh báo và sự chênh lệch ban đầu được che đậy bắt đầu lộ ra, buộc chúng ta phải thừa nhận sự thật: Người kia không hoàn hảo.

Khi đối mặt với những khác biệt này, điều tự nhiên là bạn cảm thấy muốn rút lui hoặc dễ tranh cãi gay gắt. Giao tiếp ngày càng trở nên khó khăn và thậm chí bạn có thể cảm thấy ác cảm với đối tác. Tuy nhiên, nếu cố gắng vượt qua giai đoạn này và cùng giải quyết những khác biệt, mối quan hệ sẽ tiếp tục. Trong trường hợp ngược lại, hai người rất dễ chia tay.

Giai đoạn đấu tranh

Ở giai đoạn này, những vấn đề và sự khác biệt lâu dài trở nên nổi bật hơn nhiều so với các giai đoạn quan hệ trước đó. Cảm giác ghét bỏ có thể xuất hiện. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy mất kết nối với đối phương và bị thu hút nhiều hơn vào các hoạt động bên ngoài mối quan hệ.

Nếu bạn muốn giữ gìn mối quan hệ, điều quan trọng là toàn tâm toàn ý cống hiến hết mình cho việc giao tiếp cởi mở và thường xuyên. Hai phía cần thực hiện những hành động có mục đích để giải quyết xung đột. Điều này đòi hỏi nỗ lực và kiên nhẫn, nhờ thế, có thể giúp bạn và đối tác xích lại gần nhau hơn.

Giai đoạn sửa chữa

Khi mối quan hệ bước vào khoảng thời gian từ này, sóng gió, xung đột, bất đồng đã ở phía sau, nhưng câu hỏi đặt ra là bạn có sẵn sàng đầu tư công sức để duy trì mối quan hệ hay không? Việc cảm thấy kiệt sức sau giai đoạn đấu tranh là điều tự nhiên. Tuy nhiên, những tác động của giai đoạn đó sẽ không ngăn cản bạn cố gắng hàn gắn những gì đã đổ vỡ, nếu bạn thực sự yêu nửa kia.

Giai đoạn cam kết

Giai đoạn cam kết thường xuất hiện sau 5 năm nỗ lực phối hợp. Giai đoạn này đại diện cho thành tựu đỉnh cao sau giai đoạn sửa chữa. Giai đoạn này của mối quan hệ biểu thị rằng các bạn đã thực sự chọn nhau, cùng phát triển và trở nên thành thạo trong việc truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình. Vào thời điểm này, hai phía hiểu sâu sắc về con người của mình lẫn đối phương, giúp mối quan hệ chặt chẽ.

Bước đến giai đoạn này, bạn thậm chí có thể trải nghiệm cảm giác phấn khích khi được yêu một lần nữa, bằng cách khám phá lại giai đoạn trăng mật với bạn đời.

Theo các chuyên gia, để đồng hành bước qua 5 giai đoạn, điều quan trọng là gìn giữ sự giao tiếp, ưu tiên thời gian chất lượng cho nhau, tiếp tục học hỏi và cùng phát triển, bên cạnh đó là thực hành sự tha thứ. Một mối quan hệ cần có thời gian và nỗ lực nhưng với sự kiên nhẫn và cam kết từ hai phía, nó có thể dẫn đến tình yêu và hạnh phúc suốt đời.

Thùy Linh (Theo Pinkvilla)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022